Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã phối hợp với Sở VH-TT Hà Nội trưng bày những hình ảnh 3D “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” giúp người dân cả nước hiểu hơn về di tích đặc biệt này.
Giải mã kiến trúc điện Kính Thiên
Hơn 20 năm trước, năm 2002-2004, cuộc khai quật khảo cổ học lịch sử có quy mô lớn tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã giúp các nhà khoa học phát hiện nhiều di tích khảo cổ quan trọng về lịch sử tồn tại của Kinh đô Thăng Long.
Phát hiện này đã tạo ra một tiếng vang lớn trong dư luận xã hội và quốc tế, và Hoàng thành Thăng Long sau đó đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Từ đó, Khu di tích khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu, quận Ba Đình trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thủ đô Hà Nội.
Mặc dù, khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, minh chứng thuyết phục về sự tồn tại của Kinh đô Thăng Long qua 13 thế kỷ.
Các dấu tích cung điện được các nhà khảo cổ xác định là kiến trúc gỗ, quy mô to lớn, có bộ mái lợp ngói công phu, tráng lệ không thua kém kiến trúc các cung điện cổ ở Đông Á. Tuy nhiên diện mạo, hình dáng cụ thể của các công trình kiến trúc đó vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã tiến hành một chương trình nghiên cứu giải mã những bí ẩn kiến trúc điện trong Hoàng cung Thăng Long, hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật với các chuyên gia nghiên cứu kiến trúc cổ nổi tiếng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mong muốn làm sáng rõ hơn giá trị khoa học của những phát hiện khảo cổ học, góp phần làm sâu sắc hơn những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, dựa trên 4 nguồn tư liệu là khảo cổ học, mô hình kiến trúc, tư liệu minh văn và tư liệu điều tra, nghiên cứu so sánh với các cung điện cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã từng bước nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.
Bước tiến dài trong nghiên cứu
Năm 2015, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phục dựng thành công hình ảnh 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý. Đây là lần đầu tiên hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn ngàn năm được tái hiện, giúp công chúng cảm nhận rõ ràng hơn về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
Hình ảnh này đã được trình chiếu dưới Khu Trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Từ năm 2016-2021, Viện Nghiên cứu Kinh thành tiếp tục nghiên cứu phục dựng 3D tổng thể hình thái kiến trúc thời Lý của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Từ đây, bức tranh toàn cảnh về cung điện, lầu gác của thời Lý được tái hiện trên nền các vết tích khảo cổ học dưới lòng đất khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội gồm 64 công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, tường bao, cổng ra vào. Công trình trên cho thấy, đây là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác cực kỳ đặc sắc, được quy hoạch xây dựng rất bài bản, khoa học vào thời kỳ vàng son của vương triều Lý.
Dựa vào các cấu kiện gỗ, đặc biệt là các loại Đấu xuyên tâm và các loại Bình áng trong hệ đấu củng được sơn son màu đỏ đào được tại di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực điện Kính Thiên, hình vẽ kiến trúc cung điện trên đồ gốm xuất khẩu và tư liệu mô hình kiến trúc thời Lê sơ, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có đủ cơ sở khoa học tin cậy để xác định chắc chắn rằng, kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là phát hiện quan trọng, là chìa khóa nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.
Kết quả nghiên cứu phục dựng cho thấy, Kính Thiên là tòa điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng gồm 11 bậc, phân làm 3 lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, 2 bên dành cho các quan đại thần.
Chính giữa phía sau và 2 bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá cũng chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn son sặc sỡ. Kiến trúc này có quy mô to lớn, thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và đầy quyền lực của vương triều.
Tuy đây mới là kết quả nghiên cứu ban đầu, có phần còn mang tính giả định về mặt bằng kiến trúc và chắc chắn còn có nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, kiểm chứng trong tương lai.
PGS.TS Trí khẳng định hình ảnh phục dựng điện Kính Thiên giới thiệu được dựa trên rất nhiều cơ sở khoa học tin cậy, xác thực, giúp công chúng và giới khoa học có thể hình dung rõ ràng hơn về vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa.