Nguyên nhân và biểu hiện
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thường gặp nhất của đau thần kinh tọa. Bệnh hay xảy ra ở đĩa đệm L4-L5, L5-S1. Ngoài ra người bệnh cũng bị đau thần kinh tọa khi trượt đốt sống, thoái hóa cột sống thắt lưng. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân hiếm gặp như viêm đĩa đệm đốt sống, tổn thương thân đốt sống (thường do lao, vi khuẩn)...
Để nhận biết bệnh cần chú ý đến những biểu hiện như: đầu tiên là đau từ thắt lưng lan xuống chân tùy theo rễ thần kinh nào bị chèn ép. Đau có thể liên tục hoặc từng cơn, giai đoạn đầu có thể giảm khi nằm nghỉ, tăng khi đi lại, cúi cột sống. Co cứng cơ cạnh sống lưng. Trường hợp có hội chứng chèn ép gây đau tăng khi ho, rặn, hắt hơi. Nếu có chèn ép thần kinh nặng người bệnh có biểu hiện yếu cơ, đi lại khó khăn (không đứng được bằng gót chân, khó đứng trên đầu ngón chân), teo cơ mông, cơ tứ đầu đùi, cơ cẳng chân. Một số trường hợp chèn ép chùm đuôi ngựa gây: bí đại tiểu tiện.
BS.CKI Thái Bảo Cường, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM
Đau thần kinh tọa có những ảnh hưởng đối với người bệnh. Đầu tiên là khi bị đau sẽ gây trở ngại trong công việc cũng như sinh hoạt của người bệnh. Nếu đau nhiều dẫn đến mất ngủ, chất lượng cuộc sống giảm sút đáng kể. Chính vì thế khi phát hiện có những biểu hiện, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Điều trị bệnh
Điều trị bệnh
Để xác định người bệnh có thực sự bị đau thần kinh tọa hay không và đâu là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này, bác sĩ sẽ cho thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như: X quang cột sống thắt lưng, ít có giá trị chẩn đoán nguyên nhân. Đa số các trường hợp X quang cho kết quả bình thường hoặc có dấu hiệu thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt đốt sống. Chụp X quang nhằm loại trừ một số nguyên nhân (viêm đĩa đệm đốt sống, tình trạng hủy đốt sống do ung thư, viêm…).
Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng. Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh quan trọng và có giá trị nhất nhằm xác định chính xác dạng tổn thương cũng như vị trí khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, đồng thời có thể phát hiện các nguyên nhân ít gặp khác (viêm đĩa đệm đốt sống, khối u). Điện cơ, giúp đánh giá vị trí, mức độ của rễ thần kinh bị tổn thương và phân biệt với các bệnh lý khác. Xét nghiệm máu, ít có giá trị, trừ những trường hợp có biểu hiện viêm, nhiễm trùng, khối u. Sau khi thực hiện các xét nghiệm để hiểu rõ hơn tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị bệnh đau thần kinh tọa thích hợp nhất theo từng bệnh nhân.
Một vài điều cần lưu ý với người bệnh. Đầu tiên người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt, công việc tránh các tư thế không tốt cho cột sống lưng: hạn chế ngồi lâu, cúi khom lưng, khiêng vác nặng, không nằm võng, ghế bố, mang đai lưng khi phải ngồi lâu > 30 phút… Các trường hợp đau cấp, đau nhiều nên nằm nghỉ tại giường, hạn chế đi lại. Tập vận động cột sống lưng thích hợp. Với phương pháp y học cổ truyền bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc đông y, châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm… Ngoài ra người bệnh có thể được chỉ định vật lý trị liệu: sóng ngắn, kích thích điện, siêu âm điều trị, kéo dãn cột sống lưng. Nếu quá đau có thể được sử dụng các thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi có tổn thương thần kinh nặng và tiến triển gây yếu liệt, teo cơ, hoặc khi điều trị nội khoa tích cực nhưng thất bại, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp phẫu thuậu cho bệnh nhân.
Với bất cứ bệnh lý nào thì việc dự phòng bệnh là hết sức cần thiết và đau thần kinh tọa cũng không ngoại lệ. Để tránh bị bệnh này mọi người cần lưu ý, nên có chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý, không khiêng vác nặng, cúi khom lưng, ngồi lâu, trong các tư thế sinh hoạt và làm việc luôn giữ lưng thẳng, môn thể thao phù hợp nhất là bơi… Tập luyện thường xuyên những bài tập giúp ổn định cột sống lưng. Khi có biểu hiện đau thần kinh tọa, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được tư vấn và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. Không nên tự ý điều trị tại nhà sẽ khiến bệnh có thể nặng hơn gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau.