Cổ đông liên kết tự bảo vệ
Theo thống kê từ các công ty chứng khoán, mã CP HAG có trên 30.000 cổ đông. Từ ngày giá CP tăng mạnh thì niềm vui dâng trào, còn nay CP đứng trước nguy cơ bị “lột sàn”, sự lo lắng cũng tràn ngập.
Anh Minh Lê, một cổ đông mới, tham gia mua hơn 200.000 CP HAG, vào lúc giá đang đỉnh, 15.000 đồng/CP, tổng tiền mua hơn 3 tỷ đồng vào đầu tháng 1 năm nay tại sàn chứng khoán Bản Việt. Đáng chú ý, tiền mua CP có một phần thế chấp ngân hàng từ căn nhà đang ở, mỗi tháng phải trả gần 8 triệu đồng lãi vay.
Anh Minh cho biết, khi giá CP tăng, đọc giải trình của công ty, nên tin tưởng HAG sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới, nên yên tâm đầu tư lâu dài. Thế nhưng, sau khi nghe lình xình vụ hủy niêm yết, giá CP xuống sàn liên tục, khiến anh bất an, mở mắt ra là mất của. Tìm hiểu các quy định pháp luật, thấy rằng việc hủy sàn TPHCM để chuyển xuống sàn Upcom là bất hợp lý, anh cùng nhau lập hội những người mua CP HAG từ sau tháng 1 năm nay, để kiến nghị các cơ quan chức năng.
Nhóm mang tên “Only HAG 2022- 2024”, gần 600 cổ đông HAG tham gia, những ngày qua bàn luận thật sôi nổi. Anh Nguyễn Ngọc Minh, quản trị nhóm cho biết, hủy niêm yết sẽ gây thiệt hại cho những cổ đông mới tham gia, nên anh kêu gọi các cổ đông cùng ký “Đơn kêu cứu”.
Đơn ký ngày 14-2, gửi cho các cơ quan chức năng gồm Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an; Bộ Tài Chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) nêu ra 4 lý do không thể hủy niêm yết HAG.
Thứ nhất, Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31-12-2020 hướng dẫn Luật chứng khoán, tại Điều 120 khoản 1, điểm e, thì không có quy định hồi tố lỗ.
Thứ hai, thông tin chính xác được công ty nêu ra là: năm 2019 công ty làm ăn có lãi, tức là dù có hồi tố hay không, năm 2019 công ty vẫn báo lãi, không có chuyện ba năm liên tiếp là 2017, 2018, 2019 bị lỗ như đồn thổi suốt thời gian qua.
Thứ ba, công ty công bố lỗ từ tháng 3-2021 theo báo cáo tài chính kiểm toán 2020, nhưng tại sao gần 10 tháng sau mới có tin thông báo hủy? Nếu HOSE tiến hành hủy đột ngột như vậy sẽ làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông HAG.
Thứ tư, báo cáo tài chính hồi tố 2017, 2018, 2019 không có kiểm toán và không có giá trị pháp lý để xem xét có hủy niêm yết hay không.
“Chúng tôi là những cổ đông đã đầu tư từ sau ngày phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 (tháng 4- 2021), và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý, tại sao nay lại lôi chuyện cũ ra xem xét. Đặc biệt, những ngày cuối năm 2021, hàng loạt thông tin, báo cáo từ công ty HAG, cho thấy về một doanh nghiệp hồi sinh vì có liên tiếp các quý làm ăn khởi sắc và có lãi trở lại, kỳ vọng 2022 có lợi nhuận gấp chục lần năm 2021, nên chúng tôi đã đầu tư rất lớn vào CP này. Vì vậy, nếu nay HOSE thông báo HAG bị hủy niêm yết vì những chuyện xảy ra từ những năm trước, sẽ trực tiếp giết chết các cổ đông, những người đầu tư vì kỳ vọng tương lai, chứ không hề có trách nhiệm phải chịu về những tồn đọng từ quá khứ trước thời điểm đầu tư” - đơn kêu cứu viết.
Không thể hủy niêm yết
Nếu HOSE thông báo HAG bị hủy niêm yết vì những chuyện xảy ra từ những năm trước, sẽ trực tiếp giết chết các cổ đông, những người đầu tư vì kỳ vọng tương lai, chứ không hề có trách nhiệm phải chịu về những tồn đọng từ quá khứ trước thời điểm đầu tư. |
Theo Luật sư Lê Thị Hoài Giang, Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn cho rằng, căn cứ theo Nghị định 155 hướng dẫn Luật chứng khoán 2020, điều 120, khoản 1, điểm e thì không thể hủy niêm yết HAG. Bởi vì, quy định là 3 năm lỗ liên tiếp, sang năm thứ 4 sẽ hủy niêm yết. Nhưng đằng này, nay đã sang năm thứ 5, công ty HAG đã làm ăn có lãi thì không có căn cứ để hủy niêm yết. Trong trường hợp công bố thông tin không chính xác, thì HAG sẽ bị xử phạt theo điều luật khác chứ không phải bị hủy niêm yết.
Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Hồ Ngọc Diệp, đoàn Luật sư TPHCM nói, sau khi đọc nhiều bài báo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc hủy là đúng về mặt pháp luật nhưng thực tế là sai. Ở đây có sự nhầm lẫn. Điểm e, khoản 1, điều 120 chỉ áp dụng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp, thể hiện qua báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm của doanh nghiệp.
Trái lại, nếu kết quả báo cáo tài chính kiểm toán thể hiện doanh nghiệp không thua lỗ, nhưng đó doanh nghiệp phát hiện thua lỗ và công bố thông tin điều chỉnh, thì luật không có quy định hủy niêm yết trong trường hợp này. Mặt khác, các quy định pháp luật đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư, nhưng nay HAG làm ăn có lãi mà hủy niêm yết HAG sẽ làm đến thiệt hại cho các nhà đầu tư hiện tại. Hiểu biết và vận dụng pháp luật như vậy là sai, dễ dẫn đến các kiện tụng sau đó giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.