Hòa nhập với cư dân nước sở tại, bà con Việt kiều tại Australia nói chung và Sydney nói riêng luôn có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Một buổi sáng đầu xuân, chúng tôi đến thăm Trường Văn hóa Việt Nam - ngôi trường dạy tiếng Việt tại Cabramatta thuộc thành phố Sydney. Cô Trần Thị Thúy Uyên, Hiệu trưởng trường niềm nở, giới thiệu:
- Đây là một trong những cơ sở dạy tiếng Việt trong thành phố Sydney do chính phủ Australia bảo trợ. Cha mẹ các em chỉ đóng một khoản nhỏ để trang trải sinh hoạt nội bộ của hội phụ huynh.
Cô giáo Thúy Uyên dẫn chúng tôi thăm các lớp học. Thời tiết Sydney bây giờ mới chớm xuân, dẫu nắng chan hòa, nhưng nhiệt độ vẫn dưới 15oC. Các lớp học được bài trí gọn gàng, ấm áp. Cô hiệu trưởng nói, hiện tại trường có 337 học sinh chia thành 17 lớp. Hầu hết học sinh là con em người Việt, trong đó có gia đình thuần Việt, có gia đình bố hoặc mẹ là người Việt. Các thầy cô giáo ở đây 100% là người Việt.
Phần lớn thầy cô được đào tạo sư phạm cơ bản ở Việt Nam và được bồi dưỡng nghiệp vụ do chính phủ Australia tài trợ. Bản thân cô hiệu trưởng, trước khi theo chồng định cư ở Australia đã từng học Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3 tại TPHCM.
- Chương trình đào tạo tiếng Việt cho học sinh như thế nào? Tôi hỏi.
Cô hiệu trưởng cung cấp thông tin thật chi tiết:
- Tùy lứa tuổi và năng lực của các cháu để xếp lớp. Nhà trường tập trung vào hai phần chính. Thứ nhất, học tiếng Việt. Thứ hai dạy các cháu về văn hóa Việt.
Tôi gặp chị Annie Tran, mẹ của hai bé Bella An và Abby Linh đang theo học ở đây. Chị cho biết, lúc đầu các cháu cũng ngại học. Nhưng dần dần do kết hợp tốt giữa dạy ở trường và ứng dụng ở nhà nên các cháu rất thích thú. Cứ đến thứ 7, các cháu đã dậy từ sớm, chuẩn bị sách vở và hối mẹ đưa đến lớp. Chị Annie nói thêm:
- Về nhà, chúng tôi “khế ước” với nhau là chỉ nói tiếng Việt. Mẹ trực tiếp làm cô giáo hướng dẫn tiếng Việt và tìm hiểu phong tục tập quán văn hóa của người Việt...
Hồn Việt ở Sydney không chỉ ở việc dạy tiếng Việt, cô giáo Thúy Uyên nói rằng, trường còn chú trọng dạy bản sắc văn hóa Việt cho học sinh.
Xem bộ giáo án, sách giáo khoa về bộ môn này mới thấy sự cố gắng của các thầy cô ở đây. Những câu chuyện cổ tích như Phù Đổng Thiên Vương, Tấm Cám, Sọ Dừa; các danh nhân Đức Thánh Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… được nhà trường in thành truyện tranh song ngữ, trẻ rất thích thú. Đặc biệt các phong tục tập quán, mối quan hệ đặc trưng của người Việt như lễ tết, tín ngưỡng, tình cha mẹ con cái, ông bà cháu… được dạy một cách sinh động, gần gũi như chuyện thường ngày diễn ra ở… nhà!
Cho tôi xem các tấm ảnh ghi lại hoạt động của trường, cô giáo hiệu trưởng nói:
- Nếu Tết Canh Tý này bác có dịp ở lại Sydney, xin mời bác ăn Tết với thầy trò và bà con mình. Nói chung không thiếu gì so với quê nhà. Chúng tôi cố gắng làm mọi việc có thể để bản sắc tinh hoa văn hóa Việt không bị lãng quên, nhất là với thế hệ trẻ mang dòng máu con Rồng, cháu Tiên...
Lời cô giáo hiệu trưởng nói hoàn toàn có cơ sở. Một sáng chủ nhật, trong cái rét thấu xương, chúng tôi có mặt tại khu phố Việt ở Cabramatta - nơi được coi là Sài Gòn thu nhỏ ở Sydney. Các nhà sư chùa Việt ở đây tổ chức buổi giao lưu văn nghệ quyên góp tài chính ủng hộ người nghèo ở quê nhà. Các ca sỹ từ bên nước sang kết hợp với ca sỹ hải ngoại trình bày tổ khúc làn điệu dân ca Bắc - Trung - Nam ngọt ngào, làm cho không khí mùa xuân thêm ấm áp, đậm đà bản sắc Việt nơi đất khách quê người.
Cô hiệu trưởng Thúy Uyên cho biết thêm, cơ sở dạy tiếng Việt của cô hàng năm vận động quyên góp gửi tiền về chia sẻ với bà con nghèo các dân tộc Tây nguyên. Dù cách xa Tổ quốc hàng chục ngàn cây số, giữa đại dương mênh mông này, cộng đồng người Việt luôn hướng về Tổ quốc. Làm được gì giúp cho bà con nơi quê nhà là mọi người cùng hưởng ứng.
Chia tay cô giáo hiệu trưởng trong tiếng bi bô tập đọc tiếng Việt của các bé, lòng tôi bỗng thấy ấm áp. Dù bất cứ ở nơi đâu, xa Tổ quốc với những lý do khác nhau, nhưng người Việt luôn ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cha ông. Hồn Việt ở Sydney là một nơi như thế!
Sydney, tháng 12-2019