Từ doanh nghiệp với tham vọng phát triển đa ngành, nay CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đang phải trông cậy hết vào lĩnh vực cung cấp thịt bò để bù đắp sự sụt giảm của các mảng kinh doanh còn lại.
Đòn bẩy tải chính cao
HAG đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước với mức giá 12.200 đồng/CP (giảm 45% so với thời điểm đầu năm 2015). Đây là mức giá thấp nhất trong lịch sử giao dịch của HAG. |
Từ một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất và kinh doanh gỗ (thành lập năm 1993), HAG dần phát triển trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành hàng đầu Việt Nam. Theo thống kê, ngành nghề kinh doanh chính của HAG là xây dựng, kinh doanh căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê; sản xuất và phân phối đồ gỗ, đá granite; trồng, khai thác, chế biến các sản phẩm từ cây cao su; đầu tư, xây dựng và khai thác thủy điện; khai thác và chế biến khoáng sản. HAG được biết đến nhiều nhất là lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, với sự đi xuống của bất động sản từ thời kỳ đóng băng, HAG quyết định thu hẹp dần mảng kinh doanh này trong nước và tập trung chủ yếu ở Myanmar, tiêu biểu là dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar Center tại Yangon. Thế nhưng, sau chính phủ Myanmar quyết định dời thủ đô từ Yangon về Naypyidaw, dự án của HAG cũng gặp ít nhiều khó khăn.
Có lẽ chính vì tham vọng đa ngành nên HAG phải sử dụng đòn bẩy tài chính lớn để đáp ứng nhu cầu về vốn cho các lĩnh vực tập đoàn tham gia. Theo thống kê, năm 2014 tổng nợ chiếm đến 148% trên vốn chủ sở hữu và trên 58% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ cao là lý do khiến HAG gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt các khoản nợ ngắn hạn gần 8.600 tỷ đồng (cuối quý III-2015) sẽ làm gia tăng chi phí và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Năm 2014 hệ số thanh toán hiện thời là 1,09 lần, thấp hơn so với mức 1,96 lần của năm 2013 và hệ số thanh toán nhanh là 0,87 lần, thấp hơn mức 1,59 lần của năm 2013. 9 tháng năm 2015, hệ số thanh toán hiện thời là 1 lần thấp hơn mức 1,84 lần cùng kỳ năm 2014 và hệ số thanh toán nhanh là 0,74 lần, thấp hơn mức1,53 lần cùng kỳ năm 2014. Các hệ số thanh toán của HAG đang trên đà giảm, do đó doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nếu cần thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn. Theo BCTC quý III, tính đến thời điềm cuối quý III, tiền mặt của HAG chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng, trong khi tổng nợ vay (ngắn hạn và dại hạn) của HAG đạt xấp xỉ 25.450 tỷ đồng.
Lối thoát từ bò
Theo BCTC quý III-2014 được HAG, tổng doanh thu 9 tháng năm 2015 của doanh nghiệp đạt 5.203 tỷ đồng (tăng 117% và hoàn thành 98% kế hoạch năm 2015). Tuy nhiên, lợi nhuận lại sụt giảm mạnh với 1.342 tỷ đồng (giảm 24% và hoàn thành 79% kế hoạch năm 2015). Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đáng kể này là vì chi phí tài chính tăng đến 90%, chi phí bán hàng tăng 21% và chi phí doanh nghiệp tăng 51% đã khiến cho lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm 8% so với cùng kỳ năm 2014. Được biết, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của HAG với doanh thu đạt 5.347 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.680 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là trong quý III, doanh thu từ bán bò chiếm 63% doanh thu của HAG, vượt qua mía đường trở thành lĩnh vực đóng góp chính cho HAG. Trước đó, mảng kinh doanh mía đường chiếm vị trí chủ đạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HAG. Năm 2014, doanh thu từ mía đường đóng góp 1.042 tỷ đồng (chiếm 34% tổng doanh thu). Các sản phẩm hàng hóa và mía đường chiếm tỷ trọng lần lượt 11% và 10,7%.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu từ bán bò đạt 2.145 tỷ đồng, trong khi năm 2014 mảng này gần như không ghi nhận doanh thu. Do vậy, mảng kinh doanh thịt bò kỳ vọng giúp HAG tạo đà tăng trưởng mới, đặc biệt trong quý IV, thời điểm nhu cầu thịt tăng do rơi vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Điều này sẽ tác động tích cực đến doanh thu và lợi nhuận của HAG nếu giá thành đủ sức cạnh tranh và ký kết được các hợp đồng cung cấp ổn định cho các đối tác trong nước. Ngoài ra, còn lý do để HAG phải trông chờ vào bò vì các mảng kinh doanh còn lại của HAG không như kỳ vọng. Đơn cử, hoạt động từ các công ty liên doanh, liên kết trong năm 2014 gần như không đóng góp nhiều cho HAG.
![]() |
Trang trại bò của HAG. |
Tuy đóng góp lớn và được dự báo là lĩnh vực kinh doanh chiến lược của HAG, nhưng thực tế lĩnh vực kinh doanh bò vẫn còn nhiều thách thức và rủi ro, khi ngành chăn nuôi Việt Nam đang gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), gây ra áp lực cạnh tranh khá lớn cho ngành thịt, nhất là FTA Việt Nam-EU vừa hoàn tất đàm phán. Theo đó, nhập khẩu thịt đông lạnh từ EU vào Việt Nam dự báo tăng mạnh do thuế suất về mức 0% theo lộ trình từ 3-7 năm.