Rạng Sáng 2-1-2013 (giờ Việt Nam), Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận ngân sách do Thượng viện đề xuất, giúp nước này tránh được nguy cơ rơi xuống vực thẳm tài chính trong gang tấc.
Nhượng bộ vì lợi ích chung
Thỏa thuận đã dễ dàng thông qua với 257 phiếu thuận và 167 phiếu chống, trong khi chỉ cần 217 phiếu thuận để vượt qua. 151 nghị sĩ Cộng hòa và 172 nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu thuận, trong khi 85 nghị sĩ Cộng hòa và 16 nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu chống. Trước đó, vào lúc 2 giờ sáng ngày 1-1 (giờ Hoa Kỳ), Thượng viện đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận với tỷ lệ 89 phiếu thuận và 8 phiếu chống.
Chiều cùng ngày, nhiều lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận do Thượng viện đề xuất. Tuy nhiên, đứng trước sức ép về thời gian buộc phải thông qua dự luật trước khi các thị trường tài chính mở cửa trở lại vào ngày 2-1 (giờ Hoa Kỳ), các nghị sĩ Cộng hòa đã chấp nhận thỏa thuận.
Đã có sự chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng hòa. Trong khi Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho biết Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của Quốc hội (CBO) Paul Ryan bỏ phiếu thuận, lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện là Eric Cantor lại bỏ phiếu chống.
Tổng thống Obama thông báo “tin vui” vượt thoát vực thẳm tài chính. |
Nhiều nghị sĩ Cộng hòa không muốn tăng thuế, nhưng họ vẫn nhận rõ rằng việc không thông qua được thỏa thuận ngân sách trước khi thị trường mở cửa phiên đầu năm sẽ là một thảm họa cho thị trường tài chính và cả nền kinh tế nói chung.
CBO ước tính tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ bị sụt giảm 3,9% nếu thỏa thuận ngân sách không được thông qua trước “giờ G”. Lúc đó Hoa Kỳ sẽ rơi trở lại suy thoái với mức tăng trưởng âm (ước tính năm nay GDP Hoa Kỳ chỉ tăng hơn 2%).
Theo thỏa thuận mới, những cá nhân thu nhập dưới 400.000USD/năm và hộ gia đình thu nhập thấp hơn 450.000USD/năm sẽ được gia hạn việc hưởng mức thuế suất thấp, trong khi những cá nhân và gia đình có thu nhập trên các mức này sẽ chịu mức thuế suất mới, 39,6% (trước đó 35%).
Đây rõ ràng là một sự nhượng bộ của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trước đó, Đảng Dân chủ muốn tăng thuế đối với những người có thu nhập trên 250.000USD/năm, trong khi Đảng Cộng hòa không ủng hộ việc tăng mạnh các mức thuế suất ở bất kỳ mức thu nhập nào.
Thâm hụt thêm 4.000 tỷ USD
Ngoài ra, thuế trên các khoản thu từ vốn và cổ tức sẽ được nâng từ mức 15% hiện nay lên 20%. Thuế thu nhập vốn đối với người giàu sẽ tăng thêm 3,8%, nâng mức cao nhất lên 23,8%. Thuế bất động sản sẽ là 40% với ngưỡng giá trị chuyển nhượng được miễn thuế 5 triệu USD đối với cá nhân và 10 triệu USD đối với hộ gia đình.
Thỏa thuận cũng sẽ trì hoãn cắt giảm chi tiêu ngân sách trị giá 109 tỷ USD thêm 2 tháng, khoản chi ngân sách phụ trội do không thực hiện cắt giảm sẽ được bù đắp bằng việc tăng thuế và cắt giảm ngân sách một phần. Các khoản bị cắt giảm 50% từ chi tiêu quốc phòng và 50% từ các lĩnh vực khác.
Cũng theo thỏa thuận này, quãng thời gian 2 tháng tạm hoãn cắt giảm chi tiêu là để Đồi Capitol và Nhà Trắng có thể tìm được tiếng nói chung về một thỏa thuận cắt giảm chi tiêu lớn hơn. Điều này có thể dẫn tới một “vực thẳm ngân sách” mới nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Nhà Trắng xem đây như một thắng lợi bởi đảng Cộng hòa đã luôn phản đối việc dùng bất kỳ khoản tiền thuế nào để bù đắp cho việc giảm chi tiêu. Dự báo Tổng thống Obama sẽ nhanh chóng ký thành luật thỏa thuận này.
Tuy nhiên, một ước tính công bố của CBO hôm 1-1 cho rằng thỏa thuận ngân sách mới dù có thể khiến Hoa Kỳ tránh được nguy cơ rơi xuống vực thẳm tài chính trong ngắn hạn, nhưng có thể khiến thâm hụt ngân sách tăng thêm tới 4.000 tỷ USD trong vòng 1 thập niên. CBO ước tính trong năm nay, thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ sẽ tăng thêm 330 tỷ USD.