PVX - Hành trình đến cổ phiếu bèo
LTS: Chưa bao giờ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn lao đao, thua lỗ đậm, cổ phiếu bốc hơi mạnh như trong năm 2012. Ngoài ảnh hưởng ngoại lai bất lợi tác động xấu đến sản xuất kinh doanh thấy rõ, nhưng bên cạnh đó kiểu kinh doanh vung tay quá trán của một số doanh nghiệp không lượng sức mình, nay đã đến hồi trả giá. Từ số báo này, ĐTTC góp phần lý giải nguyên nhân các “đại gia” ngã ngựa nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc, giới đầu tư những “góc khuất” trên thị trường chứng khoán.
Từ một CP hay nổi sóng, được NĐT ưa chuộng, PVX (Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí VN) đã trở thành nỗi thất vọng, ngán ngẩm đối với nhiều NĐT khi kinh doanh thua lỗ, bị cắt margin toàn thị trường. Đối với nhiều NĐT, PVX với mức giá đóng cửa cuối tuần qua đạt 4.600 đồng/CP chỉ là một CP hạng ruồi, ẩn chứa rất nhiều rủi ro.
Từ lỗ 537 tỷ đồng thành lỗ 755 tỷ đồng
Trước khi công ty kiểm toán tiến hành soát xét BCTC, PVX công bố KQKD hợp nhất với số lỗ 537 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, BCTC 6 tháng đầu năm 2012 đã qua soát xét của PVX lại cho thấy PVX lỗ đến 755 tỷ đồng. Sự chênh lệch các con số trên BCTC trước và sau khi kiểm toán/soát xét là điều khó tránh khỏi, vì ngay cả doanh nghiệp minh bạch vẫn có những quan điểm khác với công ty kiểm toán.
Nghiệp vụ soát xét cho dù tạo ra sự tin cậy nhất định, nhưng không thể bằng nghiệp vụ kiểm toán. Nhưng công ty kiểm toán vẫn “lôi” thêm được thêm hơn 200 tỷ đồng thua lỗ của PVX, tăng đến 40% so với số lỗ ban đầu, cho thấy hiệu quả kinh doanh và đặc biệt tính minh bạch của PVX “có vấn đề”.
Thử theo dõi đoạn giải trình của PVX gửi HNX về sự chênh lệch KQKD trước và sau khi soát xét vào ngày 4-9: 6 tháng đầu năm 2012, cùng với sự khó khăn, khủng hoảng tài chính của nền kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước biến động làm ảnh hưởng đến giá cả nguyên vật liệu đầu vào, làm tăng giá thành các công trình xây lắp của PVX, dẫn đến kết quả hoạt động SXKD của các đơn vị thành viên không đạt kế hoạch đề ra.
Vì vậy, PVX đã thực hiện trích lập một số khoản dự phòng để giảm rủi ro về tài chính. Các đơn vị thành viên của PVX có hoạt động kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, huy động vốn để trực tiếp triển khai các dự án đầu tư dẫn đến việc KQKD trong quý II-2012 thấp.
Một cổ đông bình thường, không cần am hiểu về tài chính cũng rất bức xúc trước cách giải trình của PVX. Chênh lệch hơn 200 tỷ đồng mà chỉ giải trình vài dòng và cũng “lạc đề”. Thay vì chỉ rõ những nguyên nhân gây ra chênh lệch như khoản mục nào tăng lên/giảm xuống, sai sót chỗ nào, PVX lại nêu ra những khó khăn theo kiểu đổ thừa khách quan. Ngay những thông tin PVX nêu ra cũng có vấn đề.
Chẳng hạn biến động giá nguyên vật liệu đầu vào làm tăng giá thành các công trình xây lắp của PVX trong 6 tháng đầu năm. Ai cũng biết từ đầu năm đến nay, ngành vật liệu xây dựng gặp khó như thế nào, sức tiêu thụ giảm, tồn kho lớn, làm sao có giá tăng mạnh để ảnh hưởng đến giá thành? PVX không biết cách giải trình hay đang thực sự coi thường cổ đông cũng như các cơ quan quản lý?
Áp lực nợ vay
Nếu tính về cơ cấu nguồn vốn, “nợ phải trả” của PVX lên đến gần 11.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với gần 3.800 tỷ đồng “vốn chủ sở hữu”. Nếu như cuối năm 2011, khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của PVX còn có giá trị dương 370 tỷ đồng, thì đến giữa năm 2012 đã chuyển thành số âm gần 345 tỷ đồng.
Chưa kể, khoản mục thặng dư vốn của công ty cũng chỉ còn hơn 4 tỷ đồng. Thặng dư hay lợi nhuận chưa phân phối là những khoản mục “béo bở” có tính chất “để dành” trên BCTC của nhiều công ty niêm yết, nhưng hiện đã cạn kiệt với PVX.
Nhiều NĐT thật sự bị sốc với CP thuộc hạng đại gia như PVX. Ảnh: LÃ ANH |
Phân tích các khoản nợ của PVX cũng cho thấy rất nhiều vấn đề. Tính đến 30-6, PVX vay ngắn hạn 2.777 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ vay 1.559 tỷ đồng, 1.218 tỷ đồng còn lại là của các công ty con. Trong 440 tỷ đồng vay và nợ dài hạn đến hạn trả của PVX, đã có hơn 348 tỷ đồng thuộc về các công ty con. 1.735 tỷ đồng vay dài hạn của PVX thuộc về các công ty con.
Tính sơ sơ, giá trị các khoản vay ngắn và dài hạn của PVX đã lên đến hơn 4.500 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ của PVX là 4.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 3.800 tỷ đồng. Nếu lãi suất vay cho 4.500 tỷ đồng trung bình khoảng 12% năm, thì mỗi ngày riêng tiền lãi vay PVX sẽ phải trả vào khoảng 1,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30-6, khoản vay quá hạn PVX bảo lãnh cho các công ty con đã có giá trị lên đến 558 tỷ đồng. Theo đó, PVX sẽ phải thanh toán cho các “chủ nợ” khoản tiền bằng giá trị thư bảo lãnh kèm toàn bộ các nghĩa vụ trả lãi, lãi phạt và các nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có).
Giả định, lãi suất các khoản vay này là 12%/năm và lãi suất phạt chậm trả lãi bằng 150% lãi suất cho vay, nếu bên cho vay không gia hạn và PVX chưa thanh toán được khoản nào trong 558 tỷ đồng nêu trên thì tiền trả lãi (bao gồm cả lãi phạt) mỗi tháng sẽ xấp xỉ 8,3 tỷ đồng, cả năm lên đến gần 100 tỷ đồng.
Điểm đáng nói ở đây là tại thời điểm lập BCTC, PVX nêu lý do đang đàm phán với bên cho vay về việc gia hạn trả nợ cũng như thời gian bảo lãnh và chưa trích lập dự phòng với các khoản bảo lãnh.
Như vậy, BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng của PVX chưa bao gồm các điều chỉnh có thể phát sinh từ sự kiện trên đây. Nói một cách dễ hiểu, nếu PVX bị bên cho vay phạt lãi trả chậm và các chi phí liên quan thì chi phí của PVX có thể tăng lên và con số lỗ không chỉ dừng lại ở 755 tỷ đồng.
Ngành nghề chính ở đâu?
Nửa đầu năm 2012, doanh thu thi công các công trình xây lắp cho các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đạt 331 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ 2011. Trong khi đó, tổng doanh thu thuần của PVX nửa đầu năm 2012 đạt 2.271 tỷ đồng. Thi công các công trình xây lắp cho Petro Vietnam là một trong những chức năng chủ lực của PVX nhưng chiếm chưa đến 15% tổng cơ cấu doanh thu. Vậy PVX và những công ty con của mình đã kinh doanh những gì ngoài ngành nghề kinh doanh chính?
Tính đến 30-6-2012, tổng tài sản của PVX đạt 17.277 tỷ đồng, trong đó giá trị các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn có giá trị khoảng 2.137 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% cơ cấu tài sản của công ty. Điều băn khoăn ở đây là PVX lại trích dự phòng giảm giá đầu tư với tỷ lệ quá thấp.
Chẳng hạn, tổng giá trị đầu tư vào công ty liên kết, góp vốn liên doanh và đầu tư dài hạn khác của PVX có tổng giá trị 2.037 tỷ đồng, nhưng công ty chỉ trích lập vỏn vẹn 27 tỷ đồng, tương đương 1,3%.
Trong BCTC của PVX 6 tháng đầu năm 2012 ghi nhận con số lỗ trong công ty liên kết hơn 33 tỷ đồng, trong khi giá trị các khoản đầu tư của PVX vào công ty liên kết lên đến gần 800 tỷ đồng. Đầu tư 800 tỷ đồng “chỉ” lỗ 33 tỷ đồng, chưa đến 5% không phải là con số lớn. Nhưng trong danh sách các công ty liên kết của PVX có một loạt các công ty kinh doanh bất động sản như CTCP BĐS Dầu khí VN (giá trị vốn góp 100 tỷ đồng), CTCP ĐT&XD Dầu khí Phú Đạt (226 tỷ đồng), CTCP ĐT XL Dầu khí SG (86,8 tỷ đồng)…
Chẳng lẽ tất cả những đơn vị này đều hoạt động “ngon lành”, chỉ hòa vốn hoặc lỗ nhẹ hay sao? Nếu vậy tại sao PVX lại công bố các đơn vị thành viên của mình gặp “rất nhiều khó khăn”?
Trong khó khăn, nếu công ty vẫn giữ được thế mạnh tập trung cho ngành nghề kinh doanh chính của mình thì vẫn có nhiều cơ may để vượt khó. Liệu PVX có thể lấy lại thế mạnh của mình sau khi đã đầu tư, kinh doanh dàn trải quá nhiều?