Gỡ nút thắt cho dòng vốn ngoại

(ĐTTCO) - Nghị định 60 được cho là có nhiều nút thắt đối với dòng vốn đang dần được tháo gỡ sau khi Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra dự thảo quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh CK.

(ĐTTCO) - Nghị định 60 được cho là có nhiều nút thắt đối với dòng vốn đang dần được tháo gỡ sau khi Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra dự thảo quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh CK. 

Lấy mốc từ tháng 8-2015 đến trước tháng 3-2016, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã bán ròng khá mạnh tay với hơn 4.232 tỷ đồng tính riêng tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Khối ngoại chỉ duy nhất mua ròng trong tháng 10-2015 nhưng chủ yếu là giao dịch thỏa thuận khi MBB “hở room” 40 triệu cổ phiếu (CP) cho khối ngoại thời gian đó do tăng vốn phát hành cho SCIC.

Rõ ràng, hành động bán ra khá mạnh trong ngắn hạn của khối ngoại đã ảnh hưởng tiêu cực lên dòng tiền của thị trường, đặc biệt khi tâm lý nói chung của nhóm NĐT trong nước đang yếu ở thời điểm đó. Dù vậy bắt đầu từ tháng 2-2016, cường độ bán ròng của khối ngoại đã được tiết chế rất nhiều và trong nửa đầu tháng 3-2016 đã chứng kiến hoạt động mua ròng của các NĐTNN quay trở lại với cường độ mạnh với giá trị mua ròng đạt gần 700 tỷ đồng. Khá thú vị khi việc giảm bớt cường độ bán ròng và sau đó quay lại mua ròng của khối ngoại trong 2 tháng vừa qua, trùng hợp với việc gỡ bỏ thêm những nút thắt trong việc thực hiện nới room dành cho các công ty niêm yết.

Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép các công ty niêm yết (không thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện) được thay đổi tỷ lệ sở hữu của các NĐTNN lên đến tối đa 100% thay vì chỉ 49% đã có hiệu lực từ đầu tháng 9-2015. Tuy nhiên, việc mở room vẫn chưa được áp dụng đồng loạt cho tất cả các công ty vào thời điểm đó do vẫn còn hàng loạt vướng mắc, khiến đại đa số các doanh nghiệp niêm yết đều rất khó khăn trong việc thực hiện. Theo đó, việc thắt cổ chai khi chờ hướng dẫn từ các bộ, ngành liên quan có thể làm kéo dài thời gian quá trình nới room của các doanh nghiệp. Thí dụ, những doanh nghiệp không phải là công ty chứng khoán (CTCK) phải đối chiếu lại với những luật/hướng dẫn/cam kết thương mại có liên quan (bao gồm cả việc công ty có thuộc danh sách 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện).

Điều 2c nghị định này quy định khi công ty đại chúng hoạt động đa ngành nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành nghề mà công ty đó hoạt động. Và nút thắt này phần nào được tháo mở khi các công ty có thể tách các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc công ty con và trong giấy phép của công ty mẹ không bao gồm những ngành nghề này và làm việc trực tiếp với UBCKNN. Việc thay đổi giấy phép này cần được ĐHCĐ thông qua nhưng ít nhất vẫn thuộc quyền chủ quản của doanh nghiệp đó hơn là phải chờ đợi những văn bản luật/hướng dẫn của các bộ, ngành.

Rào cản được nhắc đến nhiều nhất liên quan đến vấn đề đối xử với các doanh nghiệp niêm yết khi có sở hữu trên 51% của khối ngoại như một pháp nhân công ty nước ngoài và phải tuân thủ Luật Đầu tư. Điều này khiến rất nhiều doanh nghiệp dù có nhu cầu lớn về việc mở room vẫn không thể mạnh tay thực hiện vì có thể sẽ đối mặt với hàng loạt thay đổi về pháp lý phát sinh, thậm chí là rủi ro trong kinh doanh khi “bị xem” là công ty nước ngoài. Tuy nhiên, cuối tháng 2 vừa qua, UBCKNN đã đưa ra dự thảo quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh CK và đã làm sáng tỏ hơn một số vấn đề về hoạt động của các doanh nghiệp khi nới room. Dự thảo lần này quy định rõ đối với tổ chức tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài đang niêm yết hoặc đang đăng ký giao dịch được dự thảo “coi các tổ chức đó như tổ chức trong nước nhưng chỉ trong các hoạt động đầu tư” và phù hợp với quy định tại Điều 23 của Luật Đầu tư.

Ngoài lý do nêu trên, việc khối ngoại mua ròng trở lại còn có liên quan đến tương quan định giá của TTCK Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. P/E dự phóng 2016 của Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn, đi kèm theo là tiềm năng tăng trưởng EPS vào loại khá là những nguyên nhân quan trọng khiến giới đầu tư kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ vẫn duy trì trạng thái mua ròng là chủ đạo trong năm 2016.

(TPHCM)

Các tin khác