Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Thomas Wright và Gabriel Zucman, các công ty Hoa Kỳ nằm trong tốp đầu các doanh nghiệp trên thế giới tìm đến các "thiên đường thuế" nhiều nhất. Tại đây, họ chỉ phải chịu mức thuế thu nhập khoảng 7%.
Trong bảng xếp hạng các thiên đường trốn thuế của nghiên cứu này, Ireland đứng ở vị trí số 1 với mức thuế 5,7%. Tổng số lợi nhuận kinh doanh các công ty Hoa Kỳ đăng ký ở quốc gia này cao hơn hẳn so với tổng lợi nhuận đăng ký tại các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp và Mexico cộng lại. Trong nhóm các quốc gia phát triển, Hoa Kỳ có số lợi nhuận đăng ký tại các thiên đường trốn thuế cao nhất.
Báo cáo cũng chỉ ra mức thuế thu nhập các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ phải nộp đã giảm từ 35% những năm 1990 xuống còn 20% trong những năm gần đây. Cải cách thuế mới được áp dụng hồi tháng 12-2017 của Tổng thống Donald Trump cũng cho phép các tập đoàn Hoa Kỳ đóng thuế thu nhập 21%, thấp hơn so với mức 35% trước đó đối với những khoản lợi nhuận được tạo ra trong lãnh thổ Hoa Kỳ.
Với những khoản lợi nhuận từ nước ngoài, các doanh nghiệp sẽ phải đóng mức thuế 8% hoặc 15,5% thanh toán một lần tùy thuộc vào loại hình tài sản khi đưa những khoản lợi nhuận này về nước.
Ireland - quốc gia hàng đầu thiên đường thuế với mức thuế 5,7%.
Các tập đoàn Hoa Kỳ, đặc biệt là những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và dược phẩm, nhiều năm qua đã tích lũy lợi nhuận ở nước ngoài để tránh mức thuế cao tại quê nhà, từ đó có được mức lợi nhuận sau thuế cao hơn để chia lại cho các cổ đông, trong đó có cả các cổ đông người nước ngoài.
Tổng lợi nhuận tiền mặt ở nước ngoài lên tới khoảng 2.500 tỷ USD vào thời điểm dự luật cải cách thuế được thông qua. Có một nghịch lý là cách đây 7 năm, Hoa Kỳ đã nỗ lực giải quyết vấn đề trốn thuế, vốn làm đau đầu các chính phủ khắp thế giới. Mỗi năm, các doanh nghiệp đã né tránh việc chi trả 2.500 tỷ USD thuế thu nhập, một khoản tiền khổng lồ có thể sử dụng cho chống đói nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng hay giảm thuế cho các công dân tuân thủ pháp luật.
Cũng liên quan tới thuế, tại EU, trong cuộc họp không chính thức tại thủ đô Vienna của Áo vừa qua, Bộ trưởng tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận một đề xuất về thuế đánh vào các các tập đoàn lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số, với một số thỏa thuận có thể đạt được trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz có phần e ngại về đề xuất trên và cho rằng vấn đề cần phải được thảo luận nhiều hơn nữa. Trong khi thừa nhận thỏa thuận có thể đạt được vào cuối năm, ông Scholz nói một số câu hỏi hiện vẫn còn bỏ ngỏ, chẳng hạn như vấn đề tác động tới các quy định về thuế quốc tế hay các thỏa thuận về tránh đánh thuế hai lần.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Tài chính Áo Hartwig Löger luật thuế phải dựa trên đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), và nên áp dụng điều khoản cho phép bảo lưu một sắc thuế cho tới khi đạt thỏa thuận với các "đối tác quốc tế". Điều này sẽ đảm bảo nền kinh tế kỹ thuật số sẽ "đóng góp công bằng" cho số thu từ thuế của các quốc gia EU. Một số quốc gia trong đó có Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Malta đã phản đối dự định của EU vì điều này có thể dẫn tới khả năng thất thoát nguồn thu và cản trở sự sáng tạo.