Tại cuộc bỏ phiếu, đề xuất tiến hành bầu cử sớm của Thủ tướng Johnson chỉ nhận được 293 phiếu ủng hộ. Trong khi đó, để được thông qua, đề xuất này cần tới 434 phiếu ủng hộ, tức 2/3 số phiếu tại Hạ viện gồm 650 ghế. Sau cuộc bỏ phiếu, Quốc hội Anh sẽ tạm dừng làm việc cho tới ngày 14-10.
Đề xuất bầu cử sớm của Thủ tướng Anh bị Quốc hội Anh bác lần thứ 2. Ảnh: REUTERS
Trước đó, ngày 4-9, Hạ viên Anh cũng đã bỏ phiếu bác đề xuất của thủ tướng Johnson tiến hành bầu cử sớm vào ngày 15-10.
Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định ông sẽ không yêu cầu gia hạn thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit - dự kiến diễn ra vào ngày 31-10 tới.
Phát biểu trước quốc hội sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Thủ tướng Johnson khẳng định chính phủ sẽ tăng cường sức ép để đàm phán một thỏa thuận Brexit với EU, nhưng đồng thời vẫn chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Ông nhấn mạnh chính phủ của ông sẽ không trì hoãn Brexit thêm bất kỳ ngày nào, dù quốc hội có dùng "bao nhiêu công cụ" để trói buộc đôi tay ông.
Ông Johnson còn khẳng định sẽ tới hội nghị thượng đỉnh EU trong 2 ngày 17 & 18-10 và quyết đem về một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia.
Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn khẳng định đảng này chỉ ủng hộ đề xuất bầu cử sớm khi chắc chắn Brexit sẽ bị trì hoãn.
Cuộc bỏ phiếu mới nhất tại Hạ viện Anh được tiến hành ngay trước khi Quốc hội nước này bắt đầu tạm ngừng hoạt động sau khi kết thúc ngày làm việc trong ngày 9-9 và kéo dài trong vòng một tháng theo yêu cầu của Thủ tướng Johnson.
Theo nhà lãnh đạo Anh, việc này là cần thiết để chính phủ lên lịch cho chương trình nghị sự trong nước. Tuy nhiên, đề nghị của ông Johnson đã vấp phải sự chỉ trích là nhằm ngăn chặn Quốc hội cản trở Brexit diễn ra theo đúng kế hoạch.
Chủ tịch Hạ viện John Bercow khẳng định việc chính phủ có kế hoạch hoãn thời gian làm việc của cơ quan lập pháp nước này tới ngày 14-10 là "vi phạm hiến pháp", cho rằng động thái này được đưa ra để ngăn chặn cơ quan lập pháp tranh luận về Brexit cũng như thực hiện nghĩa vụ định hình tương lai của quốc gia. Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn cũng cho rằng kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ quốc gia.
Hạ viện Anh tiếp tục bác đề xuất bầu cử sớm của Thủ tướng Johnson. Ảnh: REUTERS
Trước đó, trong ngày 9-9, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phê chuẩn thành luật một phần dự luật nhằm tìm cách ngăn chặn Thủ tướng Johnson thực hiện kế hoạch đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận - còn gọi là "Brexit cứng"- vào ngày 31-10 tới.
Dự luật này đã được Quốc hội Anh thông qua hồi tuần trước bất chấp sự phản đối của Chính phủ Anh. Luật này nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới bằng cách buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại liên minh thêm 3 tháng - tức là đến ngày 31-1-2020 - nếu vào ngày 19-10 tới, Quốc hội Anh hoặc không thông qua được một thỏa thuận Brexit hoặc đồng ý rời EU không thỏa thuận.