Nhiều năm qua, dù đã triển khai nhiều biện pháp, sự xuất hiện ngày càng nhiều các đô thị hoang, đặc biệt tại Hà Nội hay TPHCM đã gây ra nhiều bức xúc. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng BĐS tồn kho trên cả nước đang tăng chóng mặt.
Cụ thể, chung cư còn tồn kho 33.852 căn, nhà thấp tầng (biệt thự, liền kề) tồn kho 3.483 căn, tương ứng 874.825m2 sàn…
Tuy nhiên, con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vì thống kê chỉ dựa trên bất động sản đã hình thành chưa bán được, còn số lượng các dự án người dân đóng góp vốn nhưng chưa triển khai, hay các dự án giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng chưa được tính.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, không cần những con số thống kê, không khó để thấy những khu đô thị vẫn là bãi cỏ hoang nằm la liệt. Mới đây, Hà Nội đã phải đưa 53 dự án, trong đó có không ít dự án bất động sản đang chậm tiến độ, bỏ hoang như Tháp Thiên niên kỷ, Booyoung Vina… vào diện “kiểm tra đặc biệt”.
Mới đây, các khu đô thị chưa xây dựng bị chủ đầu tư bỏ hoang đang có cơ hội được hồi sinh theo Nghị định 11 Quản lý đầu tư phát triển đô thị. Theo đó, người dân có thể sẽ được tự xây nhà theo ý muốn thay vì phải chờ chủ đầu tư.
Cụ thể, theo Nghị định 11, thay vì các chủ đầu tư phải thực hiện việc bán nhà đã xây thô, thậm chí phải hoàn thiện mặt ngoài, Nghị định cho phép UBND cấp tỉnh trên cơ sở thực tế quy định những khu vực nào được thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng để người dân tự xây dựng.
Đây được xem là hướng đi có thể tháo gỡ khó khăn cho đôi bên: chủ đầu tư thoát “chết chìm” với dự án, người dân không phải chờ đợi trong mòn mỏi và các khu đô thị thoát khỏi tình cảnh bị bỏ hoang năm này qua năm khác. Vì vậy, nếu Nghị định 11 được áp dụng triệt để, “tảng băng chìm” này sẽ có cơ hội được phân chia, đẽo gọt từng phần và giúp số lượng nhà bỏ hoang, hàng tồn kho giảm đi.
Theo nhiều chuyên gia, cho phép người dân tự xây dựng nhà, nếu quản lý chặt, theo quy hoạch và trên cơ sở có thiết kế rõ ràng, sẽ mang lại lợi ích cho nhiều bên, đặc biệt gỡ khó cho nhiều doanh nghiệp, bởi một số dự án sau khi chủ đầu tư triển khai xong hạ tầng thì cạn kiệt vốn, không thể xây tiếp dự án.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, để giải quyết tình trạng này, Nghị định 11 đã lần đầu tiên quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện công tác đầu tư phát triển đô thị theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm về việc thực hiện công tác đầu tư xây dựng theo kế hoạch do chính mình đề xuất, có trách nhiệm trong việc thực hiện công tác kết nối, hỗ trợ chủ đầu tư. Nếu để khu đô thị hoang, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.
Dù vậy, theo ông Đỗ Việt Chiến, Cục trưởng Cục phát triển Đô thị, Nghị định 11 tạo thông thoáng như thế nhưng việc này cũng sẽ được tiến hành hết sức thận trọng. Đặc biệt, đối với những dự án nằm ở khu vực nội thành nội thị, nằm trong các trục giao thông quan trọng, có không gian ảnh hưởng đến trật tự đô thị sẽ quản lý chặt chẽ, không có chuyện chia lô bán nền.
“Việc cho phép các dự án được quyền phân lô, bán nền sẽ phải xem xét cụ thể từng dự án. Dự án đó phải phù hợp với quy hoạch được duyệt, chủ đầu tư phải thực hiện việc xây dựng hạ tầng, còn phần trên đất có thể để người dân tự xây dựng theo hướng dẫn của chủ đầu tư và căn cứ vào mẫu thiết kế quy hoạch đã được phê duyệt” - ông Chiến cho biết.