Cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc hôm thứ Năm (16/11) cho biết chính quyền có kế hoạch nới lỏng các quy định bán khống cổ phiếu đối với các nhà đầu tư bán lẻ, đồng thời thắt chặt các quy định đối với các tổ chức đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thúc đẩy một "sân chơi bình đẳng" trên thị trường.
Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã đưa ra lệnh cấm bán khống gây tranh cãi trên thị trường chứng khoán trong tháng này.
Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ hạ tỷ lệ tiền mặt cần thiết làm tài sản thế chấp cho các nhà đầu tư bán lẻ để vay cổ phiếu xuống 105%, giảm từ mức 120% hiện tại, để phù hợp với tỷ lệ dành cho các nhà đầu tư tổ chức.
Theo tuyên bố, đối với các tổ chức đầu tư, giới hạn mới tối đa 90 ngày sẽ được áp dụng đối với việc vay cổ phiếu để bán khống, phù hợp với các nhà đầu tư bán lẻ.
FSC đã công bố các biện pháp này cùng với các quy định nhằm ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp, sau cuộc họp với các cơ quan tài chính khác và Đảng cầm quyền để chuẩn bị thay đổi quy định về bán khống trên thị trường chứng khoán.
Truyền thông địa phương dẫn lời Phó Chủ tịch FSC Kim So-young cho biết lệnh cấm bán khống cổ phiếu sẽ được duy trì cho đến khi có đủ cải thiện về quy định.
Huh Jae-hwan – nhà phân tích tại Eugene Investment Securities, cho biết: “Các quy tắc công bằng nghe có vẻ hay, nhưng thực ra, có lý do khiến các nhà đầu tư bán lẻ phải tuân theo các quy tắc chặt chẽ hơn – đó là sự bảo vệ”.
Huh nói: “Tôi không chắc các nhà đầu tư bán lẻ sẽ thực sự được hưởng lợi, vì việc bán khống có thể tăng nhiều hơn sau khi các nhà đầu tư bán lẻ được phép bán khống cổ phiếu giống như các tổ chức vẫn làm”.
Các nhà đầu tư bán lẻ đã hoan nghênh lệnh cấm bán khống, cho rằng hành động này chỉ làm biến động giá trở nên tồi tệ hơn khi cho phép những người chơi lớn đặt cược vào sự sụt giảm của thị trường.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm đã khiến thị trường kém hấp dẫn hơn, từ chối các lựa chọn của nhà đầu tư để phòng ngừa rủi ro và làm giảm tính thanh khoản cũng như khả năng khám phá giá. Họ cũng cáo buộc chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế dân túy.
Các nhà đầu tư bán lẻ đã trở thành khối bỏ phiếu quan trọng trong những năm gần đây, với tài khoản giao dịch chứng khoán bán lẻ tăng gấp đôi kể từ năm 2017 lên khoảng 14 triệu và cứ năm người Hàn Quốc thì có khoảng một người sở hữu tài khoản.
Hơn 50.000 người Hàn Quốc đã ký đơn yêu cầu lệnh cấm bán khống tạm thời trong những tháng gần đây.
FSC cho biết các biện pháp được đề xuất vào thứ Năm sẽ được hoàn thiện để trải qua quá trình lập pháp sau nhiều cuộc thảo luận công khai và quốc hội hơn.