Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Hôm qua 30-11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo tổng hợp rà soát pháp luật kinh doanh trên cơ sở rà soát 16 luật cùng khoảng 200 văn bản hướng dẫn.
Theo đó, trong 683 quy định được phát hiện có 206 quy định chưa đạt tiêu chí minh bạch, 243 quy định chưa đạt tiêu chí hợp lý, 149 quy định chưa đạt tiêu chí thống nhất, 85 quy định chưa đạt tiêu chí khả thi.
Ở cả 16 luật đều có các quy định chưa đạt 1 hoặc hơn 1 trong số 4 tiêu chí nêu trên, chỉ có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không có quy định nào vi phạm tiêu chí thống nhất.
Những thống kê trên cho thấy việc ban hành các luật và hướng dẫn thi hành đang tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập.
Thí dụ, khi ban hành chính sách giao đất hợp tác xã cho hộ gia đình và cá nhân, cần có luật để bảo đảm việc giao đất cho tốt thì Luật Đất đai lần thứ nhất lại ra đời trước khi thực hiện chính sách này. Lần thứ hai là Luật Đất đai năm 1993, một năm sau chúng ta có đường lối công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tức luật cũng ra một năm trước khi chúng ta thực hiện.
Hay Luật Xây dựng và Luật Đất đai lần thứ 3 được thông qua cùng một kỳ họp (tháng 11-2003) nhưng phần về cơ chế Nhà nước thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, hai hệ thống luật này lại hoàn toàn khác nhau. Ngay như khái niệm bồi thường và đền bù, hai hệ thống luật này cũng diễn giải hoàn toàn khác nhau.
Những bất cập trên cho thấy cứ đổi mới liên tục chưa chắc đã là điều hay nếu đổi mới gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Một nghị định mới của Chính phủ ít nhất phải 1 năm sau mới về được đến cấp xã.
Thế nhưng chỉ riêng quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư từ năm 2004 tới nay đã có 5 nghị định (197, 117, 84, 69, 121), tức cứ hơn 1 năm lại điều chỉnh chính sách một lần.
Ở mặt nào đó thấy sai thì sửa là tốt nhưng đối với cuộc sống thực tế điều này lại không tốt. Cách làm này khiến môi trường đầu tư méo mó và hệ thống pháp luật không nhất quán. Và nếu cứ lặp lại cách thấy sai thì sửa sẽ rất tai hại.
Thực tế ở nước ta nhiều luật hay pháp lệnh, nghị định và cả thông tư chỉ quy định chung chung, không sát với thực tế cuộc sống. Giữa các luật với nhau như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp “đá nhau lung tung” nhưng 6, 7 năm nay không sửa. Những năm gần đây, tư duy nhiệm kỳ và tư duy lợi ích nhóm đã có tác động nhất định vào việc soạn thảo luật, nghị định và rõ hơn là trong các thông tư.
Do đó, cần phải sửa đổi cơ bản cách làm luật, theo đó luật không nên chỉ là khung. Thực tế hiện nay, khi luật không xử lý được quy định nào đó thì đẩy cho nghị định, nghị định không xử lý được lại đẩy cho thông tư.
Bên cạnh đó, tình trạng phổ biến hiện nay là luật chờ nghị định, cho dù thời hiệu luật đã có hiệu lực vẫn không thể điều chỉnh được hành vi kinh doanh trên thị trường.
Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006, nhưng hơn 1 năm sau, ngày 5-9-2007 mới có Nghị định 139 quy định chi tiết luật đó.
Theo nhiều chuyên gia, luật phải cụ thể thêm, nghị định chỉ là hướng dẫn một số điều trong luật, tốt hơn nữa là xóa hẳn thông tư. Nếu còn thông tư thì chỉ hướng dẫn hợp đồng mẫu, nghiệp vụ, kỹ thuật tính toán, không có chính sách trong thông tư. Bên cạnh đó, để tăng dần tính hiệu lực trong việc thi hành luật, chủ trương của Quốc hội hiện nay rất đúng là cố gắng giải quyết dần các luật khung, tăng dần các luật.
Chẳng hạn, khi các luật trình ra Quốc hội bắt buộc phải có các nghị định kèm theo và chương cuối cùng của luật không nên có câu Chính phủ hướng dẫn thi hành luật này mà quy định rõ Chính phủ hướng dẫn điều bao nhiêu của luật này.
Đây là bước đi tiến bộ để tránh việc trong quá trình thực hiện luật bị méo mó, bởi người thi hành luật nhiều khi vẫn đứng ra bảo vệ quyền lợi hoặc nhóm lợi ích nào đó. Nếu làm được những điều trên sẽ nâng cao tính thống nhất và tôn nghiêm của các đạo luật, hạn chế việc hướng dẫn các quy định “lạ” trong việc thực hiện luật sau đó.