Từ chai nước mắm vô danh thành Top 1 trên Amazon
8 tháng, quãng thời gian Chủ tịch HĐQT Công ty Pacific Foods - ông Lê Bá Linh - phải điên đầu để đưa chai nước mắm truyền thống Việt từ khi đăng ký đến khi niêm yết được trên sàn thương mại điện tử Amazon. “Đó là câu chuyện dài cách Việt Nam nửa vòng trái đất”, ông Linh nói.
Tiền thân là đơn vị xuất khẩu nên ông chủ doanh nghiệp này sớm coi trọng việc đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu. Đặc biệt, khi tấn công vào các thị trường như Mỹ, Canada thì điều đó càng cần thiết.
“Khi bán hãng trên Amazon, doanh nghiệp buộc phải có đăng ký sở hữu trí tuệ, pháp lý thương hiệu minh bạch. Nếu không có các yếu tố trên, sản phẩm của doanh nghiệp xuất hiện trên sàn sẽ không được thực hiện các chương trình marketing, quảng bá để tiếp cận người tiêu dùng”, ông Linh cho hay.
“Khi chưa đăng ký sở hữu trí tuệ và có chấp nhận đơn, nước mắm Việt chỉ đứng vị trí hơn 2.000. Sau khi đăng ký, chúng tôi thực hiện marketing, sản phẩm dần được đón nhận và chính thức lên Top 1 Amazon vào tháng 4-2020”, đại diện Pacific Foods nhớ lại.
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng trực tiếp tới kênh bán hàng truyền thống, doanh nghiệp liền đẩy mạnh kênh bán hàng online trên Amazon. Hiện, mỗi tháng, khoảng 18.000 chai nước mắm truyền thống Việt được bán ra trên nền tảng thương mại điện tử khổng lồ này, bỏ lại đằng sau các sản phẩm nước mắm của đối thủ mạnh đến từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc hay Singapore.
Báo cáo số lượng đơn đặt hàng với sản phẩm nước mắm của Pacific Foods mà hệ thống Amazon gửi về có những thông số đáng chú ý: từ 0% năm 2018 tăng trưởng đến 2.590% vào giữa tháng 4-2020. Đó là nhờ nhãn hàng đã “chạm tay” tới được người tiêu dùng nước bạn và chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đăng ký sở hữu trí tuệ chờ 2 năm là quá dài
Quay trở về với câu chuyện ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, không cứ là mang đi thi đấu ở thị trường quốc tế mà ngay tại trong nước, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến thương hiệu.
“Từ dấu chấm hay dấu phẩy thôi đã xảy ra tranh cãi, chứ đừng nói đến tên gọi, thương hiệu hay logo công ty. Nếu công ty có định hướng làm ăn tốt thì nhận diện thương hiệu là điều không thể bỏ qua”, ông chủ Vietstar Windows Nguyễn Ngọc Luận nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Luận, quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước hiện rất phức tạp. Doanh nghiệp nộp đơn sẽ mất thời gian để cơ quan nhà nước rà soát xem có sai sót, tranh chấp gì không. Trong 2 năm đó, nếu phát hiện thương hiệu đã sử dụng thì việc đăng ký sở hữu trí tuệ bị từ chối. Điều đó đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp mất hơn 700 ngày chờ đợi như đánh xổ số.
Trong khi đó, chỉ một tuần sau khi đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu cà phê tại Hoa Kỳ, ông Luận nhận được bản báo cáo đầy đủ của nhà chức trách sở tại về những thương hiệu có liên quan để doanh nghiệp tự lường trước các vấn đề pháp lý, khả năng thành công trong trường hợp tranh chấp xảy ra như: tên ngành hàng, tên chủ sở hữu, các ký tự trùng lắp trong tên gọi đã đăng ký... Nếu không có vấn đề nào khác, trong vòng 6 tháng, chứng nhận bảo hộ thương hiệu sẽ được cấp cho doanh nghiệp.
Nói về sự khác biệt giữa quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và các nước, ông Lê Bá Linh cho rằng, các nước có sự phân kỳ như 3 tháng, 6 tháng để phản hồi tới doanh nghiệp về các khiếu nại trong quá trình chứng minh thương hiệu, còn đăng ký ở Việt Nam mất tới 2 năm mới nhận được câu trả lời.
“Các báo cáo phân kỳ được cơ quan thương hiệu nước bạn gửi đều đặn. Tất cả là một quy trình được xử lý trên hệ thống trực tuyến có sẵn, với kho dữ liệu khổng lồ. Sẽ có người tự động trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp, tránh rắc rối hay chậm tiến độ”, ông Linh chia sẻ.
“Bất cập này đã kéo dài từ lâu”, ông Thịnh nhận xét.