Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) đang triển khai dự án đưa hàng Việt vào các hệ thống siêu thị Trung Quốc (TQ). Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó chủ tịch Hội DNHVNCLC, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, khẳng định chỉ sau 2-3 tháng, hàng Việt Nam sẽ có mặt trong các siêu thị của TQ.
PHÓNG VIÊN: - Xuất phát từ đâu Hội DNHVNCLC có ý tưởng này, thưa ông?
Ông NGUYỄN LÂM VIÊN: - Nhiều năm qua dòng chảy hàng hóa TQ tràn vào thị trường Việt Nam và các nước ASEAN với khối lượng rất lớn. Trong khi hàng Việt cũng như hàng hóa các nước khác có mặt ở TQ rất khiêm tốn.
Bên cạnh đó, các DN Việt đưa hàng sang TQ chủ yếu theo đường tiểu ngạch (biên mậu), nên hàng chỉ được chuyền qua các tiểu thương nhỏ để ra thị trường, không thể vào siêu thị vì không được kiểm định, không có hóa đơn VAT... Muốn đi bằng đường chính ngạch phải chuẩn bị đầy đủ các vấn đề liên quan đến pháp lý ở thị trường đó.
Từ suy nghĩ phải “lội dòng nước ngược đưa hàng Việt sang TQ”, từ đầu năm 2012 Hội DNHVNCLC đã đi tiên phong thực hiện dự án đưa hàng Việt vào siêu thị TQ. Theo đó, tháng 5-2012 chúng tôi đã tổ chức đưa một đoàn DN trong nước đi khảo sát thị trường TQ.
Tháng 7, đại diện của Hội đã sang Thượng Hải khảo sát nhằm xây dựng văn phòng đại diện của các DNHVNCLC, cùng với văn phòng hiện tại ở Quảng Châu. Một lượng hàng mẫu lớn của thực phẩm SG Foods, bột Tài Ký, bánh Ánh Hồng… đã được chào hàng trực tiếp đến các nhà phân phối lớn.
Riêng Vinamit, tháng 12 tới chúng tôi sẽ chính thức đưa cà phê nhãn hiệu Vinamit vào các hệ thống siêu thị tại TQ. Thật ra trước đó các loại trái cây sấy khô của Vinamit đã có mặt trên kệ nhiều siêu thị của TQ. Riêng Wall Mart doanh số đạt 3-5 triệu USD/năm.
- Để hàng Việt theo con đường chính ngạch đòi hỏi cần những yếu tố gì?
- Yếu tố đầu tiên và bắt buộc là DN phải có văn phòng kinh doanh tại đó. Vinamit đã có văn phòng ở Bắc Kinh và chúng tôi chuẩn bị mở một văn phòng ở Thượng Hải. Nhiều DNHVNCLC khác cũng đã mở văn phòng ở TQ như giày dép Biti's, Bita's, bút bi Thiên Long, cân Nhơn Hòa...
Ngoài ra, DN phải am hiểu thị trường. Khi hiểu được thị trường DN mới chịu tìm phương pháp, con đường để thâm nhập. Hội có nhiều phương pháp hỗ trợ, nhưng tất nhiên DN phải có năng lực để thích nghi với thị trường TQ. Điều quan trọng cần lưu ý là hàng hóa đưa sang TQ phải đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tại nước này để tránh bị xâm hại bản quyền. Hội sẽ hỗ trợ DN thực hiện việc này.
Nếu chúng ta chuẩn bị tốt, theo tôi chỉ mất 2-3 tháng là có thể đưa hàng sang siêu thị TQ. Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị để đưa hàng của một DN lớn ở Việt Nam sang siêu thị TQ và tôi cam kết ngày thứ 30 kể từ khi ký hợp đồng, sẽ đưa hàng của họ lên kệ siêu thị TQ và ngay ngày đầu tiên 100 siêu thị cùng có mặt sản phẩm. Dự kiến trong tháng 12 này sẽ chính thức ký kết triển khai.
Sản phẩm trái cây sấy khô của Vinamit tại Wal-Mart ở Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). |
- Để lội ngược dòng thành công đưa hàng Việt vào siêu thị TQ, cần vượt qua những trở ngại gì?
- Tôi cho rằng trở ngại lớn nhất là nhận thức của các DN. Bởi lẽ hiện nay nhiều DN chưa thay đổi được nhận thức khi nghĩ rằng đã có thị trường rộng lớn trong nước, chỉ cần chăm chút vào thị trường đó là đủ, không cần quan tâm đến thị trường bên ngoài.
Chúng ta không chỉ là doanh nhân của thị trường Việt Nam mà là doanh nhân của một thị trường rộng lớn hơn, ít nhất là thị trường ASEAN+1. Nếu nhận thức chuyển DN mới đi tìm đường. Nói một cách khác, khi thấy được đó là điểm lợi ích anh mới hăng say với công việc này.
Đưa hàng Việt vào siêu thị TQ là một phần của dự án phát triển thị trường ASEAN - TQ của Hội DNHVNCLC. Không chỉ là xuất khẩu thông thường qua các đối tác trung gian như trước, dự án này bao gồm đầy đủ các hoạt động quảng bá, tiếp xúc trực tiếp người tiêu dùng tại thị trường các nước.
Việc chủ động đưa hàng, tiếp thị, phân phối và làm chủ thị trường lân cận này, một mặt nhằm tận dụng những ưu đãi khi hàng rào thuế quan khu vực mậu dịch tự do ASEAN và TQ (ACFTA), đồng thời thiết lập một lá chắn kinh tế từ xa để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Trước đây, một số DN đã tự đi tìm đường và thường lặng lẽ vì sợ bị “giành mối”. Nhưng bây giờ nhìn thấy hàng hóa của các nước ASEAN khác đang chiếm nhiều chỗ trong siêu thị TQ, các DN này thấy rõ cần phải nắm tay, dựa lưng nhau cùng đi sẽ tận dụng được cơ hội, giảm thiểu rủi ro, dễ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng bảo vệ nhau.
Điều lưu ý nữa là lâu nay, DN Việt Nam đưa hàng qua đường tiểu ngạch vô hình trung hàng hóa Việt được định hình trong tư duy người tiêu dùng TQ là hàng cấp thấp, bình dân. Giờ cũng với hàng hóa, mẫu mã, thương hiệu đó nhưng đã thực hiện đầy đủ kiểm dịch, thuế, thủ tục hải quan, chúng ta không phải ngại gì cả.
Tuy nhiên, để làm được điều này, các DN phải dũng cảm cắt bỏ việc kinh doanh qua đường biên mậu để tạo ra con đường mới, hoặc phải đi song hành, tìm một đối tác mới, lập văn phòng chính thức bên đó.
Tôi nhấn mạnh yếu tố này bởi khi chúng tôi đưa ra dự án trên, hầu hết DN đều cho rằng đó là bài toán khó. Đúng là khó nếu chỉ nhận thức là doanh nhân của thị trường nội địa. Cần phải vượt qua tự ti này mới tạo đà phát triển cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
- Xin cảm ơn ông.