Có thể giới hạn khung giờ di chuyển
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 ngày 25-7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tính từ 31-5 đến nay, TPHCM đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau. Bây giờ, TPHCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường hơn, siết chặt hơn, nâng cao hơn. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ông Phan Văn Mãi phân tích, bên cạnh nguyên nhân khách quan là chủng virus Delta diễn biến rất nhanh, rất khó lường, thì có nguyên nhân chủ quan là nhiều địa phương, khu phong tỏa chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Việc này có ở cả hai phía, chính quyền và cả người dân TPHCM. Điểm này cần nhìn nhận hết sức nghiêm túc, để thấy đây là việc cực kỳ nguy hiểm. Nếu không làm tốt hơn, thì tình hình dịch sẽ lây lan tồi tệ hơn. Đây là thực tế và là cảnh báo, cho nên các cấp các ngành, người dân TPHCM cần triệt để hơn biện pháp phòng chống dịch.
Ông Phan Văn Mãi chia sẻ với với lực lượng phòng chống dịch và người dân sau 55 ngày đã phải căng mình chống dịch, cũng như chịu đựng rất nhiều. Tuy nhiên, phải cố gắng, đồng lòng hợp tác, để sớm kết thúc giai đoạn khó khăn này.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, một tuần sau khi thực hiện Chỉ thị 16 (từ 0 giờ ngày 9-7), TPHCM có đề ra 3 tình huống sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị này. Nhưng TPHCM đã lỡ cơ hội có được tình huống thứ nhất - là số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng giảm xuống, khu vực nguy cơ cao được thu hẹp, khu vực an toàn được mở rộng ra.
Mà hiện giờ đang ở tình huống thứ hai, là dịch vẫn diễn biến phức tạp, và TPHCM phải tiếp tục Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường hơn, siết chặt hơn.
“Đây là tình huống TPHCM không mong muốn, nhưng lại đang phải đối diện”, Phó Bí thư Phan Văn Mãi bày tỏ, và đề nghị các ngành các cấp, các lực lượng phòng chống dịch, đặc biệt là người dân TPHCM ý thức rất cao, nhìn nhận vấn đề đúng mức phức tạp, nghiêm trọng, để cùng hành động.
Cụ thể, yêu cầu người dân thực hiện triệt để việc giãn cách. Ai ở đâu ở đó, nhà nào ở nhà nấy, hạn chế tối thiểu việc ra đường. Trường hợp cần thiết thì phải rất cụ thể, và hạn chế, tuyệt đối không tiếp xúc. TPHCM sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra giám sát, trong đó có công an, quân đội bên cạnh lực lượng tại cơ cơ sở.
TPHCM cũng sẽ tăng cường biện pháp thắt chặt di chuyển. Trong hôm nay, hoặc chậm nhất ngày mai, 26-7, TPHCM có quy định cụ thể về đối tượng, nhiệm vụ, thời gian đi ngoài đường, thậm chí có thể giới hạn cụ thể ở khung giờ nhất định nào đó. Ví dụ, sau 18 giờ thì những đối tượng nào, trường hợp nào, nhiệm vụ nào là không thực hiện.
Điều trị là nhiệm vụ chính
Về công tác điều trị, ông Phan Văn Mãi cho biết chiến dịch phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM đang chuyển dần sang điều trị. Có nghĩa là nhiệm vụ điều trị là nhiệm vụ chính trong thời gian tới, và TPHCM phải tập trung, tổ chức điều phối nguồn lực một cách khoa học nhất, tổ chức điều trị cho hiệu quả, với mục tiêu là giảm tử vong.
Để làm được điều này, TPHCM đã phân 5 tầng điều trị, chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, cơ chế hối hợp. TPHCM tiếp tục huy động nguồn lực xã hội, cơ sở y tế tư nhân, bệnh viện tư nhân cùng tham gia điều trị. Và trong từng tầng nhất định, thì cơ sở y tế nào, lực lượng nào tham gia, khả năng tiếp nhận bao nhiêu, cơ chế phối hợp thế nào, TPHCM sẽ thông tin cụ thể.
Ông Phan Văn Mãi nhìn nhận, thời gian qua có tình trạng khi người dân có nhu cầu trợ giúp về y tế, một số trường hợp không được đáp ứng kịp thời. Một mặt do quá tải ở các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị; một mặt do việc điều phối điều trị.
Thứ hai, ở các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19, thì một số bệnh viện tăng cường chức năng điều trị, tăng nhân lực, nâng cấp trang thiết bị để trở thành bệnh viện điều trị.
Đồng thời, TPHCM cũng triển khai thêm các cơ sở dã chiến, để sẵn sàng khi số bệnh nhân tăng cao. TPHCM cũng làm tốt hơn điều phối, thiết kế hệ thống phần mềm ráp nhu cầu và khả năng đáp ứng – việc này ngành y tế đang triển khai.
Về nguồn lực đáp ứng công tác phòng chống dịch, ông Phan Văn Mãi thông tin, thời gian qua, TPHCM có nhận sự hỗ trợ từ Trung ương, Bộ Y tế tăng cường. Nhưng giờ đây dịch phức tạp ở nhiều địa phương, và nhiều nơi khó khăn hơn TPHCM, cho nên Trung ương điều phối, dành nhân lực, nguồn lực cho địa phương khác.
Vì thế, TPHCM tiếp nhận một phần sự hỗ trợ từ Trung ương và tập trung tinh thần chính là “5 tại chỗ”, huy động tất cả nguồn lực của TPHCM, làm sao tổ chức, điều phối cho khoa học.
“Đến một lúc nào đó, TPHCM cũng phải tự bằng lực lượng của mình, bằng khả năng của mình để giải quyết vấn đề của mình. Phát huy cao độ '5 tại chỗ' là phương châm xuyên suốt của TPHCM”, Phó Bí thư Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Về cách ly, chăm sóc F0 tại nhà, ông Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền giúp người dân hiểu đúng về chủng virus Delta và các biện pháp cách ly tại nhà.
Theo các chuyên gia y tế, có đến 70-80% F0 không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Cho nên nếu cách ly triệt để tại nhà, chăm sóc tốt bằng dinh dưỡng, tăng tập thể dục, sử dụng thuốc phù hợp, thì F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà. Khi có tình huống y tế mới đến cơ sở y tế.
Như thế, F0 vừa điều kiện tâm lý, điều kiện sinh hoạt thoải mái hơn và giảm áp lực cho cơ sở y tế.
Giãn cách triệt để tới 1-8 hoặc 2 tuần tới
Nhận định về tình hình hiện nay, Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM cố gắng thực hiện triệt để giãn cách để tới ngày 1-8, hoặc có thể là 2 tuần tới, để đảm bảo các biện pháp phát huy hiệu quả trong thực tế. Thước đo là ngăn chặn sự lây lan, phát tán dịch bệnh. Lúc đó mới có những tuyên bố kết thúc hay điều chỉnh cấp độ giãn cách.
TPHCM cũng phải tính tới tình huống nếu tình hình diễn biến xấu hơn, thì khởi động phương án 3 – là số ca mắc Covid-19 tăng đột biến và có nhiều địa bàn thuộc nhóm nguy cơ rất cao, hoặc không kiểm soát được sự lây lan trong cộng đồng.
Dù đây là tình huống không mong muốn, nhưng TPHCM vẫn có sự chuẩn bị. Và không chỉ cơ quan chức năng mà người dân cũng cần ý thức việc này, có tâm thế chuẩn bị.