Giải mã MSN

(ĐTTCO) - Sự kiện tập đoàn sản xuất bia hàng đầu Thái Lan quyết định đầu tư 1,1 tỷ USD vào CTCP Tập đoàn Masan (MSN) là thương vụ được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, sẽ không nhiều NĐT biết rằng khởi điểm của MSN chỉ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải.

(ĐTTCO) - Sự kiện tập đoàn sản xuất bia hàng đầu Thái Lan quyết định đầu tư 1,1 tỷ USD vào CTCP Tập đoàn Masan (MSN) là thương vụ được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, sẽ không nhiều NĐT biết rằng khởi điểm của MSN chỉ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải.

Tham vọng đa ngành

Tiền thân của MSN là CTCP Hàng hải Masan được thành lập vào năm 2004, đến năm 2009 chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Masan và niêm yết trên sàn HOSE vào năm 2009 với mã CK MSN. Hiện tại, MSN được biết đến là một trong những công ty lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, tập trung hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng và tài nguyên. MSN là đơn vị dẫn đầu trong ngành hàng tiêu dùng gồm thực phẩm, đồ uống với những thương hiệu nổi tiếng như nước tương Chinsu, nước mắm Nam Ngư, mì ăn liền Omachi, Vinacafe và bia Sư Tử Trắng. Tuy mảng kinh doanh trọng tâm của MSN là sản xuất hàng tiêu dùng với sản phẩm chủ lực là gia vị, nhưng những năm gần đây MSN đã có những chiến lược cực kỳ táo bạo. Đơn cử là thương vụ MSN mua lại dự án Núi Pháo từ năm 2010, đánh dấu bước ngoặt mở rộng sang mảng khoáng sản. Mỏ Núi Pháo thuộc tỉnh Thái Nguyên, có trữ lượng lớn với các khoáng sản có giá trị cao như vonfram, bismut và florit. Ngoài ra, MSN còn đang mở rộng sang mảng thức ăn chăn nuôi qua việc thâu tóm Proconco và Anco.

Có thể nói, động thái mở rộng các hoạt động kinh doanh và liên tục thâu tóm những doanh nghiệp tiềm năng là một trong những hướng đi hiệu quả của MSN. Doanh thu những năm gần đây của MSN tăng trưởng ấn tượng nhờ vào các thương vụ M&A với CAGR, doanh thu trong giai đoạn 2011-2014 đạt 32%. Năm 2014, MSN đạt 16.089 tỷ đồng doanh thu (tăng 35%), trong đó, hàng tiêu dùng chiếm 82% và khai khoáng chiếm 18% trong cơ cấu doanh thu. Ngoài ra, 2014 cũng là năm đầu tiên ghi nhận doanh thu xuất khẩu đạt 2.247 tỷ đồng, chiếm 14% trong tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 đạt 2.037 tỷ đồng (tăng 55,8%). Nếu chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, MSN lỗ 44 tỷ đồng do gánh các khoản chi phí tăng lên đáng kể như chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong ngành hàng tài nguyên khi mỏ Núi Pháo vừa đi vào hoạt động. Bù lại, lãi ròng quý IV đạt 1.848 tỷ đồng (tăng 165%) do việc hợp nhất kết quả kinh doanh mảng bia đã đẩy lợi nhuận ròng năm 2014 tăng trưởng ấn tượng. Tính riêng lợi nhuận sau thuế quý IV đã chiếm đến 91% cả năm 2014. Có lẽ, chính từ kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng của mảng kinh doanh bia đã khiến tập đoàn sản xuất bia Thái Lan là Singha quyết định rót hơn 1 tỷ USD vào MSN.

Dự báo sáng sủa

Đến thời điểm hiện tại, MSN vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV-2015, nhưng nếu nhìn lại kết quả của 3 quý đầu cũng đủ nhìn thấy được triển vọng của doanh nghiệp. Theo thống kê, doanh thu thuần 9 tháng của MSN đạt 19.129 tỷ đồng (tăng 76,2%). Trong đó, doanh thu cả 3 quý đều có mức tăng tích cực. Nếu như động lực tăng trưởng ở quý I nhờ kết quả hợp nhất với Saigon Nutri Food và việc Tết Nguyên đán năm 2015 đến muộn, thì quý II và III doanh thu tăng mạnh do hợp nhất kết quả kinh doanh với Masan Nutri Science. Mảng thực phẩm và đồ uống ghi nhận doanh thu hợp nhất 9 tháng ở mức 8.998 tỷ đồng (đóng góp 47% doanh thu). Đặc biệt, so với cùng kỳ mảng sản xuất bia đạt tốc độ tăng trưởng cao, gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước (đạt 399 tỷ đồng). Với doanh thu tăng mạnh, lãi thuần 9 tháng cũng tăng trưởng vượt bậc với 1.166 tỷ đồng (gấp 6 lần cùng kỳ 2014). Trong đó các quý đều tăng trưởng mạnh, đặc biệt quý II-2015 lợi nhuận ròng ghi nhận 615 tỷ đồng lãi thuần so với mức lỗ 67 tỷ đồng cùng kỳ.

Nếu đưa ra dự báo về tương lai của MSN, chỉ có thể nói đến 2 từ “sáng sủa” sau hàng loạt chuyển động gần đây. Ngày 11-11, MSN tổ chức khánh thành nhà máy mới tại Nghệ An để sản xuất các sản phẩm thực phẩm tiêu dùng. Trong 10 năm tới, nếu chạy hết công suất thiết kế, Tập đoàn Masan sẽ tiết kiệm được khoảng 400 tỷ đồng chi phí kho vận so với phương án vận chuyển sản phẩm từ các nhà máy ở miền Nam ra miền Bắc. Ngành bia cũng là một bước đi chiến lược MSN đang tiếp cận. Đây cũng là ngành quan trọng chiếm gần một nửa ngành đồ uống của MSN với kết quả khả quan từ nhãn hiệu bia Sư Tử Trắng. Ngày 26-12, MSN đã khánh thành nhà máy bia mới với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm tại Hậu Giang. Công ty có kế hoạch mở rộng công suất nhà máy lên 150 triệu lít/năm. Việc khánh thành nhà máy bia mới giúp MSN gia tăng công suất từ mức 50 triệu lít/năm hiện hữu lên hơn 200 triệu lít/năm và ước tính doanh thu từ bia năm 2016 sẽ tăng gấp 3 so với năm 2015.

Nước mắm Nam Ngư là một trong những thương hiệu nổi tiếng của MSN.

Nước mắm Nam Ngư là một trong những thương hiệu nổi tiếng của MSN.

Áp lực cạnh tranh

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế và cơ hội MSN có được, cũng có nhiều yếu tố rủi ro đối với tình hình kinh doanh của tập đoàn này. Đáng kể nhất là rủi ro cạnh tranh trong ngành hàng tiêu dùng khá cao, khi MSN sẽ phải gặp áp lực cạnh tranh mạnh sau khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp nội cũng đang tạo sức ép mạnh mẽ lên MSN, điển hình là CTCP Tập đoàn Kido (KDC). Sau khi bán bớt mảng bánh kẹo cho đối tác nước ngoài, KDC đã đầu tư mạnh sang mảng tiêu dùng với nhiều sản phẩm  tương tự MSN như dầu ăn, gia vị, mì ăn liền với thương hiệu Đại Gia Đình. Cũng như MSN, KDC đặt ra tham vọng trở thành tập đoàn thực phẩm hàng đầu của Việt Nam.

Ngoài ra, theo nhận định của CTCK Phú Hưng, rủi ro trong ngắn hạn đối với Masan là cơ cấu nợ khá lớn, chiếm đến 63% tổng nguồn vốn tính đến hết quý III-2015, nên tạo áp lực trả lãi vay. Bên cạnh đó, nhiều khoản nợ bằng USD của MSN gặp rủi ro trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng, đặc biệt trong năm 2016. Ngoài ra, việc trở thành tập đoàn đa ngành khiến cơ cấu tổ chức của MSN ngày càng phức tạp và cồng kềnh. Quy mô lớn hơn đồng nghĩa với áp lực tăng khi duy trì tỷ suất lợi nhuận thỏa đáng. Thực tế, trong năm 2015 lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của MSN bắt đầu giảm nhẹ so với năm trước.

Các tin khác