Có lẽ đây là lần đầu tiên khi dân nhậu đã biết sợ. Suốt tuần lễ đầu tiên của năm mới, câu chuyện nóng bỏng nhất được nhiều người nhắc đến, là sự xuất hiện những chốt kiểm tra nồng độ cồn ở các tuyến đường từ Nam chí Bắc. Giới tài xế và giới ăn nhậu một phen lao đao với không ít diễn biến “cười ra nước mắt”.
Mức tiền phạt tăng cao so với luật cũ thực sự đủ sức răn đe những ai xem thường tính mạng bản thân và tính mạng người khác. Sau chầu chén chú chén anh, người điều khiển xe gắn máy bị phạt 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22 tháng, người điều khiển xe ô tô bị phạt 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Hiệu quả tức thì của việc xử lý ma men cầm lái, là các quán nhậu khuyến mại dịch vụ độc đáo: “Chúng tôi có đội ngũ nhân viên đưa bạn về tận nhà... Bạn hãy an tâm vui chơi cùng gia đình và bạn bè... Sự an tâm của bạn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi". Một bối cảnh dở khóc dở mếu các chủ nhân nhà hàng lo ngại, là nếu cảnh sát giao thông đóng chốt kiểm tra nồng độ cồn đối diện hoặc gần vị trí kinh doanh của họ, không khác gì ép họ phải đóng cửa.
Sau khi Nghị định 100/ 2019 ban hành, nhiều địa phương đã triển khai rất quyết liệt. Có nơi chưa xử phạt mà tập trung nhắc nhở người dân nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. Riêng tại TPHCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu: “Ban An toàn giao thông TP nghiên cứu, đề xuất cho hơn 140.000 cán bộ công chức ký cam kết đã uống rượu bia không lái xe.
Cán bộ phải gương mẫu, thực hiện nghiêm quy định pháp luật khi ấy mới tuyên truyền cho người dân. Lực lượng cảnh sát giao thông phải quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm”. Với tinh thần ấy, dịp Tết Canh Tý dự kiến có rất nhiều liên hoan hạn chế bia rượu, chuyển sang chúc tụng nhau bằng… nước ngọt hoặc nước lọc.
Ai cũng ủng hộ xử phạt nghiêm khắc ma men cầm lái. Tuy nhiên, có một điều vẫn tồn tại băn khoăn, nồng độ cồn thấp 0-0,24 mg/lít khí thở, liệu có dấu hiệu của yếu tố ngoài bia rượu? Một thống kế của Cục Cảnh sát giao thông trong quá trình xử lý tài xế có sử dụng rượu bia vài năm gần đây, dưới 2,5% số người lái ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp (dưới 0,25 mg/ lít khí thở) và chưa có trường hợp nào bị xử phạt.
Đại diện Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, cho biết hiện nay vẫn chưa có trường hợp nào vì ăn trái cây hoặc uống siro bị xử phạt vì có nồng độ cồn trong máu. Người dân nào bị kiểm tra chắc chắn mình bị oan, có thể đề nghị lực lượng chức năng kiểm tra mẫu thử máu.
Tuy nhiên, có những món ăn được chế biến có sử dụng các chất cồn, người tiêu dùng làm sao tránh được. Ngoài ra, cần phải tuyên truyền cho người dân những kiến thức cơ bản về sự lưu đọng của nồng độ cồn trong cơ thể. Tùy theo thể trạng, tùy theo tửu lượng nồng độ cồn được hóa giải nhanh hoặc chậm theo thời gian. Một người đã uống bia rượu từ đêm hôm trước sáng hôm sau lái xe ra đường còn bị xử phạt, cũng là một sự oái oăm. Luật pháp muốn thực thi trọn vẹn, phải làm rõ những điểm mờ có thể tạo tranh cãi và bức xúc.
Dẹp bỏ được tệ nạn ma men cầm lái sẽ xây dựng được tiền đề cho lối sống lành mạnh. Là chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông, TS. Khuất Việt Hùng chia sẻ: “Người Việt Nam có văn hóa hiếu khách, quý bạn nên thường mời chén rượu, cốc bia. Nhiều khi mời cố thành ép uống, có người say quá nên ép người khác uống một cách quá khích. Nhưng người được mời hay người bị ép hoàn toàn có nhiều cách để từ chối. Hơn nữa, bất kỳ ai cũng đủ khả năng chuẩn bị cho mình phương án đi lại trước khi có cuộc nhậu. Những cách thức như vậy vừa an toàn cho người uống, vừa văn minh, lịch sự”.
Nói về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ, ông Hùng cho rằng chúng ta đã và đang làm rất mạnh. Muốn ngăn ngừa tệ tham nhũng, chung chi, người dân hãy chuẩn bị cho mình tâm thế đừng vi phạm, vì mình không vi phạm không ai phạt mình.
Nếu đã vi phạm hãy nhận thức rằng bên cạnh trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt, mình còn có trách nhiệm trong việc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Như vậy, cùng với nỗ lực thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng, chống tiêu cực từ các cơ quan chức năng chắc chắn chúng ta sẽ ngăn chặn được chuyện này.
Thông tin liên quan đến xử phạt ma men cầm lái được nhiều người thắc mắc: có phải số tiền thu từ đối tượng vi phạm được trích 70% cho cảnh sát giao thông? Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, toàn bộ số tiền xử phạt đều nộp về ngân sách nhà nước và được phân bổ cụ thể về trung ương, địa phương theo quy định của luật pháp. Số tiền đó sử dụng vào việc mua sắm thiết bị hay vào việc gì đều căn cứ vào danh mục cụ thể của Bộ Công an.
Thế nhưng, sau đợt ra quân rầm rộ, những chốt kiểm tra nồng độ cồn có duy trì thường xuyên? Nếu hào hứng đánh trống rồi lặng lẽ bỏ dùi, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia không phát huy được ý nghĩa tích cực với cộng đồng. Quan trọng hơn, số tiền xử phạt rất lớn nên dành một phần cho chiến lược truyền thông quốc gia để khuyến khích thái độ văn minh trong các cuộc vui có sử dụng bia rượu.