Hà Nội ùn ứ cuối năm vì đường sá quá tải, nhiều xe cá nhân. Thực hiện: VĂN PHÚC
Theo khảo sát của PV Báo SGGP chiều 31-1, hàng loạt tuyến đường ở Hà Nội bị ùn tắc, trong đó ùn ứ chủ yếu là do xe cộ, mật độ phương tiện quá đông, có nhiều giao lộ, điểm chờ đèn xanh đèn đỏ.
Trên các cung đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xiển, đường Láng, Trường Chinh… người cùng xe cộ ì ạch di chuyển, muốn vội cũng không được.
Ùn tắc lan tỏa từ ngoại thành vào cả nội thành Hà Nội. Những cung đường như Thái Hà, Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng, Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa… có nhiều điểm, xe ô tô đứng nối liền nhau như xếp hình.
Trên đường Thái Hà, nhiều xe máy len lỏi giữa “rừng” ô tô cá nhân, thậm chí xe máy phải leo vỉa hè để di chuyển.
Ùn tắc dẫn đến các phương tiện công cộng khó di chuyển. Đi xe buýt từ chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng) hoặc Bờ Hồ (quận Hoàn Kiếm) về quận Hà Đông tốn mất 1 đến 1,5 tiếng đồng hồ nếu di chuyển sớm vào tầm 15-16 giờ chiều, còn nếu di chuyển vào khoảng 17-18 giờ thì có thể mất 2 tiếng đồng hồ nếu đi xe buýt, ô tô cá nhân…
Xe buýt nhanh BRT thành xe buýt chậm trên đường Lê Văn Lương, tắc dài từ hầm chui Khuất Duy Tiến đến ngã tư Nguyễn Tuân - Lê Văn Lương. Ảnh chụp ngày 27-1
“Ở Hà Nội hiện nay, chỉ có di chuyển bằng tàu điện trên cao là không lo tắc đường”- chị Hà Linh, nhân viên một công ty dược nói; đồng thời chị cũng cho biết, để đến chỗ làm ở đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) thì từ Yên Nghĩa (quận Hà Đông), cách chỗ làm khoảng 10km hàng ngày chị chọn di chuyển bằng tàu điện Hà Đông - Cát Linh cho khỏi tắc.
Ùn tắc cả ngày lẫn đêm ở vành đai 3 Hà Nội (Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng...). Ảnh theo FB
Anh Phạm Sơn, một tài xế taxi, cho biết những tuần gần đây, nếu đón khách ở khu vực các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình… đi sân bay Nội Bài, anh không dám di chuyển theo đường đê Yên Phụ ra đường Võ Chí Công mà phải đi vòng xuống cầu Vĩnh Tuy ở phía Nam Hà Nội để sang Long Biên đi theo hướng cầu Đông Trù, nhằm tránh nút thi công đường Âu Cơ (quận Tây Hồ).
Xe cộ trên đường Láng Hạ chiều 31-1. Ảnh: VĂN PHÚC
Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, tình trạng ùn tắc trong những ngày cuối năm ở Hà Nội là do nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều xe chở hàng hóa tết cồng kềnh, đồ phục vụ tết bán trên vỉa hè, xe đỗ dưới lòng đường... khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.
Một số chuyên gia xã hội cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc trên địa bàn chính là do số phương tiện tăng quá nhanh nhưng kết cấu hạ tầng đường bộ không theo kịp, dẫn đến quá tải.
Bên cạnh đó, đầu tư thiếu đồng bộ, các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh, cầu qua sông Hồng còn thiếu; nhiều công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường; ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông.