Trao đổi với báo chí ngày 31-8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện tại dù có tăng hay giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cũng không ảnh hưởng tới nhiệm vụ thu ngân sách trong 2012.
Trong khi trước đó, tại cuộc họp về tăng giá xăng dầu, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa khẳng định, nhà nước tăng giá thay vì giảm thuế vì ngân sách năm nay còn phải cân đối nhiều nguồn chi và cân đối cho chính sách giãn, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp (DN).
“Thuế xăng ở mức trung bình”
Ông Tuấn khẳng định, cho dù thuế nhập khẩu xăng có ở mức 12%, hay 20% hoặc giảm xuống 5% thì nguồn thu ngân sách không bị ảnh hưởng, Bộ Tài chính sẽ vẫn hoàn thành nhiệm vụ thu trong năm nay.
Trả lời về mức thuế, phí mỗi lít xăng hiện nay và so sánh với khu vực và thế giới, ông Tuấn không đưa ra con số cụ thể nhưng dựa vào tính toán của nhiều chuyên gia từ 6.500 - 7.000 đồng/lít, lãnh đạo này cho biết thuế, phí xăng của Việt Nam hiện chỉ ở mức trung bình so với khu vực và thế giới.
Cụ thể, nếu Việt Nam thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10%, thì các nước Đông Âu đang thu từ 19 - 23%, khu vực Tây Âu trong đó có Đức là 19%. Đối với thuế nhập khẩu, các nước đa số đánh theo con số tuyệt đối mỗi lít xăng theo USD và euro thì Việt Nam đang dùng phép thu tương đối.
“Dù tương đối hay tuyệt đối, theo quan điểm của tôi thuế nhập khẩu, GTGT xăng, dầu của VN đang ở mức trung bình thấp so với khu vực và thế giới” - ông Tuấn nói.
Về quan điểm của Bộ khi chính sách thuế đang coi xăng là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Tuấn cho rằng, hiện nay tất cả các quốc gia đều đánh sắc thuế này đối với xăng và mức thu thuế cũng cao hơn của Việt Nam.
Thực tế, sắc thuế này đã được Quốc hội thông qua và đánh từ năm 1998, theo quan điểm điều tiết, dù là mặt hàng phục vụ tiêu dùng nhưng vẫn phải trực tiếp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. “Bộ cũng sẽ nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên việc có loại xăng ra khỏi sắc thuế này hay không thuộc thẩm quyền của Quốc hội” - ông nói.
Sức khỏe doanh nghiệp khá hơn
Thông tin thêm về chính sách miễn, giãn giảm thuế vừa qua, ông Tuấn cho biết hiện Tổng cục Thuế đã hoàn thành giãn thuế GTGT tháng 4, 5, 6. Cụ thể, số thuế GTGT đã giãn 11.000 tỉ đồng, có gần 100.000 lượt DN được hưởng chính sách này góp phần giảm hàng tồn kho từ 36% xuống 24%.
Con số này là rất ít so với tổng số 553.000 DN đang kê khai thuế hiện nay. Nguyên nhân là do số DN vừa và nhỏ chiếm tới 90% tổng số DN, nhưng quy định về tiêu chí, điều kiện xếp loại các DN này không còn hợp lý khiến nhiều DN không đủ điều kiện tiếp cận.
“Quá trình làm chúng tôi phải xin Chính phủ một khái niệm tương đối về DN vừa và nhỏ. Hiện Bộ Tài chính đang kiến nghị sửa quy định này, không nên quy định dựa vào vốn và lao động mà nên dựa vào doanh số của DN trong từng năm” - ông Tuấn nói.
Thứ hai, về chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân bậc 1 đã thực hiện khoảng 3.600 tỉ đồng. Ngoài ra, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho DN vừa và nhỏ tương đương hơn 3.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng đã giãn thu tiền sử dụng đất khoảng 1.600 tỉ đồng trên tổng số gần 9.000 tỉ đồng cả 2012.
Nhưng trong khi chính sách chỉ hỗ trợ DN gặp khó khăn do khách quan như người mua nộp tiền không đúng lịch, hoặc những DN triển khai công trình hạ tầng trọng điểm có ích cho xã hội thì có DN lại thu tiền sử dụng đất của người mua, nhưng lại chiếm dụng vốn để làm việc khác. Vì vậy, Bộ Tài chính đã yêu cầu xử lý lại trên 200 tỉ đồng.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, sức khỏe của DN đã khá hơn trước. Nếu tính đến nay đã có 200.000 DN dừng hoạt động do khó khăn. Nhưng qua theo dõi sát sao 25.000 DN dừng hoạt động kể từ đầu năm, riêng trong tháng 6.2012 có 900 DN hoạt động trở lại, tháng 7 có 1.200 DN...
“Nhưng một tín hiệu đáng mừng hơn, trong số 533.000 DN thường xuyên kê khai thuế, doanh số khai thuế GTGT tháng 7 vừa qua tăng được 5,3%. Trong số các DN trên, số DN khai có lãi quý 1 tăng 2,4%, quý 2 tăng hơn 2,8%” - ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, thu ngân sách năm nay khả quan hơn khi riêng công tác thanh tra, chống chuyển giá, thu nợ đọng thuế năm 2011 đạt 7.200 tỉ đồng, chưa kể số giảm lỗ. Tính đến 30.7, con số này đạt 5.900 tỉ đồng. Bên cạnh tín hiệu đáng mừng, khó khăn lớn hiện nay là tình trạng nợ đọng thuế GTGT khi đang gia tăng toàn quốc với số nợ tăng từ 25.500 tỉ thời điểm 1.1.2012 đến 30.6 là 34.160 tỉ đồng.
Lỗ hổng tạm nhập tái xuất Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, một trong những vấn đề hết sức nghiêm trọng hiện nay là tình trạng nhiều DN lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, tuồn hàng hóa kém phẩm chất vào thị trường trong nước. Nếu không có giải pháp, phối hợp chặt chẽ, không hiệu quả tình trạng tạm nhập, tái xuất là tác hại lớn tới sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Qua theo dõi, kim ngạch tạm nhập tái xuất gia tăng nhanh, bất thường trong thời gian gần đây. Kim ngạch tạm nhập 2006 chỉ 1,3 tỉ USD đến 2011 tăng lên 6,3 tỉ USD, riêng 6 tháng đầu năm 2012 là 3,85 tỉ USD. Trong vòng 5 năm tăng gần 5 lần, số bất thường đó là rủi ro đối với nền kinh tế. Đặc biệt, có sự chênh lớn giữa đầu vào và đầu ra khi năm 2007 nhập vào giá trị 1,7 tỉ USD nhưng xuất ra chỉ 120 triệu USD, năm 2010 vào 5 tỉ USD ra 4 tỉ USD. “Qua thanh tra ở địa bàn trọng điểm vừa qua như Quảng Ninh, Hải Phòng, đã có 1.010 lô hàng quá hạn 180 ngày tạm nhập. Phải làm rõ bản chất xem những lô hàng này có xuất ra không hay quay vào thị trường trong nước để tác động xấu, phá hại thị trường gây nguy hại đối với nền kinh tế” - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết. |