Hãy hành động ngay

(ĐTTCO) - Chiều 26-9 nhiều khu vực ở TPHCM lại mù mịt sương mù. Website giám sát chất lượng không khí Air Visual trong thời gian này cảnh báo không khí TPHCM liên tục ở mức ô nhiễm nặng. 
Hãy hành động ngay
Đây là mức thuộc nhóm có hại cho sức khoẻ của người dân. Nhiều người lại bắt đầu hối nhau về nhà sớm, nhắc nhau đeo khẩu trang… Thế nhưng, trách ai bây giờ khi mà chính chúng ta gây ra hiện tượng này. Ngày 25-9, Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã có kết luận cho tình trạng sương mù ô nhiễm trong những ngày qua.
Theo đó, “nguyên nhân là do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, kết hợp với độ ẩm không khí cao gây tích tụ, ngưng kết các chất ô nhiễm sẵn có trong không khí tạo ra hiện tượng mù quang hóa. Hiện tượng này thường xảy ra định kỳ 6-7 ngày trong tháng 9, tháng 10 hàng năm, khi gió mùa Tây Nam suy yếu và khối không khí lạnh từ phía Bắc được khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt trong phạm vi nội thành dẫn đến sự hình thành mù quang hóa”.
Như vậy đã rõ, gió mùa Tây Nam cũng như khối không khí lạnh phía Bắc sẽ chẳng thể gây ô nhiễm môi trường nếu không gặp các chất ô nhiễm có sẵn trong không khí - do hoạt động của con người thải ra.
Các chất ô nhiễm do hoạt động của con người thải ra là gì? Đối với các thành phố lớn như TPHCM, nguồn thải chính là từ khói thải của các phương tiện giao thông, khói từ hoạt động sản xuất công nghiệp; bụi chủ yếu do hoạt động xây dựng, làm nhà, làm đường…
Từ nhiều năm trước, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường này ở TPHCM song dường như chúng chưa được quan tâm giải quyết đúng mức. TPHCM đã và hiện vẫn còn kế hoạch kiểm soát hoạt động của các phương tiện xe cơ giới cá nhân; phát triển vận tải công cộng với việc đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường để dần thay thế xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch… 
Thế nhưng, kế hoạch kiểm soát hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân vẫn còn… nghiên cứu. Hoạt động của xe buýt ngày càng teo tóp. Xe buýt sử dụng khí CNG làm nhiên liệu gặp khó khi đối mặt với nguy cơ tăng giá nhiên liệu. Ngành chức năng thiếu nỗ lực, thiếu sự kiên trì, bản lĩnh để đeo đuổi các kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm không khí do khói thải xe đã đành, nhưng cộng đồng cũng có phần trách nhiệm khi viện đủ lý do không thuận tiện để từ chối đi xe công cộng.
Nhiều người đề nghị ngành chức năng tổ chức tốt hoạt động của xe công cộng, rồi họ sẽ đi. Đó là đề xuất không khả thi bởi trong bối cảnh xe cá nhân ken cứng như hiện nay, việc phát triển vận tải công cộng không song hành với giảm xe cá nhân là không thể. Chỉ có giải pháp cùng chia sẻ, cùng hướng tới lợi ích chung, cùng hỗ trợ cho vận tải công cộng phát triển thì mới có hướng ra cho vấn đề này.
TPHCM đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Do vậy, bụi, cát thải ra từ hoạt động xây dựng rất lớn. Theo quy định, công trình xây, sửa phải che chắn, phải tưới nước để ngăn bụi song nhiều nơi đã không chấp hành nghiêm. Xung quanh rất nhiều khu vực xây dựng luôn có bụi mù mịt.
Cũng vậy, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội thành, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất để hạn chế đến mức tối đa khí thải cũng như chất thải công nghiệp gây hại cho môi trường. Thế nhưng, vẫn còn không ít cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư. Họ hàn, xì, đục, đẽo… bất kể những người xung quanh.
Một chuyên gia về đô thị đã nhận xét, khác với nhiều nguy cơ khác, ô nhiễm môi trường không làm cho người ta thấy ngay hậu quả. Do vậy, nhiều người chủ quan, lơ là thậm chí coi thường các cảnh báo ô nhiễm môi trường. Ngay như tình trạng ô nhiễm bụi mịn mà chúng ta đang gánh chịu… có thể vài hôm nữa sẽ hết và người ta sẽ lại quên ngay những tác hại của hiện tượng này, dẫu rằng nó vẫn âm thầm “ở lại” tàn phá môi trường cũng như cơ thể của chính chúng ta.
Hãy hành động ngay, trong khả năng của mình… đó là sự lựa chọn của chính chúng ta. Đừng để đến khi phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình, của người thân trong gia đình, lúc đó hối hận cũng đã muộn.
 Chỉ số AQI ở Hà Nội tiếp tục tăng
Ngày 26-9, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, việc tổ chức Air Visual đưa Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới là đánh giá không khách quan.
Theo đó, hệ thống quan trắc không khí tự động của Air Visual tại 10.000 thành phố trên thế giới sáng 26-9 ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội ở ngưỡng 170 và là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Trước chỉ số trên, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng, Air Visual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ. Đây cũng là trạm quan trắc duy nhất chỉ tiêu bụi PM 2.5, nằm trên trục giao thông chính, gần ngã tư Phố Láng Hạ - Đê La Thành và xung quanh đang có các công trình xây dựng với quy mô lớn. Vì vậy, không thể đại diện cho toàn địa bàn TP Hà Nội, chỉ mang tính đại diện cho duy nhất 1 địa điểm quan trắc.
Trong khi đó, theo kết quả quan trắc không khí tự động được công bố trên cổng thông tin điện tử của Hà Nội cho thấy chỉ số AQI ngày 26-9 là 157, tăng hơn 2 ngày trước đó (ngày 25-9 AQI là 132 và 24-9 là 127). Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và vào những thời điểm chuyển mùa. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua. Số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội trong những ngày qua cho thấy, chất lượng không khí của Hà Nội, ở nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức kém, chủ yếu là ô nhiễm bụi. Nồng độ bụi chỉ tăng cao tức thời ở một vài thời điểm trong ngày. 
Tuy nhiên do điều kiện khí tượng thời tiết không thuận lợi, xuất hiện hiện tượng sương mù bao phủ toàn thành phố kéo dài liên tục trong nhiều ngày nên bụi không thể thoát lên trên pha loãng, hoặc bị vận chuyển đi nơi khác mà bị giữ lại tại lớp không khí gần mặt đất nên chất lượng không khí trên toàn thành phố giảm xuống.
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội lý giải thêm, những ngày vừa qua, ở Hà Nội, đêm và ngày không có mưa, lặng gió (tốc độ gió thấp từ 0,1-2 m/s), ban ngày trời nắng, nền nhiệt tăng cao; về đêm trời dịu mát nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm luôn xuất hiện 1 lớp sương mù thấp bao phủ. Trong khi đó, các loại khí thải và khói bụi vẫn liên tục thải ra môi trường hàng ngày. Mặt khác do tốc độ gió thấp dẫn đến sự phân tán ô nhiễm không khí kém, sự đối lưu không khí giữa các tầng giảm. Do đó, không khí không thể thoát lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại lớp không khí sát mặt đất, làm tăng nồng độ bụi.
MINH KHANG

Các tin khác