Năm 2017, kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng phát triển khá mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Một số chỉ tiêu dẫn đầu cả nước như thu ngân sách nội địa đứng thứ 3 cả nước, đạt 21.500 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016.
Với Hải Phòng, không chỉ được gọi là thành phố cảng, mà còn được gọi bằng tên mới: Thành phố của những cây cầu.
Giai đoạn 2013 - 2018, thành phố Hải Phòng thi công cầu nhiều nhất trong lịch sử, thậm chí phá kỷ lục của Việt Nam với gần 20 cây cầu lớn, nhỏ được xây dựng và hoàn thành. Những cây cầu này đã kết nối ước mơ của người dân trong khu vực.
Trên dòng sông Lạch Tray, 3 cây cầu mới mang tên cầu Rào 2, cầu Niệm 2, cầu Đông Khê Hải Phòng đã nối các quận Dương Kinh, Kiến An, An Dương liền một dải. Giữa năm 2017, cây cầu vượt biển dài hơn 5,4 km Tân Vũ-Lạch Huyện nối huyện đảo Cát Hải với đất liền được hoàn thành mang lại 1 diện mạo mới cho thành phố Cảng.
Một số cây cầu khác như cầu Tam Bạc, cầu Quay, cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hồng Phong cũng đã đưa vào sử dụng, giảm ùn tắc giao thông trong nội đô.
Cầu Bạch Đằng bắc qua sông Cấm đang trong giai đoạn nước rút, khi hoàn thành, đi từ Hải Phòng đến thành phố Hạ Long - Quảng Ninh chỉ còn 30 phút. Cầu Hoàng Văn Thụ, cây cầu được mệnh danh là cầu “mở rộng đô thị Hải Phòng”, nối quận Hồng Bàng với khu đô thị mới Bắc Sông Cấm. Cây cầu này không chỉ mang dáng vóc cầu đô thị, mà còn mở ra khả năng khai thác quỹ đất ven sông Cấm, phát triển đô thị Hải Phòng dọc theo các tuyến sông.
Cầu Hàn và cầu Đăng cũng đã được thành phố khởi công trong những ngày đầu tháng 5 năm 2017 và khánh thành vào ngày 1/1/2018.
Với dự án đường ven biển nối tỉnh Thái Bình dài 30,9 km cắt qua huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy và quận Đồ Sơn. Trên tuyến đường này xây 7 cây cầu.
Không chỉ xây dựng những cây cầu, phát triển giao thông “nối những những bờ vui”, trong năm 2017, Hải Phòng còn nối tiếp niềm tin cho người dân thành phố cảng bằng việc triển khai thực hiện 18 công trình, dự án trọng điểm để chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị.
Không chỉ cố gắng trong hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, Hải Phòng cũng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng công tác an sinh xã hội. Ở nông thôn đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, ở đô thị thành phố tập trung cải tạo, xây dựng lại những chung cư đã cũ.
Phát triển giao thông, cùng với việc củng cố quốc phòng- an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, Hải Phòng xác định phải có một sức bật để đón một làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp trong nước, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế đầu tư vào Hải Phòng.
Ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hải Phòng cho biết: Danh mục các dự án được đầu tư trung hạn trong năm 2017-2020 trước mắt ngành GTVT phải tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cam kết bố trí nguồn vốn.
"Tôi tin chắc rằng giao thông đi trước mở đường thì sẽ thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, rồi các tập đoàn kinh tế lớn trong nước sẽ đến đầu tư tại Hải Phòng", ông Tùng chia sẻ.
Với hệ thống 16 sông chính phân bố rộng khắp địa bàn thành phố, tổng chiều dài hơn 300 km, cùng đặc điểm địa lý của vùng cửa biển, những cây cầu là huyết mạch quan trọng trong hệ thống giao thông, mở ra cơ hội kết nối giao thương, phát triển kinh tế xã hội của Hải Phòng.
Ước tính trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hải Phòng sẽ tiếp tục có thêm 30 cây cầu mới, trở thành thành phố của những cây cầu.