Hàng triệu xe điện đang lưu hành, bố trí chỗ sạc ở đâu?

(ĐTTCO)-Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong nước hiện có khoảng 4 triệu xe đạp, xe máy điện đang lưu hành. Sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều chủ chung cư mini, chủ nhà trọ đã thông báo không nhận trông giữ, không cho sạc xe đạp, xe máy điện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội để lại hậu quả vô cùng thương tâm, nhiều chủ chung cư mini, chủ nhà trọ đã thông báo không nhận trông giữ, không cho sạc xe đạp, xe máy điện. Vậy, hàng triệu xe đạp, xe máy điện đang lưu hành sẽ phải sạc ở đâu? Cần lưu ý gì khi bố trí điểm sạc cho xe đạp, xe máy điện? Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với PGS. TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ GTVT xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, hiện nay nhiều chủ chung cư mini, các khu nhà trọ đang từ chối nhận trông giữ xe đạp điện hoặc là sạc xe đạp, xe máy điện, ông có quan điểm như thế nào về điều này?

PGS. TS Vũ Ngọc Khiêm: Thời gian qua, trên địa bàn cả nước cũng như Hà Nội xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, gây ra những hậu quả khôn lường, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt là vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, Hà Nội đã cướp đi sinh mạng của 56 người và để lại di chứng về tâm lý khó có thể xóa mờ cho những người ở lại.

Với những hậu quả nặng nề như vậy thì phản ứng của các chủ chung cư chủ nhà cho thuê về từ chối nhận trông giữ hoặc từ chối cho sạc xe đạp hay xe máy điện cũng là thường tình.

Tuy nhiên, việc đổ lỗi hoàn toàn cho xe đạp, xe máy điện có vẻ không được công bằng. Thứ nhất là xe điện chỉ là một trong những nguyên nhân phát sinh đám cháy, thậm chí nguyên nhân cháy đối với xe lắp động cơ đốt trong còn cao hơn rất nhiều. Thống kê ở một số quốc gia cho thấy, tỷ lệ xe bị cháy của xe điện chỉ bằng 1/61 so với xe xăng dầu bị cháy mà thôi.

Thứ hai nữa là công tác quản lý, nếu chúng ta quản lý tốt công tác phòng chống cháy nổ thì sẽ không thể phát sinh đám cháy và nếu chẳng may phát sinh đám cháy thì chúng ta phải có giải pháp tốt, chuẩn bị tốt cho công tác phòng chống cháy nổ tại chỗ.

Thứ ba, xu hướng sử dụng xe điện thay thế cho xe lắp động cơ đốt trong đã là một vấn đề tất yếu và là yêu cầu của Chính phủ để thực hiện cam kết với quốc tế trong sứ mạng ứng phó với biến đổi khí hậu, người dân sử dụng xe điện sử dụng xe lắp động cơ đốt trong cũng là thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình.

Được biết là vào đầu năm 2024 tới đây, TP. Hồ Chí Minh sẽ đi đầu thí điểm chính sách khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi người dân khi chuyển đổi việc sử dụng xe máy xăng sang xe máy điện.

Như vậy, việc một số chủ chung cư, chủ nhà cho thuê từ chối trông giữ xe và từ chối cho sạc xe đạp xe máy điện là không nên, thậm chí là không đúng, vì ngay trong Thông tư số 04/2021 của Bộ Xây dựng đã quy định rất rõ về nơi để xe, nơi trông giữ xe, trong đó có xe điện ở các khu chung cư.

Cái quan trọng là chúng ta phải tìm ra giải pháp để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ khi thực hiện sử dụng xe đạp, xe máy điện.

PV: Theo ông, chúng ta có thể trông giữ và cho phép giảm đối với phương tiện xe đạp điện và xe máy điện như thế nào để vừa đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, vừa đảm bảo quyền lợi của những người sử dụng?

PGS. TS Vũ Ngọc Khiêm: Việc sạc xe điện có thể thực hiện tại nhà riêng khu chung cư hoặc tại nơi công cộng. Khi bố trí điểm sạc cho xe điện hai bánh thì cần phải chú ý rất nhiều các yếu tố. Ví dụ chúng ta cần phải bố trí nơi sạc độc lập và cách ly với các nguồn nhiệt hoặc là những vật dụng dễ cháy; cần phải bố trí những trang thiết bị phòng chống cháy như bình cứu hỏa và có những phương án xử lý khi sự cố cháy nổ xảy ra.

Thứ hai là cần trang bị một đường cấp điện đảm bảo đủ công suất cho các phương tiện. Tiếp theo nữa đó là các ổ cắm điện, hay là mối nối… phải đảm bảo chắc chắn và đúng yêu cầu kỹ thuật, đúng hướng dẫn của nhà sử dụng. Chúng ta cần phải trang bị thêm các trang thiết bị tự động ngắt điện khi quá tải và các bộ sạc điện cho xe cũng như quy trình sạc phải tuân thủ theo yêu cầu của nhà sản xuất.

Đặc biệt hơn nữa, tại những nơi sạc thì cần bố trí quan sát, theo dõi; những nơi công cộng, những nơi sạc có nhiều phương tiện thì chúng ta cần bố trí nhân sự để theo dõi quá trình sạc điện và nhân sự thực hiện nhiệm vụ này thì cũng cần phải được trang bị những kiến thức về sạc điện cũng như quy trình xử lý khi có sự cố xảy ra.

Ngoài những quy định nói trên thì việc sử dụng giải pháp là hoán đổi pin, thuê pin cũng là một giải pháp mà người dùng nên cân nhắc. Nếu sử dụng giải pháp này thì chúng ta có thể giảm tối đa nguy cơ cháy nổ và tăng tính tiện nghi khi sử dụng xe đạp, xe máy điện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các tin khác