Theo NHNN việc giảm lãi suất huy động USD về 0% lần này là hướng đến mục tiêu chống tình trạng đô la hóa, găm giữ ngoại tệ. Điều này cũng dễ hiểu bởi kỳ vọng tỷ giá tăng đang dâng cao khiến đồng bạc xanh đang trở nên hấp dẫn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng bước đi tiếp theo của NHNN có thể giảm lãi suất tiền đồng một khi áp lực huy động không còn, mở ra cơ hội tiếp cận vốn rẻ cho doanh nghiệp.
Mục tiêu ổn định tỷ giá
Cuối tuần qua, NHNN ban hành Quyết định 1938/QĐ-NHNN thông báo mức lãi suất USD áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh NH nước ngoài) về mức 0%/năm (mức cũ 0,25%) kể từ ngày 28-9, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm (mức cũ 0,75%).
Quyết định trên được NHNN đưa ra vào thời điểm tỷ giá VNĐ/USD vừa tương đối ổn định sau đợt sóng dâng lên và NHNN đã phải nới biên độ tỷ giá thêm 3% vào tháng 8-2015, cũng như trước kỳ họp quan trọng của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) về quyết định có nâng lãi suất đồng USD hay không cũng khiến đồng bạc xanh nhiều phen nổi sóng. Theo NHNN, động thái này nhằm hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, giải thích rằng mặc dù có những biến động nhưng thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước về cơ bản ổn định, tuy nhiên một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện găm giữ ngoại tệ. Vì vậy NHNN quyết định tiếp tục giảm mức trần xuống 0% áp dụng đối với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng đối với cá nhân, nhằm nâng cao vị thế của đồng Việt Nam và từng bước chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ.
Bình luận về giải pháp này, TS. Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường Đại học Maketing, cho rằng động thái giảm lãi suất USD của NHNN là giải pháp kỹ thuật cần thiết để theo đuổi mục tiêu chính sách tiền tệ. Mục tiêu đầu tiên đạt được là giữ tỷ giá ổn định, chống tình trạng đô la hóa và tiếp theo làm cho người dân gia tăng giữ tiền đồng, giảm bớt lực cầu ngoại tệ. Qua đó thay vì bán tiền đồng để đi mua USD, nay khoảng cách chênh lệch lãi suất đang đủ lớn để người dân giữ tiền đồng có lợi thế hơn.
Trong bối cảnh tỷ giá VNĐ/USD được điều chỉnh trong thời gian qua, khiến việc nắm giữ ngoại tệ trở nên hấp dẫn hơn. Bởi trên thực tế từ đầu năm đến nay, huy động ngoại tệ đã tăng đáng kể ở mức 10,8% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 3,8%. Nhiều quan điểm đánh giá đây là động thái hợp lý của NHNN tránh sự dịch chuyển dòng vốn sang kênh ngoại tệ, gây áp lực trở lại với tỷ giá, đồng thời cam kết sẽ không phá giá lần nào nữa cho hết năm 2015.
Cơ hội cho doanh nghiệp?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng đến 90% vốn vay NH và chi phí lãi vay vẫn còn quá cao so với tỷ suất lợi nhuận trong hoạt động đầu tư. So với lạm phát hiện nay đang rất thấp, dự kiến cả năm 2015 chưa đầy 1%, nhiều kiến nghị NHNN cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên trong thời gian qua, lãi suất huy động VNĐ có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khá tốt trong năm nay, vì vậy nhiều lo ngại lãi suất cho vay sẽ không thể đạt mục tiêu giảm 1-1,5% như yêu cầu của NHNN.
Do vậy nhiều ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất gửi USD không chỉ giảm áp lực tỷ giá mà còn giải bài toán lãi suất trên thị trường. Theo lãnh đạo một NH phía Nam, áp lực tăng lãi suất huy động xuất hiện trong thời gian qua, nên động thái của NHNN sẽ làm tăng tính hấp dẫn của đồng nội tệ, dẫn đến vốn huy động bằng đồng nội tệ tăng.
TS. Trần Hoàng Ngân phân tích, doanh nghiệp đang cần vay tiền đồng lãi suất thấp để phục vụ sản xuất kinh doanh, do vậy việc giảm lãi suất huy động USD sẽ tạo khoảng trống, dư địa để NHNN kéo giảm lãi suất tiền đồng. Đó là hướng đi tích cực hiện nay NHNN có thể chọn.
Cũng có thể xem quyết định giảm lãi suất gửi USD là bước thăm dò tín hiệu thị trường, trong thời gian tới bước đi tiếp theo của NHNN có thể là sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, từ đó kéo mặt bằng lãi suất chung giảm để doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp.
Ảnh minh họa: LONG THANH |
Theo biểu niêm yết của Vietcombank, lãi suất huy động VNĐ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp kỳ hạn từ 0-6 tháng dao động từ 4-5%, vẫn có khoảng cách tương đối so với mức 0-0,25% dành cho USD.
Tùy từng NH và từng kỳ hạn, khoảng chênh lệch lãi suất huy động USD và huy động VNĐ còn có thể giãn rộng lên mức 6-7%. Như vậy, theo quy luật khi người dân chuyển sang nắm giữ VNĐ, nguồn cung VNĐ sẽ dồi dào hơn, tạo điều kiện giảm lãi suất huy động và cho vay.
Một tình huống khác nhiều người cũng kỳ vọng là chi phí huy động vốn bằng ngoại tệ sẽ giảm trong thời gian tới là tiền đề để các NH giảm lãi suất cho vay USD. Do đó các doanh nghiệp có dư nợ vay USD có thể kỳ vọng giảm chi phí lãi vay.
Theo danh sách được Công ty Chứng khoán Maybank KimEng đưa ra, số lượng doanh nghiệp niêm yết có dư nợ USD là khá lớn, bao gồm Công ty Thủy sản Hùng Vương-HVG (132 triệu USD), Công ty Thực phẩm Sao Ta FMC (28,6 triệu USD), Công ty Vận tải biển Việt Nam -VOS (167 triệu USD), Tổng CTCP Vận tải dầu khí -PVT (147 triệu USD), CTCP Vận tải Vinaship-VNA (27 triệu USD)...
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN TPHCM Lãi suất vay USD sẽ giảm 9 tháng năm 2015, tiền gửi tiết kiệm dân cư bằng USD tại khu vực TPHCM tăng hơn 17% so với đầu năm và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tiền gửi thanh toán USD của doanh nghiệp tăng 8%, so với cùng kỳ cũng tăng gấp 3 lần. Điều này cho thấy người dân và doanh nghiệp đều kỳ vọng tỷ giá USD/VNĐ tiếp tục điều chỉnh tăng vào cuối năm nay, nên tiếp tục găm giữ ngoại tệ, gây bất lợi cho việc chống đô la hóa của nền kinh tế. Quyết định 1938 thay thế Quyết định 2172/QĐ-NHNN ngày 28-10-2014 của NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân được điều chỉnh giảm sâu khiến nhiều người liên tưởng đến cầu về ngoại tệ của các nhà xuất, nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong dịp cuối năm, do lãi suất cho vay USD sẽ giảm theo. Song để được vay vốn bằng ngoại tệ, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện tiếp cận. Mặt khác, với các dự báo tỷ giá chưa hết áp lực, vay vốn bằng USD có rủi ro nhất định. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn TPHCM tính đến cuối tháng 8-2015 giảm khoảng 3,5% so với đầu năm 2015. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH Không tác động đến cung-cầu Việc giảm lãi suất huy động USD của NHNN không phải nhằm mục đích nới lỏng tiền tệ, bởi mức giảm không nhiều (giảm từ 0,25% xuống còn 0%). Bên cạnh đó, cho vay ngoại tệ chỉ chiếm 10-11% trong tổng tín dụng cũng như tổng tiền gửi, nên việc hạ lãi suất USD không tác động nhiều đến tín dụng chung của cả hệ thống. Đồng thời, việc giảm lãi suất huy động USD xuống mức 0% cũng không tác động nhiều đến lượng cung USD trên thị trường. Bởi dù lãi suất USD giảm còn 0%, nhưng các tổ chức kinh tế vẫn có xu hướng “găm” USD trong tài khoản thanh toán để chuẩn bị nguồn thanh toán khi đến kỳ hạn, đồng thời đề phòng rủi ro tỷ giá. Thực tế, bấy lâu nay lãi suất tiền gửi bằng USD với tổ chức cũng đã ở mức rất thấp nhưng các doanh nghiệp vẫn gửi ngoại tệ. Vì thế, việc giảm lãi suất huy động USD lần này chủ yếu nhằm hướng tới 2 mục đích: Thực hiện lộ trình chống đô la hóa và giảm sức hấp dẫn của USD; giảm một phần áp lực tỷ giá nếu có. Đối với lãi suất huy động USD của cá nhân đã giảm 0,5%, nhưng khả năng huy động vốn ngoại tệ sẽ giảm không đáng kể và tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng huy động vốn của NH. |