Năm 2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật TNDN có doanh thu không quá 200 tỷ đồng hoặc giảm so với năm 2019.
ĐBQH MA THỊ THÚY (Tuyên Quang):
Dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp
Có nhiều khó khăn và yếu tố bất lợi xuất hiện những tháng đầu năm 2023 tác động đến mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu của năm 2023. Tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn hàng bị thu hẹp, nhất là đối với thị trường các nước lớn. Điều này thể hiện rõ qua số doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 25,1%, tương ứng với gần 77.000 DN, so với cùng kỳ năm 2022.
Bình quân một tháng có 19.200 DN rút lui khỏi thị trường. Nhiều DN rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản, trong khi chính sách ưu đãi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn hẹp. Khó khăn của DN đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội. Số lao động mất việc làm trong quý 1-2023 là 149.000 lao động, tăng 39.000 lao động so với cùng kỳ.
Tôi cho rằng biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và DN dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp DN, như giảm lãi suất ngân hàng; giảm tiền thuê đất; giảm thuế TNDN; giảm, giãn, miễn lãi suất, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội…
ĐBQH TRỊNH XUÂN AN (Đồng Nai):
Cần giải pháp cấp bách cứu nguy cho doanh nghiệp
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đưa ra nhận định “nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn”. Theo đó, GDP quý 1-2023 là 3,32%, với mức thấp như vậy, để đạt được mục tiêu 6,5% cho cả năm, cần phải có quyết tâm và nỗ lực thật cao thì mới đạt được mục tiêu (mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%). Trong số các giải pháp, đặc biệt phải có giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho các DN. Bởi hệ thống DN là nền tảng vật chất, động lực cho sự phát triển, nhưng hiện nay các DN đang ở giai đoạn thực sự khó khăn.
Hiện DN đang khát vốn tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn, nếu có tiếp cận được thì rất khó để giải ngân do điều kiện về thủ tục. Chính phủ đã yêu cầu giảm lãi suất, tuy nhiên, việc quan trọng hơn là DN phải tiếp cận được nguồn vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất kinh doanh. Do đó, việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp với DN. Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán; đồng thời tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn. Các biện pháp gỡ khó cho DN cần thúc đẩy thị trường cả trong và ngoài nước, phải đồng bộ, thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa (thuế, phí).
Ông BÙI VĂN QUẢN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM:
Vừa giảm, vừa giãn thuế thu nhập doanh nghiệp
Các DN vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm, nhu cầu chuyên chở hàng hóa vì thế cũng giảm theo. Chưa kể các khó khăn khác đang “bao vây” DN như đăng kiểm… Hiện tại, hầu hết DN vận tải đều có lợi nhuận rất thấp, có DN huề vốn, thậm chí còn thua lỗ. Do đó, nếu được giảm thuế TNDN (với DN còn có lợi nhuận) chắc chắn sẽ giúp DN có thêm nguồn vốn hoạt động, tái đầu tư để phát triển. Hoặc nếu giãn được thời gian đóng thuế, thay vì đóng thuế mỗi quý thì đóng vào cuối năm cũng tốt cho DN. Bên cạnh đó, nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ giảm thêm thuế VAT để kích cầu, tăng sức mua, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nhanh hơn, qua đó các DN vận tải có thêm nhiều đơn hàng. Ngoài ra, cũng cần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư… đây chính là một trong những gói hỗ trợ mà DN cần nhất.
Ông NGUYỄN VĂN CÔNG, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai:
Nên giảm cả thuế nhập khẩu
Thời điểm hiện tại, tình hình kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn, đồng thời hoạt động xuất khẩu cũng gặp khó do các đơn hàng sụt giảm. Trong bối cảnh này, nhà nước cần đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DN. Với ngành chăn nuôi, khi xuất khẩu gặp khó, nhiều DN rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ khai thác thị trường trong nước. Ngoài ra, ngành chăn nuôi hiện nhập tới khoảng 75% thức ăn, thuốc thú y…. Do đó, ngoài việc giảm thuế TNDN, nhà nước nên giảm thuế nhập khẩu cho DN chăn nuôi trong 1 năm để hỗ trợ phục hồi sản xuất.