Chờ phân loại, 600 biệt thự cổ đã... “biến mất”
Tại khu vực trung tâm thành phố, ngoài các công trình văn hóa thì việc bảo tồn biệt thự cổ đã trở thành sự “xung đột” giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân.
Theo UBND quận 1, năm 2017 quận có văn bản báo cáo Sở Xây dựng kiểm kê, phân loại 200 biệt thự cũ. Trong năm nay, quận tiếp tục gửi cho Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM danh sách 30 biệt thự cũ nhằm phục vụ cho việc phân loại. Tuy nhiên, công tác phân loại chậm chạp đã khiến việc bảo tồn hết sức khó khăn.
Cụ thể, vừa qua quận 1 đã phải ngưng cấp phép xây dựng 19 căn biệt thự cũ để chờ kiểm kê, phân loại. Ông Nguyễn Phước Thành, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 1, cho biết nhìn chung chủ sở hữu các biệt thự muốn tháo dỡ và xây dựng lại vì mục đích kinh tế.
Nhiều trường hợp, mặc dù quận không cho tháo dỡ nhưng người dân tự tìm cách phá dỡ, ví dụ đưa xe vô đập nhà vào ban đêm. Trong lúc chờ đợi kết quả phân loại, lãnh đạo quận đi thực địa và chủ động tiến hành cấp phép cho một vài trường hợp, đó là những công trình có sự khác biệt quá lớn so với ban đầu.
Việc xử lý linh động này đã giảm thiểu gây bức xúc cho trường hợp đơn lẻ, nhưng những biệt thự cổ có tiếp tục tồn tại trên thực tế hay không lại là chuyện khác.
Cần 60 tỷ đồng sửa lại mái ngói chợ Bến Thành Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết, mái ngói chợ Bến Thành bị hư hỏng, dột nước, nhưng không có kinh phí để sửa chữa, làm theo đúng kết cấu như cũ. Dự tính, chi phí trùng tu hoàn chỉnh là 60 tỷ đồng, có đơn vị gợi ý thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nhưng quận băn khoăn không biết đổi lại quyền lợi như thế nào cho nhà đầu tư. |
Nhờ sự nỗ lực của thành phố, thời gian qua đã có rất nhiều công trình được bảo tồn, trùng tu. Ông Trương Canh Ba, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết gần 10 năm qua, quận có khá nhiều di tích được chấp thuận chủ trương tu sửa cấp thiết, trùng tu, tôn tạo, như Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 5 Châu Văn Liêm)…
Quận 5 cũng tiến hành vận động xã hội hóa công tác trùng tu hơn 120 tỷ đồng. Tại quận Bình Thạnh, việc sử dụng nguồn vốn xã hội hóa đã kịp thời trùng tu sửa chữa nhiều di tích.
Cụ thể, trùng tu đình Cầu Sơn với kinh phí 3,7 tỷ đồng, trùng tu đình Bình Quới Tây 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương sửa chữa hạng mục bị xuống cấp bên trong và tường rào của Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt.
Tuy nhiên, công tác trùng tu di tích, di sản hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu tiên là các thủ tục pháp lý. Ví dụ, chùa Ngọc Hoàng (quận 1) được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994. Ngôi chùa bị xuống cấp hư hỏng, năm 2013 quận làm thủ tục xin sửa mái ngói chống dột.
Là di tích cấp quốc gia nên kinh phí cho dự án phải trình Bộ VH-TT-DL. Khi dự án được duyệt, kinh phí sửa chữa là 4,8 tỷ đồng, nhưng bị vướng thủ tục quy định phải có nghệ nhân thực hiện việc sửa chữa, trùng tu. Có điều, kinh phí như vậy thì không tìm được nghệ nhân thực hiện.
Sự việc kéo dài từ năm 2013 đến nay vẫn chưa thể tiến hành sửa chữa, công trình tiếp tục xuống cấp. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết quận đang làm đánh giá tổng thể di tích để xác định định việc duy tu, sửa chữa bảo tồn như thế nào cho tốt, nhưng trước mắt sẽ thực hiện chống dột trước mùa mưa năm sau.
Tiếp đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là cá nhân hoặc đơn vị sở hữu di tích không muốn đưa tài sản vào danh sách di tích, di sản để bảo tồn.
Ông Tạ Đình Du, Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Bình Thạnh, cho rằng về mặt tâm lý, đối với người phụ trách, ban quản lý của cơ sở tôn giáo hoặc tín ngưỡng dân gian, nếu thành phố quy hoạch để sắp tới công nhận hoặc đưa vào diện phải công nhận di tích, sẽ rất khó khăn. Lý do, đối với một công trình tôn giáo thì ý nghĩa về mặt di sản, di tích rất lớn, nhưng người sử dụng còn có nhu cầu khác.
Ví dụ, chùa Văn Thánh được công nhận xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp thành phố. Hiện nay, phần chánh điện thì vẫn giữ nguyên kiến trúc từ thời Pháp thuộc nhưng phần hậu tổ, trai đường, nhà tăng ở phía sau thì có nhu cầu xây dựng lại.
Tuy nhiên thủ tục rất gian nan, bởi vì luật quy định, phải khoanh vùng di tích, trong vùng I không được xây dựng, do đó bị khống chế, không thể được xây dựng theo ý của chủ công trình. Đó chính là lý do các đơn vị sử dụng không mặn mà khi đưa nhà đất vào xếp hạng di tích, di sản.
Mới đây, trực tiếp chủ trì Đoàn giám sát của HĐND TPHCM trong việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị tại một số cơ sở ở các quận 1, 5, Bình Thạnh, ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TPHCM, bày tỏ sự lo lắng. Đối với công trình quản lý tốt (như di tích tôn giáo, biệt thự…), nếu chính quyền địa phương phối hợp tốt với chủ cơ sở thì khi trùng tu sẽ gìn giữ được nguyên bản; ngược lại, nếu không được hướng dẫn, khi tự trùng tu sẽ làm mất đi kiến trúc ban đầu.
Nhóm thứ 2, đó là các cơ sở không muốn được xếp hạng. Vậy có cách thức nào tác động để duy trì, giữ gìn công trình, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang diễn ra rất nhiều sự thay đổi chủ sở hữu các cơ sở văn hóa, biệt thự cổ, cũng như các cơ sở tôn giáo thay đổi người quản lý, muốn làm mới với tư tưởng khác?
Ông Trương Trung Kiên cho rằng, cần có sự thuyết phục của cơ quan chức năng đối với các chủ cơ sở văn hóa để giảm thiểu sự e ngại đối với việc được xếp hạng, sao cho họ hiểu được việc xây dựng mới công trình cao tầng sẽ làm biến dạng di tích, phá vỡ cảnh quan đô thị, mất bản sắc văn hóa…
Ngoài ra, đối với di tích đã xếp hạng, việc vướng các thủ tục pháp lý, chính sách khiến công tác trùng tu, tôn tạo bị cản trở, các quận huyện nên sớm có báo cáo hoàn chỉnh trình lên HĐND TPHCM để kiến nghị tháo gỡ.
Cho phép xây dựng Nhà sinh hoạt nhà thờ Cha Tam |