Bên trong 1 căn biệt thự hướng thẳng ra biển chưa hoàn thiện bị bỏ hoang nhiều năm bốc mùi rất khó chịu. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Mục đích nhằm giúp du khách và người dân Phú Quốc tiếp cận dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và giải trí đẳng cấp quốc tế với kiến trúc đẹp, hiện đại trong môi trường cảnh quan tự nhiên.
Thế nhưng, sau 17 năm thực hiện quy hoạch, khu Bãi Trường hiện là một tổ hợp “nhà hoang” với hàng trăm công trình thi công dang dở và để trống; nhiều khu nhà ở, resort đã thi công xong nhưng vắng bóng người. Dọc tuyến đường Nam - Bắc Bãi Trường, rất nhiều công trình bị tháo dỡ, trơ khung sắt, cạnh đó là bảng cảnh báo của chính quyền và ngành chức năng địa phương “Đất do Nhà nước quản lý, cấm mọi hành vi phá hoại, mua bán, xây dựng”.
Một khu đất do Nhà nước quản lý, nhưng người dân vào chiếm xây biệt thự, tồn tại nhiều năm vừa bị chính quyền địa phương xử lý và gắn biển cảnh báo. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Nằm cạnh đường Nam - Bắc Bãi Trường là khu phức hợp nghỉ dưỡng Sonasea Villas and Resort rộng 132ha của CEO Group. Tại đây, có hàng trăm công trình nhà phố, shop house được xây xong, nhưng chỉ lác đác một vài người ở. Các tuyến đường nội bộ, tiểu cảnh bên trong khu phức hợp này cỏ mọc lu lấp do lâu ngày không được chăm sóc, thu dọn.
Đi sâu vào bên trong khu vực Bãi Trường, hàng loạt các khu dự án khác như: Novotel Villas, Best Western Premier Sonasea Phu Quoc (CEO Group), Phú Quốc Marina rộng 155ha (BIM Group), The Residence Phú Quốc rộng 3,1ha (Tập đoàn Hạ tầng đô thị Corporation); Milton Europa Village (Milton Holding) cũng trong tình trạng tương tự.
Nhiều dãy nhà đã xây xong, sơn đủ màu sắc khác nhau, nay đã ngả màu vẫn không có người ở. Một số công trình cao tầng xây xong phần thô nhưng bỏ trống nhiều năm qua, tường và sàn nổi rêu chẳng khác những căn nhà hoang.
Căn shop house ngay góc bìa của cả block nhà bỏ hoang treo biển cho thuê hoặc bán nhưng không ai lai vãng hỏi thăm. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Những căn biệt thự hướng biển trị giá cả chục tỷ đồng được sơn màu xanh dần chuyển sang màu xám sậm sau nhiều năm không có người ở. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng không có một bóng người. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Ông T.V.Cường, nhà gần Bãi Trường, từng làm bảo vệ cho một dự án trong khu vực này cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến những công trình quy mô ở đây bị biến thành nhà hoang. Một phần do kinh tế khó khăn, chủ đầu tư hết vốn, hoặc thấy thị trường “đóng băng”, xây xong không bán được nên thi công dở dang rồi để đó. Tuy nhiên, cũng có nhiều công trình không đảm bảo pháp lý, xây dựng sai phép, không phép nên bị chính quyền cưỡng chế, tháo dỡ, hoặc đang trong quá trình xử lý.
“Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản đóng băng, kỹ sư, công nhân thi công ở các công trình rút đi; người dân, du khách cũng ít khi lui tới. Đêm đến, nhiều công trình ở đây như nhà hoang, nhiều đối tượng nghiện ma túy tụ tập vào đây hút chích, rất mất an ninh trật tự. Đã có nhiều trường hợp cướp giật, trấn lột xảy ra trong khu vực này”, ông Cường cho biết.
Cả khu biệt thự cao cấp chỉ có bức tượng câm lặng đứng trơ bao mùa mưa nắng. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Dự án căn hộ nghỉ dưỡng thiết kế sang chảnh phong cách hiện đại này đã nhuốm màu rêu phong do bị chủ đầu tư bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Một công trình xây dựng dở dang nhiều năm qua ở khu Bãi Trường giống như nhà hoang. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Điều khiến người dân địa phương bức xúc nhất là công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng của chính quyền TP Phú Quốc tại khu vực Bãi Trường thời gian qua bị thả nổi.
“Có nhiều biệt thự xây dựng cả năm trời trên đất nông nghiệp vẫn không bị chính quyền địa phương phát hiện, xử lý. Khi người dân phản ánh liên tục, cán bộ mới vào lập biên bản, nhưng nhiều năm sau mới cưỡng chế. Chưa hết, dù xử lý công trình vi phạm, nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương lại không xử lý, truy cứu trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan”, ông Trương Minh Tùng, nhà gần khu Bãi Trường nêu bức xúc.
Một công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bị cưỡng chế, tháo dỡ ở khu Bãi Trường. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Đại diện Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc (trực thuộc UBND tỉnh Kiên Giang), cơ quan này vừa kiểm tra tình hình triển khai và sử dụng đất với khoảng 14 dự án ở Bãi Trường. Có một số dự án trong đó lẽ ra phải xử lý thu hồi do chậm tiến độ, nhưng chưa thể thực hiện do chủ đầu tư đã bị bắt giam, chẳng hạn như dự án của tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Đóng băng từ năm 2020, câu hỏi mà không ai có thể trả lời là khi nào Bãi Trường sẽ hoàn thành và sôi động, hấp dẫn như quy hoạch đã duyệt. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kiên Giang, đến nay tổng dư nợ bất động sản của tỉnh này là 20.438 tỷ đồng, phần lớn tập trung ở đảo Phú Quốc, tăng 10,64% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế do các doanh nghiệp bất động sản lớn thường vay tiền từ nơi khác, hoặc kêu gọi chủ đầu tư thứ cấp góp vốn theo tiến độ dự án.