Vụ phá sản mới đây của thủ phủ bang Pennsylvania như phát súng dội vào nền kinh tế vốn đang “ốm yếu” của Hoa Kỳ và thậm chí có thể gây ra hiệu ứng domino khiến kinh tế Hoa Kỳ lao đao.
Vụ phá sản của thành phố Harrisburg gây chấn động trong nền kinh tế Hoa Kỳ. |
“Con domino” đầu tiên
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phải "oằn mình" chống chọi với khủng hoảng, thành phố Harrisburg, thủ phủ Pennsylvania đã phải tuyên bố phá sản vì không thể thanh toán khoản nợ lên tới 310 triệu USD. Luật sư đại diện cho Hội đồng thành phố với 50.000 người dân này cho hay: "Không còn cách nào khác. Thành phố đã hết sạch tiền".
Theo luật sư này, những vấn đề về tài chính tại thành phố Harrisburg nảy sinh từ 10 năm trước, khi quyết định xây dựng một lò đốt rác nhằm biến rác thải thành năng lượng. Dự án phá sản và hậu quả là thành phố phải gánh chịu khoản nợ lên tới 310 triệu USD. Trong khi đó, chính quyền bang vẫn phải “oằn mình” chi cho các dịch vụ y tế công.
Thị trưởng thành phố, bà Linda Thompson phải kêu gọi tăng thuế và bán tháo các tài sản - được định giá từ 100 đến 500 triệu USD theo liệt kê trong hồ sơ phá sản - để có tiền trang trải nợ nần. Tuy nhiên, đề xuất tăng thuế doanh thu thêm 1% nhằm mở rộng ngân sách chính quyền vấp phải sự phản đối mạnh mẽ với lập luận mức thuế tại Harrisburg đã rất cao so với các khu vực khác.
Bà Linda Thompson cũng từng nhiều lần phải cầu viện tới chính quyền bang để xin giúp đỡ. Năm ngoái, chính quyền bang Pennsylvania đã bỏ ra 4,3 triệu USD để giúp đỡ thành phố Harrisburg vượt qua khủng hoảng.
"Tình hình tại Harrisburg đang rất tồi tệ. Thành phố này đang có tỷ lệ nghèo đói cao bất thường”, các thành viên của Hội đồng thành phố cho biết.
Trong khi đó, Thống đốc bang Pennsylvania Tom Corbett cho hay, hạ viện bang đã thông qua đề xuất thực hiện chương trình cứu nguy khẩn cấp đối với các thành phố gặp khủng hoảng. Theo đó, chính quyền bang sẽ tiếp quản thành phố Harrisburg và thi hành một loạt chính sách khắc khổ như đàm phán lại hợp đồng lao động, sa thải bớt viên chức và bán tài sản.
Hiệu ứng sẽ lan rộng?
Dù không phải trường hợp phá sản chính quyền đầu tiên tại Hoa Kỳ nhưng vụ sụp đổ của thành phố Harrisburg dấy lên nỗi ám ảnh về nguy cơ vỡ nợ của hàng loạt chính quyền địa phương tại Hoa Kỳ bởi sự kiện này xảy ra trong giai đoạn hết sức nhạy cảm, trong đó, nền kinh tế số 1 thế giới đang “chật vật” chống khủng hoảng cũng như làn sóng biểu tình do phẫn nộ trước sự bất công trong xã hội đang lan rộng.
Một làn sóng đổ vỡ các chính quyền thành phố nhỏ đang đến rất gần. “Tôi cho rằng, năm 2012 sẽ là một năm bận rộn đối với các luật sư trong lĩnh vực phá sản. Thậm chí vào các năm 2013 và 2014, các luật sư này có thể sẽ còn bận hơn nữa” - ông Jay Goffman, người đứng đầu bộ phận tái cơ cấu doanh nghiệp tại công ty luật “Skadden Arps, Slate, Meagher & Flom" nhận định.
Nguyên nhân được ông Jay đưa ra là do tăng trưởng kinh tế èo uột, xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng, thị trường ảm đạm, tình trạng tín dụng ngày càng thắt chặt, thất nghiệp, nợ công, doanh thu từ thuế và bất động sản suy giảm trầm trọng…
Trong khi đó, ông Fitzsimmons, người phụ trách thị trường Bắc Mỹ của công ty tư vấn cải tổ doanh nghiệp AlixPartners LLP, đánh giá, ngoài các yếu tố nội tại, cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro cũng được coi là “nhân tố” quan trọng góp phần làm kinh tế Hoa Kỳ ảm đạm hơn.
“Nếu một vài nước châu Âu rơi vào cảnh vỡ nợ, áp lực đối với thị trường tín dụng Mỹ sẽ gia tăng. Khi đó, nước Mỹ có thể rơi vào cuộc khủng hoảng mới với hàng loạt vụ phá sản” - ông Fitzsimmons nhấn mạnh.
Để minh chứng cho nhận định về hiệu ứng domino trên, bà Meredith Whitney, nhà phân tích tài chính hàng đầu của Hoa Kỳ, cho rằng nhiều bang và thành phố của Hoa Kỳ đã bội chi, chi vượt 500 triệu USD tiền thuế họ thu được và đang phải đối mặt với lỗ thủng 1.000 tỷ USD trong quỹ trợ cấp của địa phương. Khủng hoảng nợ đang chạm tới tận các cơ quan công quyền địa phương thay vì cấp bang và thành phố như trước đây.
Cụ thể, tại bang Detroit, từ lực lượng cảnh sát, đến hệ thống chiếu sáng, bảo dưỡng và vệ sinh đường phố… tất cả đều tinh giản biên chế, cắt giảm chi tiêu. Chính sách này ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của hơn 20% cư dân sinh sống tại Detroit.
Chính quyền bang Illinois cũng cùng chung cảnh ngộ “thắt lưng buộc bụng”. Hiện mức chi tiêu của bang này gấp đôi ngân sách từ thuế và đã kéo dài kỳ hạn trả nợ thêm 6 tháng, riêng khoản nợ của ĐH Illinois đã là 400 tỷ USD. Khả năng không thể thanh toán nợ nần của Illinois lên đến 21%, cao hơn tất cả các bang khác.
Ngoài ra, nhiều tiểu bang khác cũng lúng túng với nợ. California tăng học phí ĐH công thêm 32% và bán nhiều khu đất và công ốc. Arizona bán cả tòa nhà tòa án tối cao cho giới đầu tư, để rồi chính quyền tiểu bang thuê lại các tòa nhà này.
Trên cơ sở đó, bà Whitney dự đoán, hơn 100 thành phố của Mỹ có khả năng phá sản trong năm tới. "Ngay sau nhà đất, đây là vấn đề quan trọng nhất và lớn nhất đe dọa đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Tôi đoan chắc rằng các bạn sẽ chứng kiến một sự vỡ nợ hàng loạt ở các thành phố của Mỹ. Có khoảng 50-100 vụ vỡ nợ lớn, giá trị lên đến hàng trăm tỷ USD" - nhà phân tích này nhận định.
Thị trưởng thành phố New Jersey Chris Christie mô tả nguy cơ vỡ nợ này là: “Chúng ta đã chi tiêu quá nhiều. Chúng ta tiêu tiền mà chúng ta không có. Chúng ta vay tiền một cách điên cuồng để tiêu. Thẻ tín dụng của chúng ta tiêu cạn rồi và hết rồi. Chúng ta bây giờ phải trèo ra ngoài hố sâu mà chúng ta đã đào từ một thập niên trước. Chúng ta phải trèo ra thôi và đây dường như là nhiệm vụ rất khó khả thi”.
Quả thực, việc ngăn chặn làn sóng phá sản các thành phố là chuyện không đơn giản. Cuộc khủng hoảng kinh tế mấy năm qua đã “bào mòn” thực lực của Hoa Kỳ. Theo bản nghiên cứu của hiệp hội các thành phố Hoa Kỳ mới được công bố thì đến năm sau, ngân sách của các thành phố Hoa Kỳ có thể bị thiếu hụt từ 56 tỷ USD cho đến 83 tỷ USD.
Trong khi đó, nếu là liên bang thì đơn giản, cứ việc in tiền. Tuy nhiên, với cấp tiểu bang thì điều đó là không thể. Khi cạn kiệt ngân sách và đã nhận mọi nguồn cứu trợ mà vẫn trắng tay thì chuyện đệ đơn phá sản là sự lựa chọn duy nhất.