(ĐTTCO) - Hội thảo "Điều kiện kinh doanh (ĐKKD): Nhận diện và kiến nghị" vừa được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp - Luật Đầu tư tổ chức mới đây, được ví như màn đấu tố, xả hơi của doanh nghiệp, khi những bức xúc về nhiều ĐKKD bất hợp lý đã không được sửa đổi, lại chuẩn bị “lên đời” từ thông tư lên nghị định.
Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Đông Tùng (Hà Giang), cho rằng Nghị định 19 của Chính phủ về kinh doanh do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo đã đưa ra một số quy định vô lý. Đó là mỗi doanh nghiệp phân phối gas phải có đủ 100.000 bình gas loại 12kg, đảm bảo dung tích tối thiểu lưu thông 2,62 triệu lít, tổng sức chứa bồn gas tối thiểu 300m3. Sự vô lý nằm ở hàng loạt câu hỏi: Tại sao các tỉnh miền núi, hải đảo, dân số ít, thu nhập thấp mà bắt buộc đầu tư số lượng vỏ bình bằng tỉnh có dân số lớn? Quy định như vậy có phù hợp quy luật thị trường, cơ sở khoa học nào để áp đặt các con số đó?...
Đó là đối với văn bản đã "lỡ" ban hành, với những dự thảo nghị định khác, việc cài cắm các ĐKKD không phù hợp quy luật kinh tế còn nhiều hơn nữa. Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thiên An Phúc, phàn nàn: “Thông tư 20 của Bộ Công Thương quy định doanh nghiệp muốn nhập khẩu ô tô phải đáp ứng điều kiện được chỉ định hoặc ủy quyền của chính hãng. ĐKKD này đã trói doanh nghiệp nhập khẩu, bởi lẽ khó đáp ứng được tiêu chuẩn, trong khi các hãng nước ngoài lại ung dung đặt đại lý ở Việt Nam mà "không mất 1 đồng làm thị trường". Nếu mục tiêu là giảm nhập siêu, ĐKKD nêu trên cũng không đạt được, thể hiện qua con số: Năm 2010, 2011 nhập khẩu ô tô khoảng 1 tỷ USD, sau khi Thông tư 20 ra đời năm 2014, con số này là 1,5 tỷ USD, năm 2015 là 2,5 tỷ USD. Vậy lợi nhuận của việc nhập khẩu này rơi vào túi ai? Người Việt Nam hay các tập đoàn nước ngoài? Vậy mà sự bất cập này lại đang chuẩn bị được nâng lên thành nghị định”.
Trong khi đó, đại diện Ban Pháp chế (VCCI) liệt kê hàng loạt “hạt sạn” tại các dự thảo nghị định. Thí dụ, dự thảo nghị định về ngành nghề an ninh, trật tự, quy định: Người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phải có chứng chỉ hành nghề tư nhân phù hợp. Sự bất hợp lý nằm ở chỗ, người đứng đầu có thể chỉ cần giỏi kinh doanh, quản trị, điều hành và không nhất thiết phải quá chuyên sâu chuyên môn như người trực tiếp làm nghề. Còn dự thảo nghị định về ĐKKD lĩnh vực tài nguyên môi trường quy định: Chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản... phải nắm vững kiến thức pháp luật về khoáng sản và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thăm dò khoáng sản; có khả năng tổ chức, triển khai tuần tự các hạng mục công việc của đề án thăm dò khoáng sản. Câu hỏi đặt ra là tiêu chí nào để biết một người có nắm vững kiến thức và có khả năng tổ chức hay không? Hay dự thảo nghị định về ĐKKD mũ bảo hiểm yêu cầu: Có hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu. Điều kiện đối với nhà sản xuất với nhập khẩu và phân phối giống như câu chuyện con gà và quả trứng cái nào có trước.
![]() |
Điều đáng lo ngại, những rào cản này có thể thành hiện thực khi đến ngày 31-5, trong tổng số 49 nghị định có 38 dự thảo nghị định đã trình Chính phủ, 11 dự thảo chưa trình. Khoản 5, Điều 7 về “Ngành, nghề và ĐKKD”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định rõ: "Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD”. Trước đó, Luật Doanh nghiệp năm 1999 và các hướng dẫn cũng quy định rõ các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành. Luật Đầu tư 2014 cũng tái khẳng định quan điểm này. Thế nhưng, sau 16 năm, số giấy phép con, tức ĐKKD do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến vài ngàn ĐKKD trái luật.
Rõ ràng, việc loại bỏ các ĐKKD vô lý đang thực sự là cuộc chiến khốc liệt. Bởi lẽ, doanh nghiệp không chỉ đối mặt những ĐKKD tại thông tư ban hành trái luật mà còn ở nghị định trái luật và ngay cả luật trái luật. Cuộc chiến này nếu không có sự quyết tâm, tỉnh táo của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ hệ lụy của những ĐKKD phi thị trường này.