Hài hòa lợi ích chuỗi giá trị nông nghiệp

Được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, ngày mai 1-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với báo SGGP và Bộ NN-PTNN, Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo "Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững" tại TP Bến Tre. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia thảo luận để có đánh giá toàn diện về việc thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp; đồng thời xem xét các phương thức, mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay; đề xuất phương hướng, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp thời gian tới, nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, ngày mai 1-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với báo SGGP và Bộ NN-PTNN, Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre tổ chức hội thảo "Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững" tại TP Bến Tre. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia thảo luận để có đánh giá toàn diện về việc thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp; đồng thời xem xét các phương thức, mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay; đề xuất phương hướng, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp thời gian tới, nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện hàng loạt biện pháp quyết liệt để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, liên kết đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị là yếu tố mang tính quyết định, then chốt.

Có xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến và cung ứng nông sản mới đảm bảo sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ổn định, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Thực ra, tầm quan trọng của việc xây dựng mối liên kết trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản đã sớm được nhận thức. Ngay từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/QĐ-TTg khuyến khích thực hiện mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông). Trong đó, doanh nghiệp và người sản xuất ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với với sự liên kết hỗ trợ của Nhà nước và nhà khoa học, nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, đến nay mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nông dân với doanh nghiệp vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên; chưa tạo được đầu mối tập trung, tin cậy hỗ trợ nông dân trong thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, mô hình liên kết 4 nhà đã không đem lại kết quả như mong muốn.

Gần đây, việc liên kết doanh nghiệp - nông dân đang dần hình thành từ mô hình cánh đồng mẫu lớn, cho thấy những tác động hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội. Trong liên kết cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp tiêu thụ được coi là đầu tàu, là tác nhân điều phối mọi hoạt động liên kết. Năm 2015 riêng vùng ĐBSCL đạt khoảng 200.000ha cánh đồng mẫu lớn. Đây là mô hình ưu việt, hài hòa lợi ích giữa 2 tác nhân chính trong chuỗi sản xuất: nông dân và doanh nghiệp. Ngoài việc nông dân nâng cao được thu nhập trên một đơn vị diện tích, các công ty cung ứng yếu tố đầu vào cho ngành nông nghiệp như phân bón, giống thông qua việc ký kết hợp đồng với nông dân với khối lượng lớn, đã góp phần để các công ty này kinh doanh ổn định và mở rộng thị trường.

Thực tế trên cho thấy để phát huy ở mức cao nhất mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, cần xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong chuỗi liên kết làm cơ sở để phát triển sản xuất. Đây là vấn đề mấu chốt để hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản trong điều kiện hiện tại. Một vấn đề khác cần được quan tâm là vai trò của khâu lưu thông, thu gom nguyên liệu phải được chú trọng. Đây chính là cầu nối hữu hiệu nhất giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới động lực, nguồn vốn tín dụng ngân hàng, bởi thiếu yếu tố này chuỗi liên kết chắc chắn thiếu lực hoạt động, không thể thành công.

Từ đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chính sách cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Tới nay, hàng loạt dự án theo dạng này đã được vay vốn với lãi suất ưu đãi và bước đầu phát huy hiệu quả. Được kỳ vọng hơn là Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa có hiệu lực cuối tháng 7-2015. Theo nghị định này, các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án, phương án sản xuất kinh doanh.

Để xây dựng và triển khai các chuỗi liên kết cung ứng nông sản, cần có chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích giữa doanh nghiệp với người sản xuất. Từ chiến lược này, xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ và khả thi, bao gồm các vấn đề như quy mô sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, khuyến nông... mới hình thành được những mô hình liên kết, chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Các tin khác