Và ông Đinh Hợp, sinh năm 1962, bản Nịu, được người dân gọi là Giàng vì ông giúp dân xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vốn làm ăn, rồi khi có người ốm đau, phụ nữ sinh đẻ ông cùng người dân không nề hà vượt rừng cả trăm cây số đưa xuống bệnh viện.
Chăn bò kiếm đô la
Bên dốc Nước Nứt của bản Địu là căn nhà sàn 2 tầng của gia đình ông Đinh Hợp, bên trong căn nhà treo nhiều bằng khen giấy khen từ xã huyện, tỉnh đến Trung ương khen làm ăn, đại đoàn kết toàn dân.
“Để có giấy khen như vậy, tôi cùng dân bản nỗ lực rất nhiều về làm ăn. Trước đây bà con suy nghĩ không thông, cứ chờ gạo trợ cấp mãi nên biếng làm việc. Tôi là đảng viên, phải tự đả thông tư tưởng của mình, nếu không vực lên kinh tế hộ gia đình giữa đất đai trù phú biên ải thì làm sao nói dân nghe được. Đầu nghĩ, tay làm. Năm 1994, tôi về xuôi vay ngân hàng chính sách, mua 5 con bò giống về chăn thả ở rìa bản Nịu. Chăm sóc chu đáo, từ 5 con bò đầu tiên, chúng sinh sản thành 15 con. Bán trả nợ, tôi mua thêm con giống về gây dựng, đến năm 2015 chúng sinh sôi được hơn 100 con” - ông Đinh Hợp chia sẻ.
Cả vùng rừng núi biên giới Việt - Lào đều rất ngạc nhiên khi ông Đinh Hợp làm một việc chưa bao giờ có, ấy là năm 2009, ông lùa 11 con bò đi bán, tậu về chiếc máy cày hiệu Bông Sen. Cả xứ Thượng Trạch đều thuê máy cày của ông khi mùa vụ đến. Cày cho bà con Ma Coong người Việt xong, ông làm việc với bộ đội biên phòng, xuất ngoại, cày cho anh em Ma Coong người Lào.
“Tôi phải tự học mấy tháng lái thuần thục chiếc máy cày kỳ diệu này. Có nó, cuộc sống khá lên rất nhiều. Người Lào bên đó họ cần nên thuê nhiều lắm, mỗi năm 2 bận qua đó cày thuê, mỗi bận đưa về 2.000 USD, hàng năm cũng thu được đến 4.000 USD rồi. Nuôi bò kiếm đô la là vậy đấy” - ông Đinh Hợp hồ hởi.
Gia đình ông Đinh Hợp dựng chòi trên nương, bỏ lúa vào đó, lúc giáp hạt ai thiếu đến lấy, mùa sau trả lại để cho người khó khăn khác. |
Ông Đinh Hợp có 7 người con, 4 người đi học đại học về làm công an huyện, đoàn thanh niên huyện, hội phụ nữ huyện, và làm y tế xã. Hiện ông đang có một con út học sư phạm đại học Quảng Bình.
Giúp bản làng đổi thay
Trong quá trình hoạt động, ông Đinh Hợp bộc lộ của một người ham học, ham hiểu biết. Xã Thượng Trạch kết nạp ông vào đảng, bổ nhiệm xã đội phó năm 1994. Bước chân của ông đi khắp 18 bản làng xa xôi biên giới, động viên từng hộ dân làm theo cách ông chăn nuôi bò để thoát nghèo, hộ nào khó khăn, có khi ông tặng con giống, mùa sau bò đẻ, trả lại con non, ông đi tặng hộ nghèo khác. Từ đó, đàn bò giống tặng dân nghèo cứ thế tăng dần hàng chục con sau nhiều năm.
Ông Đinh Răm ở bản Nịu kể: “Cụ Đinh Hợp có tấm lòng thương bà con dân bản, cụ làm giàu không chỉ cho gia đình, mà từ cái giàu có đó, cụ đưa kinh nghiệm cho dân bản, khó thì cụ cho con giống, khó nữa cụ cho mượn tiền đi chữa bệnh nên cụ nói gì dân cũng nghe, làm theo”.
Cùng chia sẻ, bà Y Lan ở Thượng Trạch kể: “Cụ Đinh Hợp cần cù, ruộng nương nhiều lắm nên mỗi mùa lúa, cụ xây cái chòi cất lúa bên trong như cách cứu khó mỗi mùa giáp hạt. Nhà ai hết gạo, ra chòi lấy một bao về ăn, năm sau mùa lúa chín đến chòi trả lại một bao để nhà khó khác lấy về dùng”.
Lên vùng biên ải Thượng Trạch, thắc mắc vì sao ông có 3 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND xã, từ năm 2005-2020 nghỉ hưu, ông kể: “Hồi đó cán bộ dưới xuôi lên họp thấy mình chạy từ bản này qua bản khác kêu dân về xã làm việc, nói ai cũng nghe nên cho làm cán bộ. Từ xã đội phó, lên xã đội trưởng, Phó Chủ tịch rồi lên Chủ tịch. Hơn nữa, giai đoạn đó cán bộ dưới xuôi lên nói tiếng Việt chỉ một số ít biết nghe, còn dân toàn dùng tiếng Ma Coong nên ít người hiểu. Mình nói tiếng Ma Coong bà con nghe, làm kinh tế tốt nên giữ chức Chủ tịch UBND xã 3 nhiệm kỳ xong về hưu”.
Ông Đinh Cu, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch nói: “Bác Đinh Hợp làm 3 nhiệm kỳ, Thượng Trạch khởi sắc hẳn. Dân bản học tập cách làm ăn của bác mà thoát khó. Tuy vùng đồng bào thiểu số vẫn còn khó khăn lắm, nhưng bác Hợp như ngọn núi chỉ đường trong vùng cho dân bản biết cách làm ăn, để cùng tin tưởng góp sức xây dựng quê hương”.
Bây giờ về hưu, đàn gia súc vẫn đông đúc, ông Đinh Hợp vẫn là một đầu tàu gương mẫu trước dân. Cuộc sống khấm khá, ông tậu thêm chiếc xe bán tải gần 1 tỷ đồng, ngoài phục vụ làm ăn, đi lại giữa núi rừng với miền xuôi, nó còn có một chức năng chở miễn phí những ai ốm đau hay các bà mẹ Ma Coong có bầu đi viện sinh nở rất thiết thực.
Bà Y Moan kể: “Xe ô tô của bác Đinh Hợp đã chở tôi đi sinh 2 lần đều mẹ tròn con vuông. Khi chưa có xe, bác Hợp dùng máy cày chở bà con đi viện hoặc đi sinh. Thời bác ấy còn làm lãnh đạo xã, cứ đêm hôm ai đau ốm, ai mắc sinh bác cũng lái máy cày đi. Nay có xe, bác ấy lái miễn phí nên dân mừng lắm”.
Chia tay chúng tôi, ông Đinh Hợp khẳng định: “Tất cả những việc mình làm khi còn là cán bộ đến nay rồi đến cuối đời đều nhờ theo đảng và học hỏi tấm gương Bác Hồ. Phải sống cùng dân, làm cùng dân mới giúp dân tin để cùng nhau xây dựng vì quê hương ngày càng đổi mới”.