Cụ thể, sự cố trên tuyến cáp AAG trên nhánh S1i hướng Việt Nam-Hong Kong đã được khôi phục xong vào lúc 2 giờ 40 phút ngày 25/9. Trong khi đó, với nhánh S2 hướng Hong Kong-Philippines, mối hàn đầu tiên dự kiến được thực hiện vào ngày 27/9 và mối hàn cuối cùng sẽ được hoàn tất vào ngày 29/9.
Sau khi nhánh S1i được hoàn tất, phía Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho biết đã khôi phục 85% lưu lượng trên AAG (tương đương với 640G lưu lượng trên tổng số 700G lưu lượng bị mất).
Trong khi đó, một nguồn tin khác cho phóng viên VietnamPlus hay, tuyến cáp Liên Á (IA) dự kiến bắt đầu sửa chữa từ 26/9 và hoàn thành vào ngày 30/9.
Như vậy, tới hết Chín, các tuyến cáp quang biển quốc tế gặp sự cố vào ngày 27/8 dự kiến đều được xử lý xong, giúp các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam thêm lựa chọn để phục vụ khách hàng. Thực tế cũng cho thấy, khi các tuyến cáp này “có vấn đề,” các ISP cũng đã nhanh chóng định tuyến sang các tuyến cáp trên đất liền hoặc cáp quang biển khác, khiến Internet từ Việt Nam đi quốc tế vẫn khá ổn định.
AAG được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2009 có tổng chiều dài 20.191 km và tổng dung lượng lên đến 2Terabit/giây có tổng vốn đầu tư 560 triệu USD. Tuyến AAG có các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Currimao (Philippinnes), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)…Tuyến AAG cập bờ Việt Nam tại Vũng Tàu, nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Trong khi đó, IA được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009 với tổng chiều dài là 6.800km, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản. Tại Việt Nam, tuyến cáp quang sẽ cập bờ tại Vũng Tàu. Hệ thống có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84Tbit/giây với tổng vốn đầu tư ban đầu cho tuyến cáp này là 200 triệu USD./.