Bà Lisa Bender, Chủ tịch Hội đồng thành phố cho biết, chính quyền Minneapolis cam kết giải thể sở cảnh sát nhưng vẫn sẽ duy trì lực lượng này trong thời gian ngắn. Ông Jacob Frey, Thị trưởng Minneapolis, đã bác bỏ việc giải thể Sở Cảnh sát thành phố nhưng 9 phiếu của các thành viên còn lại trong Hội đồng thành phố đủ để áp đảo quyền phủ quyết của ông Frey.
Cảnh sát Minneapolis bắt giữ người biểu tình đòi công lý cho George Floyd
Thay đổi là chắc chắn
Đa số thành viên Hội đồng ủng hộ thành phố chuyển sang mô hình an ninh công cộng dựa vào cộng đồng nhưng các quan chức Minneapolis vẫn chưa cung cấp bất kỳ chi tiết nào về hệ thống thực thi pháp luật mới. Theo giới quan sát, một bộ phận cảnh sát sẽ chuyển hướng sang các hoạt động cố vấn sức khỏe tâm thần và điều trị nghiện ma túy. Và chắc chắn, hoạt động tương tác giữa cảnh sát và người dân sẽ phải cải thiện.
Ngày 8-6, một số nhóm vận động đã đưa ra các khuyến nghị riêng cho Minneapolis, trong đó đề nghị tạo ra một cơ quan độc lập để điều tra và truy tố các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến cảnh sát, kiểm tra tâm lý bắt buộc cho các sĩ quan cảnh sát…
Giải thể lực lượng cảnh sát là một trong những lời kêu gọi trong các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp nước Mỹ sau một loạt bê bối liên quan đến hành vi phân biệt chủng tộc của cảnh sát da trắng. Các chuyên gia tư pháp hình sự chỉ ra rằng, cảnh sát Mỹ hiện đang được yêu cầu xử lý các tình huống mà họ không được đào tạo để giải quyết, dẫn đến cuộc đối đầu bạo lực và đôi khi chết người.
Một mô hình mới về trị an dựa vào cộng đồng cùng với một hệ thống dịch vụ xã hội lớn hơn sẽ giải quyết các vấn đề rắc rối trước khi chúng leo thang thành tội phạm. Khi đó, cảnh sát sẽ được phi quân sự hóa, loại bỏ các phương tiện và vũ khí nguy hiểm chống bạo động và được đào tạo tốt hơn về cách xử lý các tình huống mà không cần sử dụng bạo lực.
Từng có tiền lệ
Một số thành phố hiện đã bắt đầu dịch chuyển theo hướng này. Ông Eric Garcetti, Thị trưởng Los Angeles, cho biết ông sẽ gỡ bỏ khoản tiền 150 triệu USD ngân sách dành cho cảnh sát, mặc dù thành phố vừa nhất trí tăng cường tài trợ cho lực lượng này. Tại thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio cho biết, một số khoản tài trợ dành cho lực lượng cảnh sát lớn nhất nước Mỹ sẽ chuyển sang các sáng kiến vì thanh thiếu niên và các dịch vụ xã hội.
Cũng có thành phố đã cố gắng cải cách sâu hơn, như Camden ở New Jersey, nơi từng được coi là địa danh nguy hiểm nhất nước Mỹ. Năm 2013, Camden giải tán sở cảnh sát địa phương và sử dụng cảnh sát ở cơ sở thay thế. Bên cạnh đó, cảnh sát được đào tạo về các tình huống giảm leo thang, xác định sử dụng vũ lực là phương sách cuối cùng. Cảnh sát nào cũng có thể can thiệp nếu một đồng nghiệp phá vỡ các sắc lệnh này.
Kết quả rất rõ ràng, những lời phàn nàn về hành vi quá mức của lực lượng cảnh sát ở Camden đã giảm 95% kể từ năm 2014. Nhưng việc mở rộng những cải cách này trên 18.000 đơn vị cảnh sát khắp nước Mỹ là một thách thức lớn do sự kháng cự của các nhà lập pháp ủng hộ công đoàn cảnh sát.
So với các nước giàu có khác, nước Mỹ có phần ngoại lệ trong lĩnh vực trị an và kết án. Cảnh sát Mỹ đã bắn chết khoảng 1.000 người vào năm 2018 so với chỉ 11 người chết ở Đức và 8 người ở Australia. Mỹ cũng có hơn 2 triệu người bị giam giữ, là nơi có số tù nhân lớn nhất thế giới. Tính theo bình quân đầu người, số người chết trong các trại giam ở Mỹ nhiều gấp 6 lần ở Anh.
Tổng thống Donald Trump: “Không giải thể lực lượng cảnh sát Mỹ”
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-6 tuyên bố sẽ không có bất cứ quyết định nào về việc giải thể lực lượng cảnh sát sau những lời kêu gọi ngừng cấp kinh phí cho lực lượng thực thi luật pháp sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Phát biểu tại cuộc thảo luận với các quan chức thực thi pháp luật ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định rằng 99% cảnh sát là những người vĩ đại mặc dù có một số “con sâu làm rầu nồi canh”.