Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều trường hợp sau khi test nhanh dương tính đã không thông báo với y tế cơ sở mà tự điều trị theo các toa thuốc lan truyền trên mạng. Chuyên gia y tế cảnh báo, việc tự dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ là rất nguy hiểm.
Người dân mua thuốc tại một cửa hàng trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Săn lùng thuốc phòng thân
Sau khi thực hiện test nhanh và có kết quả dương tính với Covid-19, anh Đào Văn Quang (ngụ quận 8) đã tự cách ly, điều trị tại nhà. Không thông báo với y tế phường, anh Quang nhờ người thân ra nhà thuốc mua gói thuốc A về uống, kết hợp với các biện pháp như xông hơi, khò họng.
Chia sẻ lý do, anh Quang cho hay: “Tôi đã tiêm 2 mũi vaccine, triệu chứng cũng nhẹ nên tự mua thuốc uống, không cần phải liên hệ với y tế địa phương cho thêm phần rắc rối”. Cũng có người nhà dương tính với Covid-19, không được y tế cơ sở cấp phát thuốc, nghe lời mách nước của người quen, chị Phạm Ngọc Linh (ngụ phường Phước Long B, TP Thủ Đức) lên mạng xã hội tìm mua thuốc kháng virus “chợ đen”. Sau nhiều lần giao dịch, chị Linh mua được 40 viên thuốc Favipiravir 200mg do Ấn Độ sản xuất với giá gần 6 triệu đồng.
“Bố mẹ tôi đã lớn tuổi, dù chưa có triệu chứng nguy hiểm nhưng tôi phải mua thuốc phòng hờ để có thể sử dụng lúc cần kíp”, chị Linh nói.
Ngoài thuốc kháng virus, thời gian qua nhiều người dân đã săn lùng các loại thuốc kháng đông như Rivaroxaban và thuốc kháng viêm như Examethasone, Prednisolone, Methylprednisolone để “thủ” khi cần. Anh Hải Minh (ngụ quận 7) chia sẻ: “Bây giờ F0 trong cộng đồng rất nhiều, việc mình bị lây bệnh là chuyện sớm hay muộn thôi, vì thế cứ phải chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc để phòng hờ”.
Thông tin từ Bộ Y tế, thời gian qua, tình trạng nhiều người dân tự test nhanh dương tính với Covid-19, không thông báo với y tế địa phương mà tự mua thuốc, điều trị tại nhà xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng xác nhận tình trạng trên và cảnh báo, việc người dân không thông báo hay không được ghi nhận, không được cấp thuốc điều trị phù hợp dễ gây nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng; thiệt thòi cho bản thân và gia đình.
“Không phải tất cả F0 đều được cấp túi thuốc mà tùy vào tình trạng, triệu chứng nhân viên y tế sẽ có chỉ định cụ thể. Nếu không được cấp thuốc thì F0 vẫn có quyền lợi khác nếu khai báo cho ngành y tế như chăm sóc và can thiệp kịp thời khi có triệu chứng trở nặng, chuyển viện sớm”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm thông tin.
Nguy hiểm khi sử dụng thuốc không hợp lý
Trước thực trạng nhiều người dân tự ý mua thuốc theo các toa thuốc truyền tai, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu việc dùng thuốc không hợp lý, không đúng thời điểm.
Cụ thể, 3-5 ngày đầu sau khi nhiễm Covid-19 là giai đoạn cơ thể đề kháng ngăn chặn sự nhân lên của virus trong cơ thể. Giai đoạn này cần sử dụng 2 nhóm thuốc: nhóm thuốc điều trị triệu chứng và nhóm thuốc kháng virus. Người bệnh có triệu chứng sốt cao, đau họng, nhức mỏi cơ thì cần uống thuốc điều trị các triệu chứng này. Nhóm thứ hai là thuốc kháng virus để ngăn chặn sự nhân lên của virus. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần bổ sung các loại vitamin, thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Nhân viên y tế phường 25, quận Bình Thạnh hướng dẫn người dân cách sử dụng thuốc điều trị Covid-19 tại nhà
“Giai đoạn này tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng viêm (corticoid), nếu không sẽ làm giảm hệ thống miễn dịch, giúp virus phát triển mạnh hơn trong cơ thể khiến bệnh nặng hơn. Chưa kể, tác dụng phụ của corticoid cũng gây nên các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Ví dụ những người bị loét tá tràng, khi uống corticoid vào sẽ có nguy cơ gây xuất huyết tiêu hóa”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Theo bác sĩ Vĩnh Châu, các loại thuốc kháng viêm, kháng đông chỉ nên sử dụng khi bệnh chuyển sang giai đoạn 2 (từ ngày thứ 7 trở đi), nghĩa là bắt đầu có những tổn thương do virus gây ra cho cơ thể như suy hô hấp, rối loạn đông máu… Song, việc sử dụng các loại thuốc này như thế nào, liều lượng ra sao phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Khi người bệnh có triệu chứng suy hô hấp, tổn thương phổi, SpO2 thấp, các bác sĩ sẽ xem xét và quyết định có sử dụng thuốc kháng đông, kháng viêm hay không. Việc sử dụng kháng viêm, kháng đông cần được theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ, biến chứng của nhân viên y tế, đặc biệt thuốc kháng đông, nếu sử dụng bừa bãi có thể xuất huyết dữ dội, ảnh hưởng tính mạng người bệnh.
Một loại thuốc mà nhiều người dân thường mua về sử dụng không hợp lý theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu là các loại kháng sinh. Covid-19 là do virus SARS-CoV-2 gây ra, không cần sử dụng kháng sinh. Kháng sinh chỉ được bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân phải thực hiện các thủ thuật xâm lấn như thở máy… Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi không chỉ gây nên tác dụng phụ như ngứa, nổi mề đay, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa… mà còn có thể dẫn đến kháng thuốc.
“Đối với bất cứ bệnh lý nào thì thuốc cần uống đúng người, đúng thời điểm. Không có toa thuốc dùng chung cho tất cả mọi người. Có những toa thuốc hiệu quả với người này nhưng sử dụng cho người khác lại có biến chứng, do đó người dân cần cẩn trọng trong việc dùng thuốc”, bác sĩ Vĩnh Châu khuyến cáo.
Khi tự test nhanh dương tính, người dân cần: thông báo cho nhân viên y tế cơ sở để được tư vấn, theo dõi chăm sóc tại nhà; liên lạc với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành của tổng đài 1022 để được tư vấn; tham khảo thông tin từ các tờ rơi, hướng dẫn của ngành y tế thành phố để hiểu và không hoang mang. |