Hành trình chinh phục đỉnh Lùng Cúng 2913m

(ĐTTCO) -  Đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, với độ cao 2.913m so với mực nước biển nên khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù bao phủ, nằm trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Hành trình chinh phục đỉnh Lùng Cúng 2913m ảnh 1

Để chinh phục đỉnh Lùng Cúng, đoàn chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lúc 8h tối ngày thứ 6. Vượt qua gần 300 km đến thị trấn Tú Lệ vào lúc 3h sáng của ngày thứ 7, đoàn nghỉ ngơi tại homestay của người đại phương để tầm 7h sẽ bắt đầu hành trình leo núi.

Thời gian tối thiểu để leo Lùng Cúng sẽ là 2 ngày 1 đêm và theo 1 trong 3 cung đường khác nhau là bản Lùng Cúng, bản Tu San và bản Thào Chua Chải để lên đỉnh. Các trekkers thường chọn bản Tu San và đi về qua thung lũng Tà Cua Y và bản Thào Chua Chải để đi qua thác nước cũng như tận hưởng cảnh rừng núi đẹp nhất của cung leo.

Lùng Cúng có những vẻ đẹp riêng trong các mùa khác nhau. Tháng 1-3, có các loài hoa đặc trưng Tây Bắc, tháng 3-4 trời sẽ nhiều mây đẹp, tháng 9-10 có lúa Mù Cang Chải chín vàng hoặc tháng 10-12 vì có nhiều hoa dã quỳ kết hợp màu hoa tím nở rộ khắp các triền núi. Những ai chưa có kinh nghiệm nên nhớ tránh tháng 5-8 vì thời gian này là mùa mưa, thường xuyên xảy ra lũ, đường rất trơn trượt nguy hiểm, đường cũng dễ mất dấu dẫn đến sẽ bị lạc, không an toàn. Còn biển mây mùa nào cũng có nhưng săn được mây hay không thì lại là may mắn của mỗi người.

Từ trung tâm xã Nậm Có vào bản Lùng Cúng, khoảng 25km, đi hơn 1 tiếng đồng hồ bằng xe máy. Con đường dẫn từ trung tâm xã tới chân núi đã khiến cho những ai lần đầu đi thấy chấp chới bởi độ khó. Trời khô ráo còn dễ nếu có vài hạt mưa, đường đất nhầy nhụa, khiến cho những người ngồi sau co rúm người. Chặng đường thử thách đầu tiên cũng kết thúc, ai lấy thở phào nhẹ nhõm xốc lại tinh thần để chuẩn bị cho 1 hành trình leo núi mới bắt đầu.

Đoàn chúng tôi chọn đi hướng này bởi đây là cung có nhiều cây cổ thụ đẹp, có dòng suối mát lành. Đoàn chúng tôi có 18 người, mỗi người 1 ngành nghề, tụ hội đủ Bắc-Trung-Nam nhưng có chung 1 sở thích leo núi. Trong đoàn có nhiều người dày kinh nghiệm trekking nhưng cũng có người mới lần đầu được trải nghiệm. Nhưng khi đã là 1 tập thể cùng hướng về đỉnh núi, mọi người bám sát, động viên và tự bảo vệ lẫn nhau, động viên tinh thần để cùng vượt qua chặng đường dài phía trước.

Thử thách thực sự bắt đầu với đoàn chinh phục Lùng Cúng là 11km đi bộ lên đỉnh. Đây là đoạn đường có dốc cao, thẳng đứng. Nhiệt độ của những ngày cuối tháng 11 se lạnh, nhưng khi leo núi, cơ thể ấm lên, trang phục cũng được cởi bỏ dần. Càng lên cao, càng dốc nhưng leo dưới tán rừng già rợp bóng mát, khí hậu trong lành cũng khiến cho cơ thể dễ thích nghi và không bị quá mệt.

Đoàn đi qua qua rừng dẻ, rừng sồi với những cây cổ thụ cao, rồi tới con thác hai tầng được người dân địa phương gọi là thác Hấu Chua La. Ngoài biển mây trên đỉnh Lùng Cúng, con thác là điểm check in lý tưởng của đội leo núi.

Bữa trưa được ăn dưới tán cây rừng, bên dòng suối chảy róc rách. Mỗi phần ăn là một nắm cơm ăn với muối vừng và có vài miếng thịt nướng. Dù mệt nhưng ai cũng cố ăn để có sức leo tiếp. Bữa trưa diễn ra gọn nhẹ, ấm tình thân của những người xa lạ vừa mới bện hơi nhau.

Ngoài phương án ngủ qua đêm tại lán, nhiều nhóm chọn dựng lều ở ngay khu vực đất trống nằm cách đỉnh Lùng Cúng khoảng 20 phút leo để săn mây ngắm hoàng hôn và bình minh. Tuy nhiên, khu vực này là đất trống nên rất gió và về đêm rất lạnh, chỉ khoảng 5 độ C. Chỉ những trekkers kinh nghiệm và trang bị kỹ mới nên chọn phương án ngủ qua đêm ở đây.

Xuất phát từ 7 h sáng, đoàn chúng tôi đến lán dừng chân nghỉ đêm khoảng 2h chiều. Ở lán nghỉ đêm có đầy đủ chăn, đệm, nhà vệ sinh, nguồn nước, chỗ nấu ăn … do người dân bản địa tự làm để đón khách. Lúc này mọi người chọn cách nghỉ ngơi, những ai muốn ngắm hoàng hôn sẽ lại leo tiếp lên đỉnh. Còn sức yếu hơn thì để dành cho sáng hôm sau lên đón bình mình. Lúc này nhóm poster sẽ chuẩn bị bữa ăn tối cho cả đoàn.

Bên bếp lửa bập bùng, mùi thịt nướng thơm nức cùng chén rượu cay nồng, tiếng cười nói râm ran khiến cho mọi người thân thiết, cởi mở kể những câu chuyện về bản thân nhiều hơn. Tiệc dần tan, mọi người chìm vào giấc ngủ để dưỡng sức cho 4h30 sáng hôm sau dạy leo núi đón bình minh.

4h30 sáng, cả đoàn khám phá thức dậy vệ sinh cá nhân, uống cốc trà nóng và an tạm chút đồ ăn nhẹ để chuẩn bị tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh. Để chui được ra khỏi chiếc chăn ấm lúc sáng sớm như này phải là sự đấu tranh tư tưởng rất lớn. Cơ thể mệt rã rời, chân đau cứng, ngoài trời lạnh, vậy làm sao để vượt qua chính mình dành cho người mới leo lần đầu quả là thử thách lớn. Nhưng rồi ai cũng lấy mục tiêu chạm chóp nhọn trên đỉnh 2913m làm đích đến để thoát khỏi chỗ ngủ êm ái.

Trong bóng tối, đoàn người lẫm lũi bám nhau leo. Ánh sáng của đèn pin của người đi sau chiếu cho người đi trước, tiếng cười nói, tiếng thở dốc giữa rừng, tiếng động viên nhau cố lên khiến cho ai cũng thấy phấn chấn. Khi đi qua hết rừng trúc, nhiệt độ sẽ lạnh hơn bởi cây cối trên đỉnh nhỏ dần, thấp đi không còn che chắn được những cơn gió. Dân trekking thường đùa với nhau, để đón được bình mình và tắm trong biển mây trên đỉnh núi cần phải có “nhân phẩm” tốt. Và trong chuyến đi này, đoàn trúng tôi chưa được thỏa mãn như ý nguyện bởi trời mù sương, bình minh chưa ló rạng và biển mây cũng không xuất hiện. Tuy nhiên giữa bao la trời đất, hòa mình vào làn sương mù, thấp thoáng, ẩn hiện cũng hết sức thú vị.

Từ lán nghỉ đêm leo tới đỉnh rơi vào khoảng 1,5 tiếng. Dù không có đủ yếu tố như mong ước, nhưng cảnh sắc trên đỉnh cũng khiến bao trái tim chinh phục rung rinh. Qua khu vực lán nghỉ là khu rừng già rồi tới rừng trúc nhỏ. Gần tới đỉnh, bức tranh thiên nhiên thay đổi bất ngờ. Khu rừng già nhường chỗ cho các triền núi cỏ xanh và hoa trắng cùng những cơn gió mạnh.

Nếu ai may mắn sẽ được chứng kiến ánh mặt trời vàng rực từ từ nhô lên khỏi biển mây, khỏi những dải núi trùng điệp Tây Bắc. Khoảnh khắc ấy chỉ diễn ra trong chốc lát nhưng chắc chắn không ai có thể quên bức tranh phong cảnh núi rừng của Lùng Cúng lúc này đẹp huyền ảo không ngôn từ nào tả xiết.

Dù không may mắn được ngắm bình minh, hay biển mây, thì đoàn chúng tôi cũng đã hoàn thành sứ mệnh đặt chân tới khu vực đỉnh núi gắn chóp inox ghi độ cao 2.913m với sự chứng kiến của những cơn gió và làn sương mù giăng dày đặc. Dù gió lạnh là vậy nhưng mọi người không ai muốn về mà lán lại đôi chút. Ngồi trên những mỏm đá, co ro, xuýt xoa đưa đôi mắt phóng xa về phía chân trời, tranh thủ hít hương sắc của đất trời. Bởi không biết trước rằng liệu mình có còn cơ hội để quay lại Lùng Cúng lần 2 nên ai cũng cố gắng thưởng lãm, cảm thụ món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng.

Lùng Cúng hấp dẫn những người mê trekking bởi nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ và chưa có nhiều sự tác động của con người. Khí hậu trong lành với thảm thực vật phong phú, tại các vùng phụ cận còn có thêm các loài hoa rừng như hoa đỗ quyên, cây phong lá đỏ và một số loài hoa khác. Dịp này đoàn chúng tôi được đi dưới khu rừng này có lá phong vàng, đỏ như xứ ôn đới. Cuối mùa, lá phong đã rụng nhiều, khô giòn nên không còn những cây nguyên màu đỏ hay vàng rực. Song những khoảng trời xanh in lá phong rực rỡ trong nắng vẫn là dấu ấn đẹp nhất của Lùng Cúng./.

Đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, với độ cao 2.913m so với mực nước biển nên khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù bao phủ, nằm trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Bản Lùng Cúng là địa bàn sinh sống của hơn 300 hộ người Thái, có cả người Kinh.

Để leo núi an toàn, du khách cần rèn luyện thể lực trước chuyến leo núi ít nhất 3 tháng, đi theo nhóm đã quen biết trước để dễ dàng phối hợp khi có tình huống xảy ra.

Đặc biệt, phải chuẩn bị đầy đủ đồ đạc như quần áo giữ ấm, chống thấm, mũ, găng tay, giày leo núi, áo mưa, kem chống vắt, thuốc cá nhân, gậy leo núi, đèn pin, bản đồ GPS, nước tăng lực..., chuẩn bị kỹ năng sống trong rừng và... mua bảo hiểm.

Các tin khác