Nhiều ý nghĩa
Ý tưởng về hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN không phải mới. Một hội nghị thượng đỉnh tương tự đã được tổ chức dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2016 tại Sunnylands, mở đường cho việc triển khai một loạt động thái nhằm nâng cao hồ sơ Đông Nam Á trong chính sách châu Á của Mỹ.
Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - Asean sẽ cho công chúng Mỹ thấy được tầm quan trọng của Đông Nam Á trong bối cảnh khu vực này ít được người Mỹ chú ý hơn so với các cường quốc châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản. |
Tổng thống Trump đã từng tham dự Thượng đỉnh ASEAN năm 2017, nhưng các năm sau đó ông không xuất hiện. Phó Tổng thống Mike Pence đã tham dự thay mặt ông vào năm 2018 và năm 2019, là phái đoàn cấp thấp nhất của Mỹ tới Hội nghị Thượng đỉnh châu Á kể từ năm 2011. Đổi lại, hầu hết quốc gia Đông Nam Á cũng hạ cấp tương ứng đại diện của họ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tổ chức ở Bangkok, Thái Lan sau đó. Cụ thể, chỉ 3 nước gửi lãnh đạo cấp cao của họ đến tham dự hội nghị ở Bangkok, gồm Thái Lan, Lào và Việt Nam. Trong đó, Thái Lan là nước đang nắm chức Chủ tịch ASEAN, Việt Nam là nước sẽ tiếp quản ngôi vị này vào năm 2020, còn Lào là điều phối viên hiện tại về quan hệ ASEAN-Mỹ.
Ý tưởng về thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN một lần nữa được chú ý, với việc O'Brien công khai chuyển lời mời của Tổng thống Trump đến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Trong lá thư gửi ông O'Brien mang tới hội nghị, ông Trump đã mời các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tham gia cùng ông tại Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào thời điểm thuận tiện cho các bên trong quý đầu năm 2020. Ông nói hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại "cơ hội tuyệt vời" cho các nhà lãnh đạo "mở rộng và tăng cường hợp tác của chúng ta về các vấn đề có tầm quan trọng rất lớn". Đáng chú ý, phái đoàn Mỹ sẽ mang đến Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN một báo cáo tiến bộ về sự phát triển của tầm nhìn Tự do và Mở cửa Thái Bình Dương (FOIP) do Bộ Ngoại giao phát hành.
Theo tạp chí Nhà Ngoại giao, nếu được tổ chức, hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN sẽ có ý nghĩa quan trọng. Với Mỹ sẽ là cơ hội cho chính quyền Trump củng cố tầm ảnh hưởng của siêu cường này đối với Đông Á nói chung và các quốc gia Đông Nam Á nói riêng trong tầm nhìn rộng lớn hơn về FOIP. Hội nghị cũng cho công chúng Mỹ thấy được tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với chính sách của chính quyền hiện tại, trong bối cảnh khu vực này ít được người Mỹ chú ý hơn so với các cường quốc châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản. Còn với các quốc gia Đông Nam Á, bất kể những lo ngại về chính quyền Trump, hội nghị lần này sẽ là minh chứng sống động cho cam kết của Mỹ đối với khu vực. Nó được ví như một lối thoát hữu ích làm sâu sắc hơn quan hệ với các bên liên quan của Mỹ, bao gồm các chủ thể phi chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức giáo dục và cộng đồng người di cư Đông Nam Á.
Không ít thách thức
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh đặc biệt không thiếu thách thức. Đưa tất cả 10 nhà lãnh đạo ASEAN đến Mỹ trong năm bầu cử Tổng thống hoàn toàn không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với Mỹ. Tất nhiên sẽ có các vấn đề hành chính như điều phối lịch trình giữa các ưu tiên trên tất cả các mặt, nhưng cũng sẽ có những vấn đề thực sự được nêu ra bởi một số bên liên quan trong nội bộ nước Mỹ, như Quốc hội và các nhóm nhân quyền về sự hiện diện của một số nhà lãnh đạo ASEAN tại Mỹ.
Trong bối cảnh các quan hệ song phương giữa các quốc gia Đông Nam Á đang phức tạp, tổ chức hội nghị thượng đỉnh này trong năm bầu cử ở Mỹ cũng có thể làm tăng yếu tố bất ổn, làm gia tăng nguy cơ hội nghị thượng đỉnh bị chính trị hóa, cũng như xu hướng "nước Mỹ trên hết" có thể định hình diễn tiến và kết quả của hội nghị.
Ngay cả khi những thách thức này được khắc phục, vẫn có những giới hạn trong việc hội nghị thượng đỉnh có thể giúp ích cho chính sách Đông Nam Á của chính quyền Trump. Bởi một hội nghị thượng đỉnh không thể giải quyết đầy đủ các mối quan tâm chính sách quan trọng các quốc gia Đông Nam Á đang vướng mắc với Mỹ. Trong đó có nhiều nút thắt vượt xa khả năng của hội nghị thượng đỉnh, mà sẽ mở rộng sang các vấn đề khác, như cán cân quyền lực đang thay đổi trong khu vực, xu hướng cá nhân của chính sách "nước Mỹ trên hết" về các vấn đề thương mại và liên minh.
Thực tế, hội nghị thượng đỉnh Sunnylands không phải là “lễ ăn mừng ảnh hưởng ngoại giao ngày càng tăng của Mỹ”, mà chỉ là cơ hội để siêu cường này lấy lại những gì đã mất trong việc tiếp cận Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng lấn lướt vai trò và ảnh hưởng của Washington trong khu vực.
Dù vậy, những thách thức nói trên không làm mất đi những tiềm năng của Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN, cho dù về mặt biểu tượng hay thực chất. Đặc biệt, hội nghị có thể là cơ hội đặc biệt Tổng thống Donald Trump muốn dành cho Việt Nam, trong bối cảnh nước ta đảm đương chức vụ Chủ tịch khối ASEAN vào năm tới.