Hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập

TLS: Hôm nay 27-8, Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu năm 2015 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Hội nhập và phát triển bền vững” diễn ra tại Thanh Hóa, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì. ĐTTC trích giới thiệu ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hội nhập.

TLS: Hôm nay 27-8, Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu năm 2015 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Hội nhập và phát triển bền vững” diễn ra tại Thanh Hóa, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì. ĐTTC trích giới thiệu ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hội nhập.

Thực trạng DN khi mở cửa

 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và có hiệu quả là một trong những định hướng quan trọng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta.

Thời gian qua, Chính phủ đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, trong đó đáng kể là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và 10 hiệp định thương mại tự do (FTA). Sắp tới đây sẽ là những FTA thế hệ mới với một loạt đối tác thương mại hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU… được ký kết.

Các hiệp định này mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho DN Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn. Đồng thời thông qua việc thực thi các cam kết trong đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để DN tự do sáng tạo, kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước.

Dù vậy, một thực tế đầy lo ngại là dường như những lợi ích tiềm tàng to lớn từ những hiệp định, thỏa thuận thương mại này đã chưa được hiện thực hóa bao nhiêu. Ở thị trường xuất khẩu, chỉ mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA.

 Trong khi đó thị trường nội địa lại chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của hàng hóa, dịch vụ nước ngoài. Trong khi DN nước ta sau 2 thập niên hội nhập - tính từ thời điểm gia nhập ASEAN - đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả.

Lời giải cho bài toán này trước hết nằm ở DN, trong việc tìm biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập. Dù vậy, từ góc độ khác, sự hỗ trợ từ Nhà nước rất cần thiết để DN Việt Nam, vốn còn nhỏ bé, non trẻ và yếu ớt trong cuộc chơi với các đối thủ sừng sỏ, dày dạn kinh nghiệm, có thể tồn tại, lớn lên kiên cường và cạnh tranh sòng phẳng trong nền kinh tế toàn cầu hóa.

Nhiều việc phải làm

Các cán bộ đàm phán và thực thi là những người hiểu rõ và chính xác nhất về các cam kết, vì vậy có thể giải thích, tư vấn tốt nhất cho DN. Tuy nhiên, không phải lúc nào VCCI cũng nhận được sự phối hợp, hỗ trợ về chuyên môn của các cán bộ, cơ quan trong việc giải đáp vướng mắc, tư vấn cho DN; mọi sự phối hợp, nếu có, đều phụ thuộc vào sự thiện chí của cá nhân từng cán bộ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoàn toàn không có cơ chế phối hợp chắc chắn, thường xuyên và ràng buộc nào.

Trong quá trình hội nhập, thể chế kinh tế cũng như cách thức quản lý nhà nước về kinh tế có nhiều thay đổi theo hướng giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào các lĩnh vực trong nền kinh tế thị trường; giải phóng sức sáng tạo và khả năng kinh doanh của người dân, DN và tăng cường tính chủ động, liên kết của DN thông qua các hiệp hội - tổ chức tập hợp và đại diện cho tiếng nói của các DN.

Thực tế DN Việt Nam đã có sự lớn mạnh, phát triển không ngừng từ thời điểm gia nhập WTO năm 2007, cả về số lượng và phạm vi cũng như năng lực hoạt động. Trong khi đó kỳ vọng về vai trò và hiệu quả của các hiệp hội DN trong việc hỗ trợ DN hội nhập cũng như làm cầu nối giữa Nhà nước với DN, những gì đã đạt được còn rất hạn chế.

Các hiệp hội DN hiện nay đa phần chưa bền vững, thiếu về nguồn lực (nhân lực, vật lực) và yếu về năng lực (đặc biệt trong việc hỗ trợ DN giải quyết các vấn đề về chính sách cũng như các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế).

Đặc biệt Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa một loạt FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, mức độ cam kết sâu, những cơ hội và thách thức đối với DN sẽ càng lớn. Do đó, vấn đề thông tin, hỗ trợ, tư vấn cho DN càng cần được nhấn mạnh. Theo đó, cần thiết phải có sự thay đổi về chất trong hoạt động hỗ trợ, cung cấp thông tin, tư vấn cho DN về các cam kết thương mại.

Thời gian qua VCCI đã có nhiều hoạt động nhằm kết nối, trợ giúp DN, như làm đầu mối nghiên cứu, hỗ trợ DN trong tham vấn đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực hội nhập và thương mại quốc tế cho DN… Tuy vậy, hiệu quả của sự hỗ trợ trên chưa được như mong muốn.

Trước thực trạng này, VCCI mong Quốc hội và Chính phủ có các biện pháp thích hợp để khắc phục những hạn chế thời gian qua, từ đó tăng cường hiệu quả thực chất của những hoạt động hỗ trợ DN hội nhập. Theo đó, hỗ trợ về nguồn lực cho các đầu mối cung cấp thông tin, tư vấn hội nhập tương tự Trung tâm WTO - VCCI. Nhấn mạnh hơn nữa yêu cầu công khai minh bạch nhanh chóng và kịp thời các nội dung cam kết FTA tới người dân, DN (gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan trong việc công khai thông tin này).

Đặt ra cơ chế phối hợp bắt buộc giữa các cơ quan có chuyên môn về các cam kết hội nhập với các đầu mối cung cấp thông tin, tư vấn cho DN, kịp thời hỗ trợ DN trong những vấn đề đòi hỏi chuyên môn sâu của cán bộ đàm phán, thực thi. Thiết lập các đầu mối có thẩm quyền trong việc hướng dẫn, giải thích nội dung các cam kết một cách chính thức cho các DN.

Các hiệp định mở cửa thương mại thời gian qua và những FTA thế hệ mới sắp tới chắc chắn sẽ là động lực mới, mang theo những cơ hội chưa từng có cho nền kinh tế và các DN Việt Nam. Dù vậy, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để những cơ hội đó không bị chuyển hóa thành thách thức mà thực sự trở thành hiện thực. DN sẽ phải là những người đầu tiên cần thay đổi, cải thiện năng lực cạnh tranh sẽ phải là việc tiên quyết phải làm, nhưng Nhà nước cũng phải làm nhiều việc nhằm giúp DN có thể vững chãi tiến lên trên con đường hội nhập.

Các tin khác