Hiệu quả quảng bá?

Một sự kiện văn hóa nổi bật trong những ngày đầu xuân: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và Liên hoan thơ quốc tế châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức cả tuần lễ tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Hơn 100 đại biểu các nước đã về dự, được chúc tụng khá tưng bừng. Không khí háo hức không chê vào đâu được, nhưng thực chất cuộc gặp gỡ quy mô này vẫn mang nhiều ẩn số. Bởi lẽ, hầu hết các nhà văn, nhà thơ của chúng ta tham gia sự kiện đều không biết ngoại ngữ. Do đó, ngoài chuyện chụp hình lưu niệm, phần giao lưu và học hỏi rất hạn chế.

Một sự kiện văn hóa nổi bật trong những ngày đầu xuân: Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và Liên hoan thơ quốc tế châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức cả tuần lễ tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Hơn 100 đại biểu các nước đã về dự, được chúc tụng khá tưng bừng. Không khí háo hức không chê vào đâu được, nhưng thực chất cuộc gặp gỡ quy mô này vẫn mang nhiều ẩn số. Bởi lẽ, hầu hết các nhà văn, nhà thơ của chúng ta tham gia sự kiện đều không biết ngoại ngữ. Do đó, ngoài chuyện chụp hình lưu niệm, phần giao lưu và học hỏi rất hạn chế.

Quá trình hội nhập văn hóa, ngoại ngữ đang trở thành vấn đề quan trọng bậc nhất. Gọi là Liên hoan thơ quốc tế, nhưng ta đọc ta nghe còn Tây đọc Tây nghe, tránh sao khỏi những bất cập và chông chênh về thẩm mỹ. Bây giờ cũng có nhiều tác giả đầu tư in tác phẩm song ngữ, nhưng phần dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp đều nhờ người khác làm thay. Vì vậy, chính tác giả cũng không biết tác phẩm của mình khi chuyển sang ngoại ngữ sẽ thay đổi hay hao hụt về nội dung ra sao.

Văn học là bộ môn đặc thù ngôn ngữ quốc gia. Quá trình quốc tế hóa không đơn giản chút nào. Lâu nay chúng ta chủ yếu dịch của thiên hạ, nên không thể xác định vị trí của mình trên bản đồ văn học nhân loại. Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới là một chủ trương tốt, nhưng không thể tiến hành một cách ồn ào và sốt ruột. Khi các nhà văn, nhà thơ chưa kịp trang bị trình độ ngoại ngữ, việc cần thiết phải xây dựng đội ngũ dịch thuật chuyên nghiệp vừa có tâm vừa có tầm mới mong mang cái hay, cái đẹp của văn học Việt Nam đến với bạn bè 5 châu.

Không chỉ ở văn học, khi giao lưu quốc tế ngoại ngữ cũng là rào cản đối với những nhà hoạt động nghệ thuật khác. Hội họa, điêu khắc hay múa ít bị chi phối bởi ngoại ngữ trong quá trình chuyển tải giá trị tác phẩm, còn sân khấu hay điện ảnh phải cần có ngoại ngữ dẫn đường. Nếu đóng cửa khen nhau không cần ngoại ngữ, nhưng đã có khát vọng chinh phục bên ngoài biên giới, chính các tác giả hay các nghệ sĩ cần xem ngoại ngữ như một công cụ trợ giúp hiệu quả. Thật buồn cười, khi giao lưu quốc tế, mà cả chủ lẫn khách chỉ biết nhìn nhau cười hoặc luôn miệng “yes, yes” rồi “no, no” một cách gượng gạo.

Các tin khác