(ĐTTCO) - Một cơn bão dư luận mấy ngày qua tranh luận xôn xao, bức xúc về chủ trương hạn chế xe cá nhân. Làm gì để có thể hạn chế được phương tiện cá nhân?
TP Hà Nội đề ra mục tiêu trong năm 2016 quyết liệt hạn chế phương tiện cá nhân bằng cách không cho xe vào một số khu vực, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký sử dụng xe hay tăng phí dịch vụ… Người dân thì bức xúc còn các chuyên gia nói gì?
Hạn chế xe cá nhân - vấn đề đã khiến các cơ quan ban ngành liên quan loay hoay suốt nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lộ trình và giải pháp cụ thể. Gần đây, Hà Nội và TP.HCM còn đề xuất tăng các khoản thuế phí nhằm vào phương tiện cá nhân nhằm giải tỏa áp lực cho giao thông đô thị. Tuy vậy, hạn chế phương tiện cá nhân có thực sự là giải pháp chống ùn tắc giao thông hiệu quả?
Chưa thể hạn chế phương tiện cá nhân
Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, khoa kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, những biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân đã được đưa ra trong 10 năm trở lại đây, tuy nhiên không hiệu quả vì nhiều lý do.“Thứ nhất, các thành phố lớn trên thế giới thực hiện hạn chế xe cá nhân đều có hệ thống giao thông công cộng đa dạng, kết nối tốt. Do vậy khi bỏ xe cá nhân, người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện khác như xe buýt, tàu điện, metro… để đi lại mà không ảnh hưởng nhiều.
Thứ hai, do đặc thù đường sá và sự đi lại ở VN chủ yếu dựa vào xe gắn máy, văn hóa xe gắn máy đã ăn sâu vào thói quen đi lại của người dân. Do vậy, rất khó thuyết phục dân chúng từ bỏ xe cá nhân để đi lại bằng phương tiện công cộng, nhất là khi hệ thống giao thông công cộng ở VN còn rất yếu kém” - ông Xuân Mai phân tích. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị, cần cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị và hệ thống giao thông công cộng rồi hãy tính tới chuyện hạn chế phương tiện cá nhân. “Phương tiện công cộng mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đi lại của người dân, nếu cấm cả phương tiện cá nhận thì số dân còn lại đi bằng gì?” - TS Nguyễn Xuân Thủy đặt ra vấn đề.
TS Xuân Thủy cho rằng hệ thống giao thông công cộng hiện nay quá lạc hậu. TP. Hà Nội và TP.HCM không có đường sắt đô thị, chỉ có xe buýt mà số lượng lại ít và không phát huy được chức năng vận tải, người dân mới sử dụng 1, 2 lần đã không muốn đi nữa vì xe quá chậm, không đúng giờ, thái độ phục vụ lại thiếu lịch sự. PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - phó trưởng khoa Vận tải - Kinh tế (ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) cho rằng việc cấm xe cá nhân trong khi chưa tìm ra được phương tiện thay thế là một giải pháp mâu thuẫn.
Phương tiện công cộng mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đi lại của người dân. |
“Có cấm cũng không được vì nhu cầu đi lại của người dân là nhu cầu tất yếu, có tăng chi phí dịch vụ hay nghiêm ngặt hơn trong khâu thủ tục thì người dân vẫn buộc phải đi bằng xe cá nhân vì vẫn chưa có phương tiện thay thế” - PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nhận định. TS Xuân Thủy nói: “Tăng chi phí đi lại là việc làm không phù hợp với lòng dân. Việc đánh vào người khó khăn để hạn chế phương tiện cá nhân là một việc làm thiếu nhân đạo”.
Cần quy hoạch lại đô thị
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, vấn đề ùn tắc giao thông liên quan mật thiết đến quy hoạch đô thị. Khi lượng người nhập cư vào hai thành phố lớn ngày càng đông nhưng bản thân hai thành phố này lại không đủ khả năng chứa thì việc ùn tắc giao thông là tất yếu. “Với số lượng dân cư và cơ sở hạ tầng như thế này thì việc hạn chế xe cá nhân là không thể giải quyết được vấn đề, bởi vì có sử dụng phương tiện nào thì rồi cũng tắc đường hết. Vậy nên theo tôi quan trọng nhất vẫn là giải quyết vấn đề quy hoạch đô thị.
Nên xây dựng những khu chung cư ngoại thành kèm theo trường học, bệnh viện và các dịch vụ khác thì người dân mới không lao vào nội ô, tự động lượng dân sẽ dãn ra. Có thể cấm xây các khu căn hộ, nhà cao tầng ở trung tâm thành phố” - ông Nguyễn Hồng thái đề xuất. PGS.TS Phạm Xuân Mai cũng cho rằng nếu vẫn cứ để xảy ra tình trạng nhà máy, xí nghiệp di dời đến đâu, chung cư mọc lên thay thế đến đó thì giải pháp hạn chế xe cá nhân cuối cùng cũng chỉ “gây khó” cho dân chứ không đạt được hiệu quả trong việc chống ùn tắc.
Chính sách chưa hợp lý? Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, TP. Hà Nội chi đến hơn 2.100 tỷ đồng cho lộ trình giải quyết nạn ùn tắc giao thông, hạn chế phương tiện công cộng từ năm 2016 đến năm 2020 là một sự lãng phí ghê gớm. Kinh phí này nếu được dùng để phát triển giao thông công cộng thì sẽ tốt hơn. “Với số tiền này, nếu quy hoạch hệ thống giao thông công cộng tốt, TP. Hà Nội có thể tăng tỷ lệ giao thông công cộng lên thêm 10% nữa và lúc đó mới nên nghĩ đến việc hạn chế xe cá nhân” - PGS.TS Phạm Xuân Mai nói. Còn theo TS Nguyễn Xuân Thủy, trước giờ ta vẫn không hạn chế được ùn tắc giao thông là vì không tập trung đầu tư cho TP. Hà Nội lẫn TP.HCM mà chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng bên ngoài, đổ tiền vào các công trình chưa thực sự cần thiết như các nhà cao tầng cảng biển, sân bay, đường cao tốc,... Làm sao để giảm ùn tắc và hạn chế phương tiện cá nhân? Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, có năm giải pháp cần được tiến hành đồng bộ để giúp cho giao thông đô thị trở nên thông thoáng. Thứ nhất là nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố. Nhiều tuyến đường còn bị quá tải đến 200-300%, có đến 50-60% các tuyến đường ở TP.HCM chỉ có mặt cách khoảng 6-7m. Thứ hai, giao thông công cộng phải phát triển, đa dạng, động bộ và nối kết với nhau để người dân đi thuận lợi, nhanh, đúng giờ. Thứ ba, tăng cường chất lượng quản lý nhà nước trong vấn đề tổ chức vận tải, sử dụng hệ thống giao thông thông minh để quản lý hệ thống giao thông vận tải. Thứ tư, tăng cường vấn đề điều phối khu dân cư, giảm bớt những tòa nhà cao tầng ở khu quá đông, dời bớt cơ quan chưa thực cần thiết ra ngoài thành phố để giảm mật độ đi lại.Cuối cùng, cần tiếp tục tuyên truyền ý thức giao thông cho người dân, tuân thủ luật giao thông và tăng cường sử dụng phương tiện công cộng. “Năm giải pháp đó cần được tiến hành đồng bộ và thường xuyên trong thời gian khoàng từ 15 đến 20 năm và phải tốn hàng trăm nghìn tỷ thì mới giải quyết được” - TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết. |