Hà Nội: Đua nhau bạt núi, phá rừng làm homestay

(ĐTTCO) - Những quả đồi ở 2 huyện Sóc Sơn và Ba Vì đang ngày một nham nhở vì tình trạng xâm lấn đất rừng, lấn chiếm đất nông nghiệp để xây dựng khu nghỉ dưỡng, homestay. 

LTS: Dù TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm trái phép đất rừng và đất nông nghiệp, nhưng qua tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, tình trạng này vẫn diễn ra rất phức tạp tại nhiều khu vực, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ vậy, tại một số địa bàn các huyện như Sóc Sơn, Tây Hồ, Ba Vì, việc mua bán đất nông nghiệp, lâm nghiệp diễn ra ngang nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật, gây rối loạn công tác quản lý đất đai.

Vi phạm ngày càng phức tạp

Cuối năm 2018, sau khi nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo SGGP, phản ánh về tình trạng vi phạm đất rừng ở huyện Sóc Sơn với hàng loạt công trình trái phép được xây dựng ngang nhiên trên đất rừng tại một số xã như Minh Phú, Minh Trí, Thanh tra TP Hà Nội đã quyết định thanh tra toàn diện.

Tháng 3-2019, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành 2 kết luận thanh tra về đất đai ở Sóc Sơn, trong đó nêu rõ, chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí và khu vực các hồ Ban Tiện, Đồng Đò có 797 công trình vi phạm. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương tập trung chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng của huyện và chính quyền địa phương xử lý các công trình vi phạm, lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn và tăng cường công tác quản lý về đất đai và xây dựng.

Một trong những công trình nhà ở kiên cố gần hồ Ban Tiện

Một trong những công trình nhà ở kiên cố gần hồ Ban Tiện

Nhưng sau kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội, cho tới nay, tình trạng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn nói chung và riêng tại xã Minh Phú và Minh Trí không giảm, mà còn phức tạp hơn, nhiều công trình vi phạm cũ chưa được xử lý dứt điểm thì lại phát sinh các công trình vi phạm mới.

Sau nhiều ngày tìm hiểu thực tế tại 2 xã Minh Phú và Minh Trí, chúng tôi thực sự xót xa khi nhiều quả đồi, núi, cánh rừng tại đây đang bị đào bới vô tội vạ. Không khó để nhận ra màu xanh trên nhiều quả đồi đang chuyển thành màu đỏ quạch, bạc phếch của đất bạc màu, cùng với đó là rất nhiều công trình xây dựng nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, homestay mọc lên san sát nhau. Trong đó, có không ít công trình nằm ngay lưng chừng núi, được bao quanh nhiều cây cối và một số công trình nằm sát mép nước hồ Ban Tiện và Đồng Đò.

Theo quan sát, quanh khu vực hồ Ban Tiện (ở xã Minh Phú) - nơi xảy ra vụ đất đá vùi lấp nhiều ô tô sau mưa lớn vào đầu tháng 8 vừa qua, có không dưới 5 công trình nhà ở, trang trại, homestay được xây dựng rất hoành tráng với nhà nghỉ, bể bơi, vườn hoa, thảm cỏ vui chơi nằm ngay sát chân núi và bìa rừng. Tại đây cũng có nhiều khu đất rộng hàng ngàn mét vuông cây cối um tùm, được quây tường bao kiên cố. Một số người dân cho biết, chủ những khu đất này là người ở nơi khác tới mua lại của người địa phương trước đây.

Vào thời điểm đầu tháng 9, khi phóng viên tìm hiểu thực tế tại khu vực hồ Ban Tiện thì nhận thấy, sau vụ đất đá vùi lấp nhiều ô tô, chính quyền địa phương đã cho phá dỡ con đường bê tông người dân tự ý làm để đi lên các homestay. Đồng thời, chính quyền cũng cưỡng chế tháo dỡ một công trình xây trên khu vực đồi Dõng Chum (cạnh hồ Ban Tiện) do xây dựng trên đất rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, 5 công trình khác là khu nghỉ dưỡng, homestay cũng nằm trong khu vực này thì vẫn tồn tại, hoạt động bình thường, thậm chí vào dịp cuối tuần còn khá đông khách. Đặc biệt, trong quá trình chúng tôi thâm nhập sâu khu vực rừng cạnh các công trình kiên cố và quan sát từ trên cao thì thấy, tại đây xuất hiện nhiều khu vực đất đồi núi bị san lấp, những tán cây rừng cũng trở nên thưa thớt hơn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú phụ trách các vấn đề về kinh tế, đất đai tại địa phương, cho biết chung chung là chính quyền địa phương vẫn đang lập hồ sơ để xử lý các công trình vi phạm xâm lấn đất rừng trên địa bàn. Còn thời điểm nào xử lý dứt điểm và trách nhiệm của ai khi để những công trình vi phạm trên tồn tại trong thời gian dài thì ông Nguyễn Thế Lưu không trả lời.

Cách hồ Ban Tiện chưa đầy 2km là hồ thủy lợi Đồng Đò rộng và đẹp, được xem là “trung tâm” vui chơi, giải trí của huyện Sóc Sơn và xã Minh Trí, với nhiều homestay, nhà nghỉ, trang trại, nhà hàng, quán cà phê phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của khách du lịch.

Thế nhưng không khó có thể nhận thấy các công trình phục vụ vui chơi giải trí này được xây dựng kiên cố trên các khu vực đất đồi núi, đất rừng và ngay sát mép hồ, như: Lake House Dong Do, Stream House Homestay, Doi Thong Homestay, Dong Do Lucky House, Stream House Nhà Bên Suối. Thậm chí, có cả những công trình xây dựng nhà ở đồ sộ như “lâu đài” nằm lọt trong rừng như thách thức cơ quan chức năng. Trong khi đó, đối diện bên kia hồ cũng có hàng trăm lều lán được xây dựng trên các sườn đồi và mép hồ, phục vụ nhu cầu cắm trại, nghỉ dưỡng.

Cùng với các công trình trên, xung quanh hồ Đồng Đò, nhiều địa điểm sát bìa rừng, chân đồi có tầm nhìn ra hồ đã bị đào bới, san gạt, xây tường bao để tạo mặt bằng với mục đích hình thành các thửa đất để cho thuê hoặc mua đi bán lại kiếm lời.

Đất rừng thành homestay

Không chỉ có Sóc Sơn mà tại khu vực phía Tây của Hà Nội, nhất là trên địa bàn các xã Đông Xuân, Phú Cát, Phú Mãn (huyện Quốc Oai); Thạch Hòa, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); và nhiều xã của huyện Ba Vì cũng đang nở rộ tình trạng xây nhà cửa, khu nghỉ dưỡng, homestay, trang trại trên đất rừng và đất nông nghiệp.

Từ đường TL 416 đoạn qua khu vực Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chúng tôi rẽ trái vào con đường trục chính của xã Yên Bài (huyện Ba Vì) đang được cải tạo nâng cấp. Sau khoảng 5km vòng vèo qua vài quả đồi, thửa ruộng, chúng tôi tìm đến được thung lũng bản Xôi (ở thôn Chóng, xã Yên Bài), là khu vực có vị trí rất đẹp với hồ nước và rừng núi xung quanh.

Tuy nhiên không khỏi ngỡ ngàng khi trước mắt là hàng chục homestay đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, nhiều nền móng đang trong quá trình hoàn thành tại khu vực này. Điều đáng nói, tại đây nhiều khu vực đồi núi và rừng cây đã bị chặt hạ, san phạt để lấy mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng các công trình có quy mô lớn nhìn ra hồ bản Xôi.

Trong khi ngay trung tâm của thung lũng bản Xôi là cả một khu du lịch sinh thái rất rộng lớn có tên Thang Mây được xây dựng cách đây vài năm với hơn 20 biệt thự kiên cố, hoành tráng có bể bơi, sân cỏ, khu cắm trại ngoài trời; còn ngay phía sau khu sinh thái Thang Mây, nhiều quả đồi bị san bằng theo từng tầng để hạn chế sạt lở. Quanh các khu vực này là đường bê tông kiên cố vận chuyển vật liệu. Theo ước tính, khu vực này đang bị cày xới, xâm hại với diện tích hàng chục ngàn mét vuông.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài, cho biết, tại khu vực thung lũng bản Xôi, huyện Ba Vì đã tổ chức đấu giá đất và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 10 hộ xây dựng các công trình tại đó. Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận việc xây dựng các công trình trên khu đất đã được đấu giá có ảnh hưởng, tác động tới môi trường thiên nhiên trong khu vực nên địa phương đã chỉ đạo hạn chế tối đa tác động vào môi trường. “Việc xây dựng như vậy, nhưng nguy cơ sạt lở như ở huyện Sóc Sơn vừa qua là không có ở đây(!)”, Phó Chủ tịch xã Yên Bài phát biểu.

Cũng tại huyện Ba Vì, nhưng ở khu vực xã Vân Hòa giáp với Yên Bài, tình trạng đào đất, san lấp, xây dựng resort, homestay cũng diễn ra phức tạp, nhất là khu vực đồi giáp ranh với Vườn quốc gia Ba Vì. Tại thôn Nghe ở xã Vân Hòa cách Vườn quốc gia Ba Vì không xa là hàng loạt homestay đủ loại.

Một số người dân cho biết, các khu đất xây dựng khu nghỉ dưỡng, vui chơi trước đây là đất trồng cây lâu năm, đất khai hoang, sau đó được mua đi bán lại cho một số người ở địa phương khác tới, rồi họ tiến hành xây dựng các công trình như hiện tại.

Các tin khác