(ĐTTCO) - Là doanh nghiệp khai thác cảng có quy mô tương đối nhỏ, nhưng CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) có sự tăng trưởng khá tích cực trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với những khó khăn hiện tại, khả năng tăng trưởng của HAH đang bị đặt dấu hỏi.
Tăng trưởng nhanh
HAH hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng biển và vận tải container thủy nội địa với trụ sở chính ở Hải Phòng. HAH thành lập năm 2009 với sự góp vốn của các cổ đông chiến lược hoạt động trong cùng lĩnh vực đang niêm yết trên TTCK, như CTCP Cung ứng và Dịch vụ kỹ thuật hàng hải (MAC), CTCP MHC (MHC), CTCP Hải Minh (HMH), CTCP Transimex-Sài Gòn (TMS). Hải An là một cảng nước sâu nằm trên bán đảo Đình Vũ (Hải Phòng). Do nằm ở khu vực hạ lưu Sông Cấm có độ sâu mớn nước tốt nên cảng Hải An có thể tiếp nhận tàu biển có tải trọng lên đến 20.000 tấn (giảm tải). Cảng được xây dựng trên tổng diện tích gần 20ha với 1 cầu tàu dài 150m, công suất thiết kế khoảng 250.000Teu/năm.
HAH có cơ cấu cổ đông khá cô đặc với 65% số cổ phần sở hữu bởi các cổ đông chiến lược. Trong thời gian tới, việc một số cổ đông lớn thực hiện thoái vốn có thể giúp tính thanh khoản của CP này cải thiện. Tuy nhiên, áp lực cung trong ngắn hạn sẽ gia tăng khi số CP HAH đang nắm giữ bởi một số cổ đông chiến lược hết hạn chế chuyển nhượng từ tháng 3-2016. |
Trong tương quan về năng lực bốc xếp, HAH vẫn có quy mô khá khiêm tốn so với các cảng khác ở khu vực Đình Vũ có công suất thiết kế từ 500.000Teu/năm trở lên, như Nam Hải Đình Vũ của CTCP Gemadept (GMD), Tân Vũ của CTCP Cảng Hải Phòng (PHP), Đình Vũ của CTCP Đầu tư phát triển Cảng Đình Vũ (DVP) và VIP-Greenport của CTCP CTCP Container Việt Nam (VSC). Nhằm rút ngắn thời gian giải phóng tàu, trong quý IV-2014, HAH đã đầu tư thêm một cần cẩu bờ, nâng tổng số cẩu tại cảng lên 3 cẩu. Nhờ đó, tổng sản lượng bốc xếp năm 2014 đã tăng 25% so với năm 2013, đạt 310.000Teu, tương ứng với thị phần khai thác gần 10% ở khu vực cảng Hải Phòng.
Tuy nhiên, HAH phát triển khá nhanh với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt tốc độ tăng trưởng kép, lần lượt 36,3% và 62,6% trong suốt giai đoạn 2011-2014. Hiện tại, HAH đang sở hữu 2 công ty con và 2 công ty liên doanh liên kết, đều hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong đó, Công ty TNHH Vận tải container Hải An mới được thành lập vào tháng 11-2015 để hợp nhất kết quả kinh doanh từ hoạt động vận tải container nội địa vào công ty mẹ HAH, thay vì phải phân chia doanh thu và chi phí từ hoạt động này theo hợp đồng BCC như trước đây. Hoạt động kinh doanh của HAH trong năm 2015 về cơ bản tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng hồi phục và tăng trưởng về thương mại hàng hóa, đặc biệt là hàng container của Việt Nam. Riêng với mảng khai thác cảng, tổng sản lượng hàng hóa thông quan qua cảng Hải An cả năm 2015 dự kiến tăng 14,8% (đạt 355.000Teu). Đặc biệt, trong quý II và III-2015, tình hình giao thương biên mậu với Trung Quốc căng thẳng khiến một lượng lớn hàng container lạnh tạm nhập tái xuất bị dồn ứ ở khu vực Hải Phòng, đã giúp doanh thu lưu kho container lạnh của HAH và các cảng lân cận tăng đột biến. Do chi phí của việc lưu container lạnh chủ yếu là tiền điện, nên tỷ suất sinh lời của hoạt động này khá tốt với biên lợi nhuận trước thuế có thể lên tới 40%.
Theo ước tính của CTCK Rồng Việt (VDSC), với diễn biến hàng lạnh trở lại bình thường trong các tháng cuối năm, HAH sẽ ghi nhận 80 tỷ đồng từ mảng container lạnh cho cả năm 2015. Tổng doanh thu từ mảng khai thác cảng của HAH năm 2015 ước tính đạt 369,2 tỷ đồng (tăng 27%), trong khi lợi nhuận gộp có thể đạt khoảng 166 tỷ đồng (tăng 13%). Mảng vận tải container năm 2015 cũng được dự báo hết sức khả quan với khả năng khai thác khoảng 94.000Teu (tăng 116,2%). Doanh thu từ hoạt động khai thác tàu năm 2015 (hợp nhất) ước đạt 364,5 tỷ đồng với lợi nhuận gộp tương ứng đạt khoảng 62,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 164% và 416% so với năm 2014. Như vậy, nếu cộng cả 2 mảng kinh doanh này, ước tính HAH sẽ ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2015 tăng lần lượt 71% và 31% so với năm 2014.
Bắt đầu chu kỳ giảm
2016 sẽ là năm mở đầu cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ về hoạt động giao thương của Việt Nam. Nhờ đó, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và thông qua các cảng biển trên cả nước được dự báo tăng trưởng tích cực. Theo lãnh đạo thành phố Hải Phòng, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng ở khu vực Hải Phòng dự báo tiếp tục tăng mạnh 16%, từ mức 70 triệu tấn năm 2015 lên khoảng 80 triệu tấn trong năm 2016. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, lượng hàng thông quan qua cảng Hải An năm 2016 chỉ tăng trưởng nhẹ, do cảng đang hoạt động vượt công suất thiết kế gần 25% nên khả năng mở rộng hạn chế. Trong khi đó, hoạt động khai thác cảng có thể bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng cầu Bạch Đằng qua sông Cấm và sự đột biến về doanh thu container lạnh khó lặp lại trong năm 2016. Trong ngắn hạn, các cảng có vị trí thượng nguồn, gần điểm cầu bắc ngang sông Cấm, sẽ gặp một số trở ngại về mặt thu xếp giờ giấc tàu ra vào cảng trong giai đoạn công trình đang thi công. Do chỉ có 1 cầu tàu cộng với chế độ nhật triều của con nước ở Hải Phòng, nên Cảng Hải An thông thường cũng chỉ có thể tiếp nhận và làm hàng 1 tàu mỗi ngày.
Cảng Hải An đang hoạt động vượt công suất thiết kế nên khả năng mở rộng hạn chế |
Một yếu tố có thể ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của HAH là phần lớn dư nợ vay bằng USD để tài trợ mua sắm tài sản, nên kết quả kinh doanh của HAH có thể chịu tác động bởi khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện khi đánh giá lại các khoản vay bằng gốc ngoại tệ. Theo phân tích của VDSC, giả định giao dịch biên mậu Việt - Trung diễn ra bình thường, doanh thu từ mảng container lạnh trong năm 2016 sẽ chỉ đóng góp khoảng 42 tỷ đồng vào doanh thu khai thác cảng của HAH (bằng 50% so với năm 2015). Tuy nhiên, do giá cước bốc xếp thường được neo theo USD, nên giá cước bốc xếp tại cảng Hải An sẽ tăng tương ứng mức phá giá dự kiến của VNĐ so với USD trong năm 2016. Tổng hòa các yếu tố nói trên, ước tính tổng doanh thu khai thác cảng năm 2016 của HAH có thể giảm 1,7% và lợi nhuận gộp giảm 5,4% so với 2015.