Gốm sứ mác Bát Tràng nhưng xuất xứ... Giang Tây?

(ĐTTCO)-Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hội Làng nghề Việt Nam, các làng nghề truyền thống hiện nay đang đứng trước những vấn đề đáng báo động về sức cạnh tranh cũng như nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Không chỉ Khaisilk mà lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng... cũng bán hàng nhập từ Trung Quốc. 
 
Gốm sứ mác Bát Tràng nhưng xuất xứ... Giang Tây?

Sáng 31-10, tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp ở Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức buổi họp báo về việc chuẩn bị tổ chức hội chợ trưng bày và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam.

Đây là hội chợ diễn ra trong bối cảnh dư luận xã hội và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm tới chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ thực sự của các sản phẩm "made in Vietnam" do các làng nghề làm ra. Câu chuyện được nhiều người nhắc đi nhắc lại, đưa ra bàn luận suốt buổi họp báo là việc đang có quá nhiều làng nghề truyền thống mang danh sản xuất, lưu giữ sản phẩm bản địa nhưng thực chất lại kinh doanh và cung cấp hàng nhập từ Trung Quốc về trà trộn hoặc bóc tem, mác bán cho người tiêu dùng, trong đó đáng lên án nhất là vụ việc của Tập đoàn Khaisilk. 

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hội Làng nghề Việt Nam, các làng nghề truyền thống hiện nay đang đứng trước những vấn đề đáng báo động về sức cạnh tranh cũng như nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Không chỉ Khaisilk mà lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng cũng bán hàng nhập từ Trung Quốc.

“Tôi đã phát hiện một số cửa hàng gốm ở Bát Tràng nói với khách là gốm Bát Tràng nhưng rõ ràng đó chỉ là gốm sứ Giang Tây chứ làm gì phải Bát Tràng. Đề nghị các cửa hàng phải ghi rõ là gốm sứ nhập từ Giang Tây, Trung Quốc”, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần bức xúc. 

Theo ông Lưu Duy Dần, nhiều sản phẩm làng nghề Việt Nam xuất khẩu cũng bị các đối tác ở nước nhập khẩu trả về. Tiêu biểu là vụ gốm sứ Bát Tràng xuất sang Nhật bị trả lại cả container vì trong sản phẩm còn lẫn cả tóc của thợ gốm; mây tre đan xuất sang Mỹ bị trả về vì không đảm bảo chất lượng... 

Vì vậy, nhiều người đề nghị cần tăng cường tổ chức các hội chợ trưng bày sản phẩm làng nghề có gắn với các hoạt động thương mại và du lịch. Tại đó, cơ quan tổ chức và cơ quan chức năng cần chỉ rõ cho người tiêu dùng biết những cơ sở nào sản xuất kinh doanh hàng có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. 

Về việc chuẩn bị tổ chức hội chợ trưng bày và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, cho biết hội chợ năm nay sẽ có 250 gian hàng của 250 làng nghề tham gia.

“Chúng tôi đã phối hợp với các sở, các chi cục kiểm định chất lượng, yêu cầu cá nhân, tổ chức tham gia trưng bày sản phẩm phải đưa sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng”, ông Đào Văn Hồ chia sẻ.

Tại triển lãm này, sẽ có một gian hàng cho lụa tơ tằm nhưng không có cơ sở nào ở làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông được mời. Thay vào đó là các sản phẩm của một nghệ nhân đã có uy tín lâu đời ở huyện Mỹ Đức - Hà Nội. 

Các tin khác