Kịp thời cứu dân vùng mưa lũ
Sáng 7-8, chiếc cầu phao bắc qua sông Luồng vào bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã được hoàn thành, với chiều dài 34m, rộng 3m, được lắp nổi trên 12 xuồng VS và 12 xuồng V. Cầu được dựng lên bởi sự hiệp đồng của Lữ đoàn 414 Công binh (thuộc Quân khu 4) và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa.
Đường thông đã tạo thuận lợi cho công tác cứu trợ đồng bào lũ lụt ở Sa Ná, đồng thời đưa thêm lực lượng, phương tiện vào giúp đồng bào dựng lại nhà cửa và tìm kiếm 8 người còn mất tích. Ông Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, công tác khắc phục hậu quả lũ quét ở bản Sa Ná đang được diễn ra khẩn trương với sự vào cuộc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương. Hậu quả do trận lũ quét để lại quá nặng nề nên việc giúp dân ổn định cuộc sống sẽ mất một thời gian dài, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Chung tay hỗ trợ người dân, ngày 7-8, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào lũ lụt. Trước đó, tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp 2.860 thùng mì tôm, 39 thùng lương khô, 519 thùng nước uống; Bộ Tư lệnh Quân khu 4 hỗ trợ 200 triệu đồng tiền mặt, 1 tấn lương khô, 1.345 thùng mì tôm; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 5 tấn gạo...
Nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã đến hỗ trợ, trao quà cho đồng bào vùng lũ thuộc huyện Mường Lát và Quan Sơn. Hơn 700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thanh Hóa đang trực tiếp tham gia tìm kiếm người mất tích, giúp dân dựng lại nhà cửa, trường học,…, đặc biệt là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là bản Sa Ná (xã Na Mèo, Quan Sơn).
Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa tổ chức khắc phục các điểm sạt lở trên quốc lộ 16C - tuyến đường huyết mạch lên Mường Mát. Đoạn đường qua bản Pá Hộc (xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát) bị đứt gãy hoàn toàn, các lực lượng phấn đấu dự kiến sẽ tạm thông xe ngày 8-8.
Tại khu vực Tây Nguyên, ngày 7-8, bà Phan Thị Thu Hiền, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đêm 6 và sáng 7-8 trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, trong đó ở huyện Buôn Đôn và EaSúp (tỉnh Đắk Lắk) bị ngập cục bộ, cô lập nhiều khu vực.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Bí thư Huyện ủy Ea Súp cho biết, trên địa bàn huyện có các xã: EaRốk, EaYLơi, IaRvê và IaLốp với khoảng gần 30.000 hộ dân bị cô lập, hơn 6.010ha hoa màu bị ngập lụt. Lực lượng chức năng của huyện đã di dời người dân đến nơi an toàn, đồng thời bố trí lương thực, thực phẩm cho bà con ăn ở tạm. Theo ông Nguyễn Như Bút, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, mưa lớn khiến các xã Ea Huar, EaWer, Krông Na bị thiệt hại nặng. Đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Ở Lâm Đồng, trong ngày 7-8, mưa lớn kéo dài nhiều giờ xảy ra tại các huyện phía Nam của tỉnh đã khiến hơn 150 căn nhà bị ngập sâu. Tại thôn 1, xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên, nước ngập gần 1m khiến khu vực bị cô lập nhiều giờ. Phải đến chiều 7-8, lực lượng cứu trợ mới tiếp cận để hỗ trợ bà con di dời tài sản, khắc phục các hậu quả thiệt hại.
Thống kê sơ bộ tại xã Tiên Hoàng, có hơn 80 hộ dân có nhà bị nước ngập sâu từ 0,5-1m; 140ha lúa vừa gieo sạ bị nước nhấn chìm. Tại các xã như Quảng Trị, Quốc Oai, Đạ Pal, An Nhơn, Đạ Kho, Mỹ Đức, Triệu Hải, thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) có khoảng 70 căn nhà bị ngập trên 0,5m.
Đoạn đèo Con Ó (tỉnh lộ 725 - đoạn qua xã Mỹ Đức) cũng bị sạt lở khiến giao thông trong khu vực bị chia cắt trong nhiều giờ. Hiện các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, chính quyền địa phương đang tích cực huy động nhân lực tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Nỗ lực hàn đê, ngăn sóng biển
Chiều 7-8, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết đoạn đê xung yếu có chiều dài khoảng 300m ở biển Tây thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời có nguy cơ bị vỡ trong những ngày qua, nay đã cơ bản được xử lý ổn. Qua kiểm tra, trên toàn tuyến đê biển Tây của tỉnh Cà Mau còn 21 điểm sạt lở, với chiều dài gần 30.258m.
Đối với những điểm sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên túc trực tại hiện trường, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng cứu, hộ đê.
Tại Kiên Giang, theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, trong đợt triều dâng, sóng to, lốc xoáy những ngày qua đã làm hơn 194 căn nhà của người dân ở các huyện An Minh, An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng… bị cuốn trôi, sập, tốc mái, gây thiệt hại gần 9 tỷ đồng.
Các ngành chức năng đã kịp thời giúp người dân sửa chữa lại nhà cửa, hỗ trợ kinh phí để bà con sớm ổn định cuộc sống, kịp thời duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng khẩn trương triển khai xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ biển, với tổng kinh phí khoảng 410 tỷ đồng.
UBND tỉnh Kiên Giang nhận định, diễn biến thiên tai ngày càng bất thường, thời tiết không thuận lợi, khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Ngoài ra, do tác động các đập thủy điện ở thượng lưu sông Mê Công, mực nước đầu nguồn tại Châu Đốc và các trạm nội đồng trong tỉnh Kiên Giang giảm nhanh.
Điều đáng lo ngại, những ngày qua dù đang vào mùa mưa bão nhưng mặn xâm nhập trở lại từ hướng Đông Hồ vào kênh Rạch Giá - Hà Tiên, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Giang Thành và huyện Kiên Lương. Trước diễn biến bất thường này, UBND tỉnh Kiên Giang đã khẩn trương đắp lại đập Hòa Điền để bảo vệ vụ lúa hè thu 2019; ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt; đẩy nhanh tiến độ gieo sạ vụ lúa thu đông 2019 theo lịch thời vụ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã sửa chữa các cống ngăn mặn ven biển đảm bảo việc vận hành trong mùa mưa bão; chủ động các phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai có thể xảy ra.
Chiều 7-8, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa ban hành kế hoạch “Ứng phó và khắc phục sạt lở bờ sông đến cuối năm 2019” trên địa bàn tỉnh. Qua thống kê cho thấy, hiện toàn tỉnh có 21 xã phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố bị sạt lở; với tổng số điểm đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở tới 85 điểm; diện tích sạt lở 19,86ha. Trong năm 2018 và đến tháng 6-2019, các địa phương đã thực hiện di dời 409 hộ bị sạt lở đến nơi an toàn; tổng thiệt hại về vật chất do sạt lở gây ra hơn 43 tỷ đồng.
Áp thấp nhiệt đới hình thành ở biển Đông Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, ngày 7-8, vùng áp thấp ở khu vực giữa biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, ít dịch chuyển. Chiều 7-8, tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ vĩ Bắc - 117,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Trong vòng 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km nhưng sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp vì bị hút bởi 1 cơn siêu bão ở ngoài khơi Thái Bình Dương thuộc phía Đông Philippines. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới này, gió mùa Tây Nam ở Nam bộ đang được kích hoạt, có cường độ mạnh. Vì vậy, trong đêm 7-8 và ngày 8-8, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực biển Đông (bao gồm vùng biển 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh, thời tiết rất xấu. |