Giảm cung tiền để chặn lạm phát

Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm nhận định về những giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra để kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Chuyên gia Cao Sĩ Kiêm cho biết, các giải pháp nếu thực hiện không đồng bộ, lạm phát sẽ vượt con số 17%.

Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm nhận định về những giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra để kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Chuyên gia Cao Sĩ Kiêm cho biết, các giải pháp nếu thực hiện không đồng bộ, lạm phát sẽ vượt con số 17%.

- PV: Ông có đồng tình với phương án giãn, miễn giảm thuế thu nhập mà Chính phủ đã trình Quốc hội?

Giao dịch tại Ngân hàng Eximbank.

Giao dịch tại Ngân hàng Eximbank.

- Ông CAO SĨ KIÊM: Trong tình hình ngân sách khó khăn hiện nay, chúng ta cũng có thể chấp nhận phương án này nhưng quan trọng nhất là khả năng thực thi đến đâu, phải hết sức nghiêm túc, rõ ràng. Kinh nghiệm trong những năm trước đây, chúng ta đề ra chính sách nhưng thực hiện không nghiêm túc hoặc không rõ ràng, làm cho thực tiễn méo mó, chính sách không được thực thi một cách công bằng, gây mất lòng tin.

Riêng tôi đề nghị, trong 6.200 tỷ đồng mà Chính phủ định giãn thuế nên giảm luôn vì giãn không mang nhiều ý nghĩa. Giãn năm nay sang năm lại thu gấp 2 càng khiến DN thêm khó. Nếu năm nay khó khăn, chúng ta giảm thuế cho DN để họ bứt lên được, sang năm 2012, khả năng đóng thuế của họ sẽ cao hơn, thu ngân sách sẽ tốt hơn. Điều đó có ý nghĩa hơn nhiều so với việc giãn thuế nhỏ giọt.

Thuế không phải vấn đề quyết định: tín dụng, lãi suất cũng phải giảm xuống. Vốn phải đưa về đúng chỗ để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận hiệu quả. Xuất khẩu và hàng về nông thôn cũng phải làm tốt. Tất cả những yếu tố đó phải làm đồng bộ để giúp doanh nghiệp vượt khó.

Ông đánh giá thế nào về những giải pháp của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm vừa trình Quốc hội?

- Vấn đề bây giờ là phải khắc phục những hạn chế cũ, cụ thể hóa chính sách phải thật nhanh, phải thực hiện rất nghiêm, nhất quán và phối hợp đồng bộ. Nếu không thực hiện nghiêm túc sẽ xuất hiện mâu thuẫn, không công bằng, mất niềm tin, đặc biệt sẽ thành tiền lệ rất xấu khiến sau này, Chính phủ, Quốc hội cứ đề ra giải pháp, còn người thực hiện cứ làm theo kiểu của họ.

- Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, Chính phủ nên chú trọng đến điều gì trong việc điều hành?

- Chính phủ cần kiên quyết giảm cung tiền kể cả tài chính và ngân hàng. Phải sử dụng hiệu quả số tiền đã có. Đặc biệt là phải có đột phá trong công tác quản lý. Vừa qua, trong quản lý điều hành, chúng ta đã có hiệu quả bước đầu rất tốt như quản lý ngoại tệ, vàng. Đó là điều mà Chính phủ hoàn toàn làm được.

- Nhiều ý kiến lo ngại việc thắt chặt tiền tệ dài hạn sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế trong những năm tới?

- Chắc chắn là sẽ như vậy. Nhưng đó là giải pháp tình thế, lúc khó khăn nhất chúng ta phải dùng bài thuốc đắng nhất. Lúc này, lạm phát đang lên cao nhất nên bài thuốc tốt nhất là phải chặn đứng ngay, kiềm chế ngay đà lạm phát. Phải thắt chặt tiền tệ, chính sách tài khóa, phải bớt tung tiền ra tạo thành cung tiền ít hơn, giảm khả năng áp lực lạm phát.

Việc này phải làm rất nhanh. Nếu kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp đình trệ, dẫn đến phá sản, không sản xuất được thì sẽ thành giảm phát chứ không phải là lạm phát. Chính sách phải điều hành thận trọng nhưng linh hoạt để tránh từ cực này sang cực kia.

- Ông có đồng ý với đề xuất của Chính phủ về mức CPI năm nay là từ 15%-17%?

- Có thể đạt được nếu giải quyết đồng bộ các giải pháp. Nếu làm không đồng bộ, CPI không chỉ 17% mà còn lên nữa. Đó là bài toán mà chúng ta đành phải trông chờ vào khả năng thực hiện, chứ hiện nay không thể nói ngay được.

- Chính phủ đưa ra chỉ tiêu CPI quá thấp, từ năm 2012 chỉ còn 1 con số, như vậy có quá lạc quan? Ông bình luận gì về việc Chính phủ cứ đề ra chỉ tiêu và sau đó lại trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu?

- Chính phủ luôn nhận xét tình hình một cách tích cực. Đó là điểm yếu trong công tác dự báo, phán đoán tình hình của chúng ta, trong đó Chính phủ cũng có lỗi là dự báo quá lạc quan. Chắc chắn Quốc hội sẽ phải bàn lại, phải có phân tích lý do để có quyết định sát nhất, phù hợp.

Có thể CPI năm nay là 15%, 17% hoặc nhiều ý kiến khác nhau nữa nhưng vấn đề là thông tin Chính phủ đưa ra phải chính xác để Quốc hội quyết, chứ nếu Chính phủ lạc quan thì Quốc hội cũng lạc quan theo!

Các tin khác