Gỡ khó cho các hãng hàng không Việt Nam

Hàng loạt những vấn đề “gai góc” của các hãng hàng không Việt Nam như cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, phí dịch vụ, thuế xăng dầu, mở rộng mang lưới đường bay, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị kinh doanh… đã được “mổ xẻ” để tạo nên luồng gió mới cho thị trường hàng không nước ta.

Hàng loạt những vấn đề “gai góc” của các hãng hàng không Việt Nam như cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, phí dịch vụ, thuế xăng dầu, mở rộng mang lưới đường bay, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị kinh doanh… đã được “mổ xẻ” để tạo nên luồng gió mới cho thị trường hàng không nước ta.

Đồng loạt đều “than” khó

 

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam năm 2015 vào sáng 19/3, theo ông Dương Trí Thành, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), hiện hãng này và Jetstar đang khai thác thị trường khách nội địa chiếm 65%, Vietjet Air chiếm 35%. Gần đây là hãng hàng không Hải Âu hoạt động trong lĩnh vực khai thác dịch vụ du lịch.

“Mật độ bay tăng nhanh, năng lực điều hành quản lý an toàn bay cũng tăng nhưng hạ tầng không tăng dẫn tới ách tắc. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới chậm hủy chuyến. Hãng hàng không bao giờ cũng mong muốn đến đúng giờ nhưng do vấn đề thời tiết, không lưu… và quan hệ với các đơn vị cung ứng dịch vụ đồng bộ từ mặt đất, kỹ thuật, xăng dầu, suất ăn đã trở thành vấn đề căng thẳng,” ông Thành đánh giá.

Đề cập đến việc cải tạo sân đỗ, đường lăn, quản lý giờ cất cánh, quản lý điều hành để có chuyến bay có lợi, ông Thành cho rằng, khi nào có dung lượng khách hơn 1 triệu, hãng sẽ tự cung ứng phục vụ khách, sân đỗ, khai thác dịch vụ mặt đất cho các doanh nghiệp tự quyết định.

Nhìn nhận về chất lượng dịch vụ hành khách, theo ông Thành, trong điều kiện năm 2015, hạ tầng các sân bay đã có cuộc cách mạng với nhà ga T2, sảnh E, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng nhưng việc chuyển giao, kết nối giữa các nhà ga vẫn còn rất khó khăn.

Đơn cử, nhà ga T1 với T2, trước đây, khi nối chuyến quốc tế, quốc nội, Vietnam Airlines cần 90 phút, giờ kết nối thêm 30 phút nhưng chậm nên giảm khả năng nối chuyến, trung chuyển nên cần có giải pháp tạm thời và sớm.

Bên cạnh đó, ông Thành cũng chỉ ra hàng loạt các vướng mắc, cần khắc phục về hệ thống check-in nếu gặp sự cố, bố trí nhân lực thường trực khi bị dồn chuyến hoặc vào mùa cao điểm đi lại của người dân đồng thời nhấn mạnh đến sự hỗ trợ, tăng cường của các doanh nghiệp đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Vốn là hãng hàng không ra đời muộn, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cho rằng, Vietjet hoàn toàn không có mặt bắng tại các sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất, không có công ty cung ứng trực thuộc hãng.

“Thực tế, Vietjet là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ dịch vụ cung ứng tại sân bay và các cảng hàng không đều không do hãng cung cấp. Chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng của hãng tại các cảng hàng không phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp giữa các bên, từ khâu làm thủ tục cho hành khách, tiếp nhận hành lý, dịch vụ sân đỗ, trả hành lý trên băng chuyền…,” ông Tâm nhấn mạnh.

Bày tỏ sự lo ngại về kiểm soát hao hụt xăng dầu, ông Tâm tiết lộ, Công ty xăng dầu Vinapco-một công ty con của Vietnam Airlines đang nạp nhiên liệu cho Vietjet và tỷ lệ hao hụt (thất thoát) bình quân hiện tại lên tới gần 2%.

“Dự kiến, ngân sách nhiên liệu năm nay của hãng vào khoảng 6.000 tỷ đồng. Nếu hao hụt tới 2% nghĩa là doanh nghiệp bị mất đi khoảng 120 tỷ đồng. Đây là con số ảnh hưởng không tốt tới kết quả kinh doanh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp,” vị Phó tổng giám đốc Vietjet cho hay.

Ngoài ra, đối với các trường hợp hành lý của khách bị thất lạc, ông Tâm cũng thẳng thắn nhìn nhận, hãng hàng không luôn phải đối mặt với các khiếu nại của khách, phải trả tiền bồi thường, thậm chí bị kiện ra tòa. Trong khi đó, các công ty phục vụ mặt đất, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc phục hành lý rất hạn chế trong việc hợp tác để giải quyết thấu đáo và rõ ràng trách nhiệm với khách hàng.

“Không quay mặt mà phải hỗ trợ nhau”

Một vấn đề “nóng” được các hãng hàng không tập trung kiến nghị tháo gỡ trong hội nghị này chính là chi phí nhiên liệu bay, nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Tạ Hữu Thanh, Giám đốc khu vực phía Bắc của Jetstar cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2015 giá nhiên liệu bay (Jet A1) giảm sâu so với 2014, mức hiện nay khoảng 70 USD/thùng. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu lại tăng lên 25% và đây là một gánh nặng tài chính đối với hãng hàng không. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có chủ trương tăng thuế môi trường từ 1.000 lên 3.000đồng/lít. Với mức tăng này làm ảnh hưởng đến chi phí của Jetstar dự kiến trong năm 2015 là gần 150 tỷ đồng.

Để tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ các hãng hàng không, đại diện các hãng hàng không đều kiến nghị Bộ giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không xuống còn 7% và đưa thuế môi trường vào cơ cấu giá vé.

Khẳng định các thắc mắc của các hãng ở trên có cơ chế giải quyết chưa hiệu quả, đại diện ACV cho rằng, một số dịch vụ trước đây do Vietnam Airlines độc quyền, sau đó ACV có mở thêm để có cạnh tranh có lúc lành mạnh lúc chưa như tranh khách hàng, giảm giá dịch vụ gây thiệt hại cho Nhà nước.

“Cách giải quyết đơn giản là ngồi lại, thống nhất và phân chia thị trường,” đại diện ACV nói.

Các tin khác