Thi công cầu Bạch Đằng nối liền 2 tỉnh Bình Dương - Đồng Nai
Triển khai cùng lúc nhiều dự án
Từ năm 2016-2020, tỉnh Bình Dương đã đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể về phát triển các công trình giao thông trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đến đầu quý 2-2022, hình hài các tuyến vành đai kết nối Bình Dương với TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai đã và đang dần lộ diện.
Cụ thể, dự án Vành đai 3 - TPHCM đi qua tỉnh Bình Dương dài gần 26km, hiện đang được kiến nghị cấp thẩm quyền đầu tư hoàn chỉnh nút giao Tân Vạn với quy mô 8 làn xe cao tốc, 3 làn xe đường song hành và vỉa hè mỗi bên rộng 5,25m. Đây là tuyến giao thông cửa ngõ quan trọng giáp ranh giữa Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai, có khối lượng hàng hóa vận chuyển rất lớn nhưng hiện đối mặt với ùn tắc kéo dài, hạ tầng xuống cấp và tai nạn rình rập.
Dự án Vành đai 4 - TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương dài hơn 48km, quy hoạch 8 làn xe cao tốc, nền đường rộng 74,5m, hiện đã và đang đầu tư đoạn có chiều dài gần 27km qua các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, như: VSIP 3, VSIP 2A. Đặc biệt, để thông tuyến Vành đai 4, tỉnh Bình Dương dự kiến tập trung đầu tư các đoạn Đất Cuốc - VSIP 3, VSIP 3 đến VSIP 2A và đoạn từ VSIP 2A đến Mỹ Phước 3 với tổng chiều dài 14,6km.
Đáng chú ý, Dự án đường cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang trong quá trình chuẩn bị, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương, Bình Phước, TPHCM đã có nhiều văn bản trao đổi, tham mưu cấp thẩm quyền về hướng tuyến, quy mô làn xe… UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án này theo tinh thần “tự lực, tự cường”, phối hợp với các bộ, ngành để cùng làm.
Cùng với đó, Dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 13 từ 6 làn lên 8 làn xe cũng là một trong các công trình kết nối quan trọng để nâng cao năng lực vận chuyển, lưu thông với TPHCM đang được tỉnh Bình Dương tích cực triển khai. Trước mắt, sẽ mở rộng đối với đoạn quốc lộ 13 từ giáp TPHCM đến đường Lê Hồng Phong (giáp TP Thủ Dầu Một) dài gần 12,7km. Việc mở rộng quốc lộ 13 cũng sẽ cộng hưởng với Dự án mở rộng đường ĐT743 lên 6 làn xe sắp hoàn thành (từ ngã tư Miếu Ông Cù, tỉnh Bình Dương đến nút giao Sóng Thần, TPHCM), giúp tháo gỡ điểm yếu giao thông ở trung tâm khu công nghiệp của vùng Đông Nam bộ.
Công trình cầu bắc qua sông Sài Gòn nối Bình Dương tới Tây Ninh cũng vừa được hợp long, có tổng mức đầu tư gần 370 tỷ đồng. Và để đồng bộ tuyến đường kết nối giữa 2 tỉnh, Tây Ninh cũng đã cơ bản hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi nối dài, đấu nối với đường ĐT744.
Kết nối với Tây Nguyên, ĐBSCL
Trong hệ thống kết nối giao thông vùng với Tây Nguyên, miền Tây và TPHCM, hạ tầng giao thông Bình Phước còn hạn chế. Vì vậy, việc phát triển giao thông kết nối qua tỉnh Bình Phước đang là vấn đề cấp bách. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, hiện từ Tây Nguyên và Bình Phước đi sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải nếu theo tuyến ĐT753 sẽ rút ngắn khoảng 60km so với việc phải đi theo tuyến đường hiện hữu. Tuy nhiên, tuyến đường này chưa sử dụng được vì cầu bắc qua sông Mã Đà (ranh giới giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai) chưa được xây dựng lại (cầu Mã Đà đã bị sập trong chiến tranh) và do chưa thống nhất được phương án đoạn đi qua Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến ĐT753 từ Bình Phước sẽ kết nối với ĐT761 của Đồng Nai tại cầu Mã Đà và kết nối với ĐT762 ra quốc lộ 1 được quy hoạch là tuyến quốc lộ 13C, sẽ triển khai trong giai đoạn 2026-2030. Tỉnh Bình Phước kiến nghị Thủ tướng xem xét sớm cho phép xây dựng lại cầu Mã Đà và nâng cấp tuyến đường này trong giai đoạn 2021-2025.
Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đã có quy hoạch, là đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Tây, có chiều dài khoảng 140km, đầu tư 6 làn xe. Hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã họp bàn và đã có công văn báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT xem xét, ưu tiên sớm chấp thuận chủ trương hoàn tất bước chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án trong giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ cho Bình Phước và Tây Nguyên phát triển.
Bên cạnh đó, Bình Phước cũng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối vùng và sớm thông tuyến theo quy hoạch được duyệt. Theo đó, tuyến đường dài 82,75km với điểm đầu giao với quốc lộ 14, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; điểm cuối tại nút giao đường tỉnh ĐT825 và tuyến tránh Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối Bình Phước với các tỉnh ĐBSCL.