Từ năm 2022, học phí của các cơ sở giáo dục đại học sẽ được điều chỉnh theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2021 (gọi tắt là Nghị định 81).
Tân sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM làm thủ tục học tập trung sau Tết Nguyên đán
Nghị định 81 nêu rõ, học phí năm học 2021-2022 ở các cấp học không thu vượt mức trần khung học phí năm 2020-2021. Từ năm học 2022 trở đi, học phí mới sẽ áp dụng theo Nghị định 81. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (chưa tự chủ) được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.
Cụ thể, từ năm học 2022, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành nghệ thuật: 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và CNTT, công nghệ kỹ thuật: 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); khối ngành y dược: 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành sức khỏe khác: 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội: 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng).
Như vậy, so với năm 2021, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 0,3-10,2 triệu đồng/năm, tùy từng khối ngành. Trong đó, tăng nhiều nhất là khối ngành y dược và các khối ngành sức khỏe khác với mức tăng từ 4,2-20,2 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ), mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ. Trong khi đó, mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định cao hơn từ 1,5-2,5 lần so với học phí đại học.
Ngoài ra, Nghị định 81 cũng quy định rõ mức học phí với các loại hình đào tạo, các chương trình, các cơ sở đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế. Cùng với đó, trong đề án tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học từ công lập chưa tự chủ, công lập tự chủ đến các trường đại học tư đều có điều chỉnh theo hướng tăng học phí.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Cùng với việc tăng học phí, nhiều trường đại học công lập lẫn đại học tư cũng đưa ra nhiều chính sách miễn giảm học phí, nhiều chương trình học bổng để chia sẻ, hỗ trợ người học. Th.S Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết, cùng với việc phê duyệt đề án tự chủ của trường, từ năm 2022, Đại học Quốc gia TPHCM công bố sẽ hỗ trợ 35% học phí cho một số ngành đào tạo của trường. Các nhóm ngành được hỗ trợ gồm: nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn, nhóm ngành Ngôn ngữ. Cùng với đó, hàng năm, nhà trường đều có các học bổng để hỗ trợ sinh viên khó khăn qua các chương trình như: học bổng khuyến học - khuyến tài, học bổng doanh nghiệp, học bổng cựu sinh viên, học bổng theo chính sách của nhà nước…
GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM (một trong số 23 trường thí điểm tự chủ giai đoạn 2014-2017), cho rằng, Nghị định 81 quy định khá rõ và chi tiết với các loại hình đào tạo, đặc biệt là làm rõ hơn về vấn đề chương trình, cơ sở đào tạo đạt các chuẩn kiểm định. Năm 2022, học phí của trường sẽ điều chỉnh tăng, nhưng sẽ không tăng quá nhiều vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của người học. “Dù học phí có tăng hay không thì trong bối cảnh hiện nay, việc chia sẻ, tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ người học nhằm giảm gánh nặng chi phí học là điều không thể chần chừ”, GS-TS Nguyễn Minh Hà cho biết.
PGS-TS Nguyễn Đình Tứ, Giám đốc Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia TPHCM, cũng nhìn nhận, ra đời từ năm 2020 đến nay, quỹ đã cho gần 200 sinh viên vay vốn học tập không lãi suất. Chương trình này được Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với ngân hàng triển khai nhằm hỗ trợ sinh viên hoàn cảnh khó khăn có thể trang trải một phần kinh phí trong quá trình học tập, mỗi sinh viên được vay tối đa 20 triệu đồng/học kỳ. Dưới tác động của dịch Covid-19 và xu thế tự chủ đại học đi kèm với lộ trình tăng học phí của các trường, sinh viên ngày càng khó khăn trong việc trang trải kinh phí học tập nên việc có nhiều chính sách hỗ trợ học phí, cho vay để học tập là việc làm mà các trường cần phải đẩy mạnh.
Đại diện nhiều trường tự chủ cho rằng, hiện nay, xu hướng các trường tự chủ sẽ ngày một nhiều và đồng nghĩa học phí sẽ được điều chỉnh sát với chi phí đào tạo. Khi điều chỉnh, trong đó có tăng học phí, sẽ gây tâm lý e ngại của người học cũng như xã hội. Thế nhưng, kinh nghiệm từ các trường thí điểm tự chủ cho thấy, việc tăng học phí giúp cải thiện chất lượng đào tạo rõ rệt qua việc công bố quốc tế, kiểm định chất lượng cũng như xếp hạng đại học, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo. Tuy nhiên, cùng với việc tăng học phí, khi thực hiện tự chủ, các trường phải cam kết dành ít nhất 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên.