Hỗ trợ mô hình nhượng quyền bán lẻ

PHÓNG VIÊN: - Theo bà, các nhà phân phối nội có thể sử dụng mô hình nhượng quyền để mở rộng hệ thống của mình?

(ĐTTCO) - Nhượng quyền trong lĩnh vực bán lẻ để mở rộng hệ thống cho các nhà bán lẻ nội, giúp tăng sức cạnh tranh với nhà bán lẻ ngoại đang là một trong những ý kiến nhận được sự quan tâm. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN PHI VÂN (ảnh), chuyên gia trong lĩnh vực nhượng quyền và bán lẻ, về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Theo bà, các nhà phân phối nội có thể sử dụng mô hình nhượng quyền để mở rộng hệ thống của mình?  

Bà NGUYỄN PHI VÂN: - Nhượng quyền có thể trở thành mô hình phát triển giúp DN bán lẻ nội phát triển được ở thị trường trong nước cạnh tranh với nước ngoài.  Đây là một mô hình nhiều DN bán lẻ nước ngoài đã sử dụng không những ở thị trường của họ mà trên toàn thế giới. Chính vì thế Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng, nhưng hiện thị trường nhượng quyền ở Việt Nam còn rất mới mẻ nên sẽ có 3 khó khăn chính. Thứ nhất, phải bàn về kiến thức, kinh nghiệm của các nhà bán lẻ nội địa trong việc sử dụng mô hình nhượng quyền. Họ chưa làm bao giờ nên sẽ lúng túng. Vậy giải pháp là gì? Các DN cần phải có sự hỗ trợ về kiến thức, cần một nhóm cố vấn có nhiều trải nghiệm về nhượng quyền giúp xây dựng mô hình. Với kinh nghiệm của mình, tôi phải nói thẳng khi sử dụng mô hình nhượng quyền không thể vừa học vừa làm mà phải học và làm thật chuyên nghiệp, còn vừa học vừa làm, làm tới đâu sửa tới đó nguy cơ thất bại rất cao.

Thứ hai, cũng vì thị trường mới nên người đi mua nhượng quyền chưa thực sự hiểu làm đối tác nhượng quyền là làm như thế nào. Khi chưa trải nghiệm thường có tâm lý hào hứng, tưởng rằng đây là cách kiếm tiền nhanh, nhưng nhượng quyền không phải cách kiếm tiền nhanh chóng mà phải bình tĩnh, đi với nhau một đoạn đường dài. Nếu không nhìn ra vấn đề như vậy sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa 2 bên, kiện tụng và nhiều thương hiệu sẽ phải đóng cửa. Chính vì thế, Việt Nam phải ngay lập tức có những kênh thông tin giúp họ hiểu như thế nào là nhượng quyền và như nào là nhượng quyền đúng, có như vậy mới giúp cho cả ngành bán lẻ.

Thứ ba, muốn thị trường nhượng quyền phát triển phải có sự hỗ trợ của ngành tài chính. Ở nước ngoài, tất cả ngân hàng, tổ chức cho vay tài chính đều làm việc chặt chẽ với DN nhượng quyền để cho người mua nhượng quyền vay tiền nhằm phát triển, ở Việt Nam chưa có giải pháp này, nên thường phải mong chờ người có vốn tự có. Tuy nhiên, vốn tự có thường khó phát triển nhanh, mạnh. Theo tôi, các DN bán lẻ nội, hiệp hội phải ngồi lại với nhau và đặc biệt Nhà nước phải có chính sách để kết nối ngành bán lẻ và ngành tài chính.

- Ngoài chưa có kinh nghiệm, việc thương hiệu DN bán lẻ nội chưa thực sự mạnh có phải là một rào cản khác, thưa bà?

- Mô hình nhượng quyền rất linh hoạt, có thể là DN trải nghiệm 20 năm hay có thể DN chỉ hoạt động 1 năm đều sử dụng được. Nó chỉ khác nhau nếu có kinh nghiệm trải nghiệm dài sẽ giúp DN góp nhặt kinh nghiệm tốt nhất để tạo ra sự vận hành thuận lợi hơn cho đối tác, nhưng điều đó không hoàn toàn đảm bảo thành công. Bản thân DN phải tái cấu trúc để có một “cơ thể khỏe”, từ đó mới xây dựng nền tảng kinh doanh cho đối tác tốt, hỗ trợ đối tác tốt nhất. Có thể nói nhượng quyền là con đường dài, không dễ đi nên để DN bán lẻ có thể đi được con đường này không thể để họ tự đi, tự làm tự sửa, mà phải có một nhóm cố vấn giàu kinh nghiệm hỗ trợ, còn DN phải thay đổi tư duy nếu muốn đi nhanh. Vì ngành bán lẻ Việt Nam không còn nhiều thời gian nữa.

Chúng ta phải có một dự án “cấp cứu” ngành bán lẻ, các bên liên quan phải ngồi lại tìm ra giải pháp, nhưng quan trọng người đứng đầu phải  am hiểu về ngành và thực sự muốn có những thay đổi đột phá cho ngành. Nếu có ai ngỏ lời, tôi sẵn sàng tham gia hỗ trợ, thậm chí tôi có thể mời thêm các chuyên gia quốc tế nhiều kinh nghiệm khác, tôi về Việt Nam để hỗ trợ các DN Việt, nhưng dù đã đi gõ cửa nhiều nơi nhưng lại chưa thể hợp tác, bởi vẫn còn những ngờ vực khi tôi nói làm miễn phí, nên tôi đang tự làm những dự án nhỏ chỉ để chứng minh rằng hỗ trợ DN là điều cần phải làm.

- Trước sức ép của các nhà bán lẻ ngoại, ngoài con đường nhượng quyền, theo bà còn khoảng trống nào cho các DN nội bứt phá?

- Rất may cho ngành bán lẻ hiện nay là chúng ta đang trải qua thời đại thông tin, nên hiện nay bán lẻ không chỉ dừng lại ở mô hình truyền thống là cửa hàng và chi nhánh nữa mà tất cả các DN bán lẻ trên thế giới đều phải chuyển qua mô hình mới là online. Khi Alibaba qua mặt WalMart và trở thành tập đoàn bán lẻ đứng đầu thế giới, đó là khi trật tự ngành nghề, trật tự thế giới truyền thống có thể bị lật đổ, hoặc tái định nghĩa bằng công nghệ. Nếu có thể tạo ra một sự đột phá trong kênh tiếp cận qua công nghệ, qua các hình thức phi truyền thống, cơ hội vẫn còn nhiều. Và điều đó mở ra một cánh cửa nữa cho DN Việt Nam, nếu DN Việt biết đón đầu và sử dụng công nghệ, có thể triển khai khu vực này cùng lúc với DN nước ngoài vì họ cũng chỉ đang triển khai. Nếu mình triển khai tốt, sự tiếp cận của mình với người tiêu dùng sẽ tốt hơn, như vậy có thể nắm nhiều hơn khoảng không truyền thống. Nhưng một lần nữa, tôi nhắc lại phải có những người giỏi nhất để hỗ trợ DN và cả ngành bán lẻ phải cùng làm chung với nhau.

- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác