Họp khẩn lên phương án điều hành vì sân bay Nội Bài liên tục có sương mù dày đặc

(ĐTTCO) - Trong những ngày đầu tháng 2/2024, tại các sân bay khu vực phía Bắc đang xảy ra các hiện tượng sương mù, mây thấp, tầm nhìn giảm dưới tiêu chuẩn khai thác bay gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bay. Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam lên kế hoạch điều hành bay phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết.

Sương mù dày đặc vào sáng 2/2 khiến nhiều chuyến bay đến Nội Bài không thể cất, hạ cánh.
Sương mù dày đặc vào sáng 2/2 khiến nhiều chuyến bay đến Nội Bài không thể cất, hạ cánh.

Theo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), những ngày qua tại khu vực sân bay Nội Bài, tầm nhìn ngang có thời điểm đã giảm sâu xuống dưới 300 mét, theo thống kê của cơ quan khí tượng trường hợp này chỉ xuất hiện 3 lần trong vòng 10 năm trở lại đây.

Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, giảm thiểu tối đa tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay khu vực miền Bắc khi xảy ra hiện tượng sương mù, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp trong công tác dự báo thời tiết, quản lý luồng không lưu và điều hành bay.

Từ đêm 31/1, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã áp dụng Phương thức khai thác trong điều kiện tầm nhìn hạn chế (LVP) tại Cảng HKQT Nội Bài. Phương thức khai thác này có mục đích đảm bảo an toàn, điều hòa và hiệu quả cho tất cả các hoạt động bay tại sân bay Nội Bài trong điều kiện tầm nhìn giảm xuống dưới tiêu chuẩn khai thác bình thường.

Sân bay Nội Bài những ngày qua

Trong phương thức LVP, các chuyến bay được chỉ định thực hiện phương thức tiếp cận chính xác ILS CAT II đường cất hạ cánh 11R. Để có thể thực hiện phương thức này, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật đối với các trang thiết bị thì kiểm soát viên không lưu điều hành bay và phi công phải có trình độ cao, được sự phê duyệt của Cục Hàng không Việt Nam.

Bên cạnh Phương thức LVP, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai Quy trình điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi. Quy trình này là một trong các biện pháp quản lý luồng không lưu (ATFM) nhằm cân bằng nhu cầu hoạt động bay và năng lực khai thác tại sân bay khi xảy ra các hiện tượng thời tiết xấu.

Kíp trực điều hành bay tại Đài KSKL Nội Bài.

Để thực hiện quy trình điều tiết luồng không lưu cần sự tham gia của nhiều đơn vị trong và ngoài VATM nhằm phối hợp đưa ra quyết định (CDM) như: Công ty Quản lý bay miền Bắc, Công ty Quản lý bay miền Trung, Công ty Quản lý bay miền Nam, Trung tâm Quản lý luồng không lưu, Trung tâm Khí tượng hàng không, Trung tâm Thông báo tin tức hàng không, các Trung tâm/Phòng điều hành sân bay của Tổng công ty Cảng HKVN, các Trung tâm Điều hành khai thác của các Hãng hàng không, Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cảng vụ hàng không miền Nam…

Ngoài việc áp dụng các phương thức điều hành bay và biện pháp quản lý luồng không lưu, VATM nghiên cứu, phối hợp thảo luận chuyên môn với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác dự báo thời tiết, đặc biệt trong những thời điểm thường xảy ra các hiện tượng thời tiết xấu ảnh hưởng đến hoạt động bay.

Liên tục có sương mù dày đặc tại sân bay Nội Bài

Hôm qua (4/2), VATM đã tổ chức cuộc họp do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Công chủ trì để nhìn nhận, xem xét và đề ra các biện pháp tăng cường đảm bảo hoạt động bay an toàn, điều hòa, hiệu quả trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Cuộc họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Tổng công ty, kết nối trực tuyến trên phạm vi toàn quốc và có sự tham gia của đại diện Cục Hàng không Việt Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cùng tất cả các cơ quan, đơn vị của VATM.

Trong thời gian tới, VATM sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nâng cao chất lượng dịch vụ, tích cực, chủ động phòng tránh, hạn chế và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do diễn biến thời tiết ảnh hưởng tới hoạt động bay.

Theo thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng, hình thế thời tiết sương mù có thể tiếp tục kéo dài đến ngày 8/2 (ngày 29 Tết) vào các thời điểm từ đêm đến đầu giờ sáng.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc phối hợp điều hành hoạt động hàng không trong điều kiện thời tiết sương mù, mây thấp ở các sân bay khu vực phía Bắc.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hai ngày nay, tại các sân bay khu vực phía Bắc hiện tượng sương mù, mây thấp, tầm nhìn giảm dưới tiêu chuẩn khai thác bay gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bay. Nhiều chuyến bay đã phải chuyển hướng hạ cánh hoặc bị hoãn, chậm giờ.

Những ngày qua, tình hình sương mù, mây tầm thấp gây nhiều ảnh hưởng tới hoạt động bay. Theo thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng, hình thế thời tiết này còn có thể tiếp tục kéo dài đến ngày 8/2 (ngày 29 Tết) vào các thời điểm từ đêm đến đầu giờ sáng.

Để chủ động phòng tránh, hạn chế và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do diễn biến thời tiết, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp chặt chẽ với các cảng hàng không, Trung tâm Quản lý luồng không lưu, công ty quản lý bay khu vực và các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng để có kế hoạch, phương án hoạt động khai thác phù hợp.

Cùng đó, thông báo kịp thời và có phương án phục vụ hành khách trong trường hợp thay đổi kế hoạch vận chuyển.

Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không và các cảng hàng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết tăng cường bố trí lực lượng phục vụ, điều hành tại cảng, cũng như kịp thời giải phóng tàu bay, phối hợp với các hãng hàng không triển khai các phương án xử lý trong trường hợp hoạt động khai thác bị ảnh hưởng do các tác động của thời tiết.

Nhiều chuyến bay đến Nội Bài không thể cất, hạ cánh do sương mù.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ sở khí tượng liên quan triển khai CDM kịp thời, theo dõi, điều hành hoạt động bay phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm Khí tượng sân bay khu vực phía bắc, Trung tâm Quản lý luồng không lưu và các cơ sở không lưu phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khí tượng liên quan triển khai CDM kịp thời, theo dõi, điều hành hoạt động bay phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết.

Đồng thời phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không và cảng hàng không trong công tác khai thác, bảo đảm an toàn và giảm thiểu những tác động tiêu cực do tác động của thời tiết.

Các cảng vụ hàng không cần theo dõi, giám sát, quản lý hoạt động khai thác của các hãng hàng không, các đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không bảo đảm an ninh, an toàn; Xử lý theo đúng quy định và thẩm quyền những vấn đề phát sinh trong hoạt động khai thác hàng không tại cảng.

Các tin khác