(ĐTTCO) - Hôm qua 17-8, TTF (Gỗ Trường Thành) đã thủng mốc 10.000 đồng/CP, giảm sàn xuống còn 9.300 đồng/CP. Tính đến nay CP này đã trải qua 22 phiên giảm sàn liên tiếp. Từ chỗ có giá xấp xỉ 44.000 đồng/CP, xếp vào nhóm có thị giá khá cao, chỉ sau hơn 1 tháng, TTF giờ còn thấp hơn cả tờ vé số, chỉ mua được vài ly trà. Trước đó vào ngày 12-8, HĐQT của TTF cũng ra quyết định bãi nhiệm ông Võ Trường Thành, người được xem là “linh hồn” của công ty, khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT.
Bệnh nặng cần bác sĩ giỏi
Phiên chiều 16-8, khi TTF được giao dịch (dưới dạng kiểm soát đặc biệt), CP này giảm sàn từ 10.700 đồng/CP xuống 10.000 đồng/CP, KLGD của TTF tăng đột biến lên hơn 1,3 triệu CP. Thời điểm gần nhất TTF khớp trên 1 triệu CP cách đây hơn 3 tháng, vào ngày 13-5, với 1,26 triệu CP được giao dịch và đóng cửa đạt giá 31.500 đồng/CP. Tính sơ, nếu bán ra 1 CP TTF vào thời điểm đó và giữ tiền đến lúc này sẽ mua được hơn 3 CP TTF. Từ mức giá 44.000 đồng/CP về 10.000 đồng/CP, nghĩa là TTF đã giảm gần 80%, và khối lượng khớp khủng của phiên 16-8 được xem là lượng tiền bắt đáy giá rẻ.
Tuy nhiên, nói 1,3 triệu CP được bắt đáy hay là cơ hội để bên bán tháo chạy đều được. Tính đến thời điểm 30-6, vốn chủ sở hữu của TTF chỉ còn 516 tỷ đồng, tính ra giá trị sổ sách trên mỗi CP (BVPS) của TTF chưa đến 3.600 đồng/CP. Đối với một công ty thua lỗ kiểu như TTF, giá trị sổ sách là yếu tố được đem ra cân nhắc rất kỹ lưỡng khi mua CP. Ở đây, khi TTF có giá 1.0 hay dưới 1.0, yếu tố rẻ có thể có nếu so với mức giá đỉnh, nhưng tính ra vẫn cao hơn nhiều so với giá trị sổ sách. Tất nhiên, một doanh nghiệp thua lỗ không đồng nghĩa với việc chỉ còn một cái “xác”, vẫn còn đó những cơ hội để gượng dậy. Với TTF, xét ở yếu tố thương hiệu và quy mô đây vẫn là một tên tuổi lớn trong ngành gỗ. Nếu ví khoản tồn kho bị thiếu 980 tỷ đồng của TTF, dẫn đến việc công ty lỗ 1.073 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016 như một cơn bạo bệnh, một loạt câu hỏi sẽ xuất hiện như: TTF chữa bệnh bằng cách nào? Khi nào hết bệnh? Sau cơn bệnh còn lại gì và làm thế nào để phục hồi?
Nói về việc bãi nhiệm ông Võ Trường Thành, nghị quyết HĐQT của TTF ghi rõ vị cựu Chủ tịch HĐQT này đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong tình hình khó khăn, khẩn cấp của công ty. Điều này đồng nghĩa với việc những ảnh hưởng của ông Võ Trường Thành trong việc điều hành TTF đã không còn. Kỳ vọng người mới lên thay có thể nhanh chóng vãn hồi tình hình khó khăn, khẩn cấp, những vấn đề mà ông Võ Trường Thành không thể giải quyết. Chữa bệnh bắt nguồn từ nhân sự cao cấp nhất có thể là giải pháp hợp lý, nhưng thời gian chữa bao lâu còn phụ thuộc vào thể trạng của “bệnh nhân”, cũng như năng lực của bác sĩ.
Mua CP hay mua vé số?
Nhìn lại giai đoạn TTF gặp khó khăn 3-4 năm trước, phải tiến hành tái cấu trúc, niềm tin (nếu có) của một số người vào TTF thời điểm đó chính là việc công ty là tên tuổi trong ngành gỗ, hoạt động tạo ra dòng tiền, sai lầm nằm ở việc vay nợ quá tay và quản lý tài chính không hiệu quả. Nhưng vấn đề của TTF tại thời điểm này lại không nằm ở chuyện nợ vay hay tái cấu trúc mà là khoản lỗ bất thình lình, hàng tồn kho với giá trị rất lớn bị “bốc hơi”. Xét dưới góc độ của NĐT, nhiều người sẽ cảm thấy “oải” hoặc “ớn” khi nói đến những vấn đề trên đây và đương nhiên chỉ tiếp tục quan sát. Điều này đã được thể hiện rất rõ thông qua những phiên giao dịch có thanh khoản cực thấp của TTF.
![]() |
Sản xuất các mặt hàng đồ gỗ tại TTF. |
Cũng cần nói thêm rằng, 980 tỷ đồng hàng tồn kho bốc hơi và gần 1.100 tỷ đồng thua lỗ không đơn thuần chỉ khoanh lại và xử lý để công ty có thể tiếp tục hoạt động bình thường. Bởi lẽ, hàng tồn kho sụt giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ, thậm chí cả hoạt động vay vốn. Chẳng hạn, nếu người mua đặt hàng, nhưng không có hàng để giao nguy cơ mất khách hàng rất rõ ràng. Ngoài ra, cũng phải nói đến khả năng những NĐT đã mua TTF với giá cao đã tháo chạy được hết hay chưa? Số CP này sẽ được giải quyết như thế nào? Giữ lại để kỳ vọng một đợt phục hồi hay chờ cơ hội để cắt lỗ tiếp?
Như vậy, ngoài chuyện chữa bệnh cho TTF, nếu muốn lấy lại niềm tin cho NĐT, cổ đông, điều rất cần thiết đối với một công ty đại chúng, các bác sĩ cũng cần cho bên ngoài thấy được sự quyết liệt của mình. Và gần nhất có lẽ là BCTC quý III và quý IV-2016 của TTF sẽ cho thấy hiện trạng của TTF như thế nào. Trở lại với biến động CP của TTF, tính đến 17-8, TTF đã có 3 phiên liên tiếp có giá trị khớp lệnh tính từ mức “trăm ngàn CP” mỗi phiên. Tuy nhiên, giảm sàn hơn 20 phiên liên tục cũng là chuyện xưa nay hiếm trên TTCK và rõ ràng CP thấp vẫn có thể thấp hơn, đã giảm sẽ còn giảm nữa.
Vẫn còn đó những cơ hội (đi kèm với rủi ro) cho TTF nhưng kèm theo đó sẽ là những thách thức cực lớn cho cả phía công ty lẫn các NĐT. Đối với một số NĐT, có thể nói mua TTF tại mức giá 1.0 cũng được ví như mua... vé số theo kiểu đặt cược hên xui, thay vì sử dụng các công cụ phân tích. Cho dù mua vì động cơ gì nhưng nếu có nhiều người mua cũng có thể tạo ra được giao dịch sôi động. Tuy nhiên, cũng nên biết rằng mua vé số mà trúng người mua còn có động lực, chứ mua mà không trúng sẽ có người nản. Bắt đáy không trúng vài lần cũng chán, lúc đó chẳng mấy ai quan tâm đến đáy của CP nữa và có khi CP tạo đáy thành công, nhưng không ai quan tâm cũng không lên được.